Mì ăn liền, tốt hay không tốt?
Tranh thủ được nghỉ giải lao, bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã giải đáp thắc mắc của nhiều người về mì ăn liền - món ăn quen thuộc của mỗi chúng ta.
Mì tôm được coi là sự lựa chọn phổ biến nhất đối với phần lớn mọi người vì nó vừa tiện dụng và giá rẻ những khi chưa biết "hôm nay ăn gì". Tuy nhiên, mì ăn liền, tốt hay không tốt? Có khó tiêu hay không? Dưới đây là câu trả lời của bác sĩ "nghìn like" Trần Quốc Khánh.
"Về cơ bản thực phẩm chúng ta ăn uống hằng ngày được chia thành những nhóm chính bao gồm nhóm cung cấp chất đường glucid (gạo, mì, ngô, khoai, sắn...), nhóm cung cấp chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…), nhóm cung cấp chất béo (mỡ, dầu ăn, các loại hạt có chất béo như vừng, đậu nành…) và nhóm cung cấp chất xơ-khoáng-vitamin (rau củ quả…). Để cơ thể có thể xây dựng - phát triển và duy trì tốt các hoạt động, chúng ta luôn cần cung cấp đầy đủ và cân bằng tất cả những thành phần trên.
Thời gian tiêu hoá thực phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (loại thực phẩm, cách phối hợp chế biến, thể trạng bệnh nhân, bệnh lý bất thường đường tiêu hoá, tâm trạng - hoàn cảnh ăn uống…), trong đó bản chất của thực phẩm là yếu tố rất quan trọng quyết định thời gian tiêu hoá trong bao lâu. Tôi lấy ví dụ, thời gian để cơ thể chúng ta tiêu hoá tinh bột mất 3-4 tiếng, của chất đạm mất tầm 12-24 tiếng, chất béo tiêu hoá lâu nhất với trung bình 40 tiếng và hoa quả rau củ tươi là nhóm dễ tiêu hoá nhất với thời gian trên dưới 3 tiếng, đây được gọi là nhóm thực phẩm nhuận tràng.
Quay trở lại với mì ăn liền, trong một gói mì có chứa 3 thành phần cơ bản đó là tinh bột (nhiều nhất), rồi đến chất đạm, chất béo. Về cơ bản gói mì đáp ứng gần đủ thành phần dinh dưỡng cho chúng ta (thiếu chất xơ và vitamin), thưởng thức gói mì nên cho thêm ít rau củ và tráng miệng trái cây thì rất ok. Thêm nữa, trong mì ăn liền chủ yếu chứa tinh bột nên cơ bản chúng không gây khó tiêu (mất tầm 5 tiếng tiêu hoá, hấp thụ), còn chất béo trong một sản phẩm mì ăn liền thông thường tưởng là nhiều nhưng thực tế chỉ chiếm khoảng 10-13 giờ anh chị ạ.
Khi thấy cơ thể khó tiêu, chúng ta nên đi tìm kiếm những nguyên nhân như bệnh lý đường tiêu hoá, cách chế biến thực phẩm, nhu cầu cơ thể so với mức độ làm việc và vận động của mình, tâm trạng của chính mình, có đang sử dụng thuốc chữa bệnh hay không… anh chị nhé! Không chỉ riêng mì mà nhiều loại thực phẩm cũng từng bị hiểu lầm là nguyên nhân gây khó tiêu, ung thư, sỏi thận, hại gan… nhưng khi tiếp nhận các thông tin như vậy, anh chị nên tìm kiếm thêm thông tin từ các nguồn chính thống để có cái nhìn khách quan và chính xác hơn.
Dưới đây là 15 LỜI KHUYÊN liên quan đến dinh dưỡng và ăn uống từ bác sĩ, rất mong anh chị tham khảo.
1. Dinh dưỡng cân bằng: Bữa cơm đầy đủ 4 thành phần: Tinh bột, chất béo, chất đạm, chất xơ và các loại vitamin-khoáng chất.
2. Ăn uống đúng giờ.
3. Ăn theo nhu cầu: Lao động nhiều => ăn uống tăng.
4. Ăn chậm, nhai kỹ.
5. Ưu tiên hấp-luộc-kho nhạt-nấu canh-salad. Hạn chế xào, rán, quay, nướng.
6. Ưu tiên mâm cơm gia đình, vừa đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm lại thêm gắn kết tình cảm cha con, vợ chồng.
7. Bổ sung thêm những thực phẩm nhuận tràng, lợi khuẩn như men tiêu hoá, sữa chua, dưa chua.
8. Vận động thể dục thể thao mỗi ngày, ưu tiên yoga-thiền-đi và chạy bộ-đạp xe-bơi…
9. Không ăn quá no, quá đói.
10. Không sử dụng những loại thực phẩm giống nhau trong 2 bữa ăn gần nhau (sáng thịt bò thì trưa nên gà và tối nên cá).
11. Không dùng điện thoại, xem tivi, nói chuyện nhiều trong lúc ăn.
12. Không dùng chung bát đũa, nước chấm, nước dùng.
13. Không tắm, không vận động mạnh hay đi ngủ ngay sau khi ăn.
14. Không ngon miệng => không nên ăn, chúng ta tránh ăn theo phong trào và cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá ngay.
15. Ăn nhiều, đi tiểu nhiều và gầy nhanh => tam chứng kinh điển của bệnh tiểu đường, đi khám bác sĩ nội tiết ngay."