Minh chứng cho thấy chuyện 'robot sắp cướp việc làm của con người' chỉ là đồn nhảm

18/10/2023 15:18 PM | Kinh doanh

Những bài học lịch sử cho thấy công nghệ mới tạo ra nhiều việc làm hơn và câu chuyện máy móc thay thế con người không đáng sợ như nhiều người nghĩ.

Minh chứng cho thấy chuyện 'robot sắp cướp việc làm của con người' chỉ là đồn nhảm - Ảnh 1.

Tờ Business Insider (BI) cho hay trong suốt nhiều thập niên, con người đã lo sợ rằng các công nghệ mới xuất hiện sẽ loại bỏ hàng loạt nhân lực khỏi thị trường việc làm.

Ví dụ máy rút tiền tự động (ATM) sẽ đả kích các giao dịch viên ngân hàng, phần mềm bảng tính trên Excel sẽ hất cẳng các nhân viên kế toán hay robot sẽ khiến con người trở nên dư thừa trong sản xuất.

Thế nhưng đã đến năm 2023 rồi và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn chỉ xoay quanh 3,8% với khoảng 9,6 triệu việc làm đang tuyển dụng.

Vậy chuyện gì đang diễn ra khi ngày càng nhiều công nghệ mới ra đời nhưng con người vẫn là thành phần không thể thiếu trên thị trường?

Minh chứng cho thấy chuyện 'robot sắp cướp việc làm của con người' chỉ là đồn nhảm - Ảnh 2.

Câu trả lời đơn giản là công nghệ chỉ tạo thêm việc làm chứ chẳng khiến con người mất đi tầm quan trọng trên thị trường lao động.

Thậm chí làn sóng trí thông minh nhân tạo (AI) hiện nay cũng sẽ chỉ kích thích sản sinh ra những nghề mới cần nhiều lao động hơn mà thôi.

Những lời đồn nhảm?

Câu chuyện máy ATM thay thế những giao dịch viên ngân hàng đã trở nên quá quen thuộc với truyền thông khi nói về việc máy móc thay thế con người.

Đúng là sau vài năm kể từ khi ATM được áp dụng phổ biến, lượng giao dịch viên bình quân mỗi chi nhánh ngân hàng có ít đi, thế nhưng số chi nhánh lại tăng lên do chi phí vận hành giảm, hệ quả là tổng số giao dịch viên lại đi lên.

Nhờ ATM hạ chi phí vận hành mỗi chi nhánh ngân hàng mà họ có thể mở thêm nhiều chi nhánh mới, qua đó tuyển dụng thêm lao động.

Chuyên gia kinh tế James Bessen trả lời BI rằng bình quân mỗi chi nhánh ngân hàng ở các đô thị Mỹ có khoảng 21 giao dịch viên và mỗi ATM có thể thay thế tương đương 13 người.

Tuy nhiên điều này đồng nghĩa ngân hàng sẽ tốn ít chi phí vận hành hơn và dễ mở rộng các chi nhánh hơn, qua đó gia tăng nhu cầu về nhân viên.

Một ví dụ nữa thường được nhắc tới là khi Microsoft Excel ra đời cũng như được nâng cấp, nhiều người đã dự đoán về tương lai mờ mịt cho các nhân viên kế toán.

Thế nhưng cho đến hiện tại, sự phát triển của ngành tài chính đi kèm công nghệ chỉ khiến nhu cầu nhân viên kế toán, tài chính ngày một nhiều hơn.

Báo cáo của Morgan Stanley cho thấy sự bùng nổ của Excel kể từ năm 1987 đã khiến lượng kế toán viên giảm, từ 2 triệu lao động năm 1987 xuống hơn 1,5 triệu năm 2000.

Minh chứng cho thấy chuyện 'robot sắp cướp việc làm của con người' chỉ là đồn nhảm - Ảnh 3.

Mặc dù vậy lượng kiểm toán viên (Auditor) lại tăng mạnh từ 1,3 triệu lên 1,5 triệu người, trong khi chuyên viên quản lý tài chính cũng tăng từ 0,6 triệu lên 1,5 triệu người cùng kỳ.

Rõ ràng, công nghệ gây biến đổi nhu cầu thị trường lao động nhưng sẽ không khiến con người mất vai trò.

Một ví dụ nữa là câu chuyện nữ nhân viên trực tổng đài thập niên 1900.

Truyền thông cho rằng sự ra đời của công nghệ mới khiến việc chuyển đổi cuộc gọi thủ công từ tổng đài trở nên dư thừa và buộc các nữ nhân viên phải tìm việc khác, ví dụ như bảo mẫu.

Thế nhưng một báo cáo nghiên cứu năm 2020 của Hiệp hội nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) cho thấy sự biến đổi này liên quan đến nhiều yếu tố hơn là chỉ công nghệ.

Cụ thể, NBER cho rằng sự phát triển của những ngành nghề có độ khó tương đương nhưng mức lương tương tự thời đó, ví dụ như nhân viên đánh máy, thư ký hay nhân viên nhà hàng đã làm giảm sức hút của nghề trực tổng đài.

Đây được cho là một trong những yếu tố đóng góp khiến nghề này dần biến mất chứ không riêng gì lý do phát triển công nghệ.

Thời đại mới

Theo BI, truyền thông đang tạo ra những lời đồn bậy khi nâng tầm thái quá khả năng của máy móc cũng như sự đe dọa từ công nghệ mới đối với người lao động.

Đúng là công nghệ sẽ làm suy giảm nhu cầu của một mảng công việc nào đó nhưng lại tạo ra cơ hội mới, nhu cầu mới cho toàn ngành.

Một ví dụ điển hình là nghề lái xe taxi, sự ra đời của những ứng dụng chia sẻ, gọi xe đã khiến tài xế dễ dàng kiếm được thu nhập hơn chỉ với một chiếc điện thoại.

Minh chứng cho thấy chuyện 'robot sắp cướp việc làm của con người' chỉ là đồn nhảm - Ảnh 4.

Tất nhiên những tài xế taxi truyền thống, vốn am hiểu đường tắt, ngõ ngách với nhiều năm kinh nghiệm chịu áp lực cực lớn từ mảng dịch vụ gọi xe chia sẻ nhưng chúng lại đem về nhiều cơ hội việc làm hơn cho mọi người.

Trong báo cáo của Morgan Stanley, những công nghệ mới như AI sẽ làm thay đổi nhu cầu về kỹ năng lao động trên thị trường, thậm chí tạo nên sự bất bình đẳng thu nhập trong quá trình dịch chuyển. Dẫu vậy cơ hội là như nhau cho mọi người lao động và ai thích nghi được nhanh hơn sẽ có lợi hơn.

*Nguồn: BI

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM