Mô hình kinh tế chia sẻ: Chia sẻ mọi thứ, nhưng tiền thì không!
Trong khi cả Airbnb và Uber đều hồ hởi hốt bạc thì thanh tra thuế lại lo lắng.
Mỗi một giao dịch cho thuê nhà thành công, Airbnb lại giữ lại khoản lợi nhuận 13%. Người cho thuê nhà thường trả thuế rất đầy đủ cho Airbnb vì công ty này có thể báo cáo giao dịch đó đến chính phủ.
Tuy nhiên với bản thân Airbnb thì câu chuyện lại khác. Đơn vị quản lý tài chính của Airbnb nằm ở Ireland và một số “thiên đường thuế” khác. Chỉ một phần nhỏ doanh thu bị đánh thuế bởi chính phủ Úc hoặc Mỹ.
Đó là thách thức mà các công ty trong nền kinh tế chia sẻ như Airbnb hay Uber đang gây ra cho ngân khố của thế giới. Trong 5 năm kể từ khi loại hình kinh doanh này bắt đầu lan tỏa, một số bang và thành phố đã nỗ lực bảo vệ thông lệ thu thuế của địa phương.
Do những công ty này thường di chuyển trụ sở đến những nơi có ưu đãi thuế, dẫn đến phần lớn giá trị kinh tế cũng bị di dời. Theo các chuyên gia chính sách, có lẽ đó là cuộc chiến mang tầm quốc gia, trong đó chiến trường là hàng tỷ USD thuế doanh nghiệp mỗi năm.
Stephen Shay, cựu luật sư thuế quốc tế tại Kho bạc Mỹ nhận định, “Bản chất kinh doanh và cấu trúc của các công ty này cho phép họ có thể di chuyển lợi nhuận ra khỏi đất Mỹ. Trừ phi cơ quan thuế có cách thương lượng, khoản thất thoát có thể là một con số khủng lồ.”
Mỗi năm, các công ty dược phẩm và công nghệ như Pfizer, Merck, Google, và Apple né thuế liên bang bằng cách di chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế. Airbnb và Uber đang bắt đầu mở rộng chiến dịch này thông qua các lĩnh vực mới. PricewaterhouseCoopers ước tính, năm 2014 nền kinh tế chia sẻ tạo ra 15 tỷ USD lợi nhuận, đến năm 2025 sẽ là 335 tỷ USD.
Vài năm gần đây, Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất một vài biện pháp ngăn chặn các công ty công nghệ gian lận thuế. Hôm 4/4, cơ quan này phát hành luật hạn chế các vụ sáp nhập có mục đích né thuế, tuy nhiên sự phân chia đảng phái trong Quốc hội đã khiến cho đạo luật này khó được thi hành.
Một trong số những lựa chọn trú ẩn thuế an toàn cho Airbnb là Ireland. Luật thuế nước này cho phép các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tránh được cả 2 mức thuế cao nhất là 35% theo thuế Mỹ và 12,5% theo thuế thu nhập Ireland.
Tiền giao dịch của Airbnb tại 190 quốc gia được chuyển thẳng tới một trung tâm thanh toán tại Ireland, cho phép che giấu được hầu hết các khoản lợi nhuận tại hầu hết các quốc gia. Airbnb Ireland chỉ để lại một khoản phí nhỏ cho chi nhánh tại Úc để làm marketing trong nước, tiền thuế được trả trên khoản lợi nhuận đó.
Bằng cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Ireland, các công ty đa quốc gia có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận đến đây. Ở Jersey, Airbnb có 2 chi nhánh: Airbnb International Holdings và Airbnb 2 Unlimited đều không phải trả thuế kinh doanh. Nếu Airbnb đăng ký IP phần mềm tại Jersey, công ty này có thể chuyển lợi nhuận đến đây thông qua thanh toán tiền bản quyền từ chi nhánh Ireland. Chiến lược này cũng được áp dụng tại các công ty công nghệ và dược phẩm.
Cho dù động lực của Airbnb là gì, các đối thủ cạnh tranh truyền thống không có “phép thuật” thu nhỏ thuế như vậy. Trong khi Airbnb không sở hữu những tài sản trên web của mình, thì những khách sạn truyền thống như Wyndham, Hilton và Marriott với lợi nhuận trung bình mỗi năm là 2,3 tỷ USD (2013-2015) phải trả hàng trăm triệu USD tiền thuế cho chính phủ Mỹ.
Uber di chuyển dòng tiền thanh toán tới Hà Lan và đăng ký IP tại thiên đường thuế Bermuda, đóng góp cho Mỹ khoản thuế chưa đến 2% doanh thu ròng.
Là quốc mẫu của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và cũng là quốc gia tiêu biểu duy nhất đánh thuế thu nhập đa quốc gia, Mỹ đang chiếm phần bánh lớn trong cuộc chiến này.
Theo đề án của chính quyền Obama, mức thuế sàn cho thu nhập toàn cầu của các tập đoàn tại Mỹ là 19% không kể dòng tiền cuối cùng chảy về Mỹ hay bất kể nơi nào khác. Bên cạnh đó, quy định về trì hoãn thu nhập toàn cầu và sử dụng cấu trúc tính thuế tại bất kỳ quốc gia nào khác cũng bị siết chặt.