May mắn vì bán “cắt lỗ” không được, nhà đầu tư thắng đậm tiền tỷ từ mảnh đất nơi “khỉ ho cò gáy”
Vừa mua đất xong thị trường bất động sản ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên “đóng băng” tạm thời. Lo sợ sẽ lỗ nặng, nhà đầu tư tay ngang vội rao bán “cắt lỗ” nhưng không có người mua. Đến nay khi thị trường bất động sản ấm dần lên, theo đó giá đất cũng tăng, nhà đầu tư đột nhiên lãi tiền tỷ.
Là một nhà đầu tư tay ngang, chị Nguyễn Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) đến nay vẫn chưa hết vui mừng vì đã kiếm được tiền tỷ từ mảnh đất bị mọi người chê là không giá trị ở nơi “khỉ ho cò gáy”.
Đầu tháng 4/2021, nghe theo lời người đồng nghiệp cùng công ty, chị Oanh đã mạnh dạn rút hết số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm được tổng 2 tỷ đồng tham gia thị trường bất động sản.
“Từ đầu năm 2021, trên các mạng internet lan truyền nhau sốt đất diễn ra ở khắp mọi nơi. Ở công ty tôi cũng không ngoại lệ, hàng ngày đi làm đều thấy các đồng nghiệp nói chuyện về đất đai. Vốn không phải tay đầu tư chuyên nghiệp nhưng tôi cũng vẫn nghe ngóng các thông tin về kinh tế. Khi đó, một người đồng nghiệp đã cho tôi biết giá đất tại Hoà Bình vẫn còn rất rẻ mà quỹ đất rộng lại có lợi thế từ thiên nhiên. Đồng nghiệp tôi còn nói thêm, chỉ cần mua vào mấy tháng có khi lãi vài trăm triệu đồng”, chị Oanh chia sẻ.
Nghe thấy xuôi tai nên chị Oanh đã về bàn bạc với chồng. Được chồng chị đồng thuận nên chị đã xuống tiền mua một mảnh đất rộng 1.500m2 tại Lương Sơn (Hoà Bình), trong đó có 250m2 là đất thổ cư, còn lại là đất vườn.
“Thời điểm mua, chồng tôi thì luôn ủng hộ nhưng khi chia sẻ với những người bạn khác họ đều chê mảnh đất ở nơi khỉ ho cò gáy, cỏ cây mọc um tùm. Mua vào biết bao giờ mới bán được”, chị Oanh nói.
Đến cuối tháng 4/2021, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Bắc Giang và lan rộng ra nhiều tỉnh/thành trên cả nước, cộng thêm lệnh giãn cách xã hội. Theo đó, thị trường bất động sản cũng tạm thời, khi ấy nhiều luồng thông tin cho rằng sau dịch bất động sản sẽ lao dốc khiến quan điểm của chị Oanh bị lung lay.
“Khi nghe nhiều người nhận định như vậy, tôi cũng muốn bán cắt lỗ để đảm bảo số vốn, bởi lẽ tiền bỏ ra mua cũng có gần 1 nửa là tôi đi vay và vẫn phải trả lãi đều. Khi đó, dịch bệnh nên nguồn tiền của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng”, nhà đầu tư tay ngang này cho hay.
Tuy nhiên, dù cắt lỗ 200 triệu đồng so với số tiền bỏ ra mua nhưng thời điểm đó đang áp dụng giãn cách xã hội nên không bán được đất. Đến tháng cuối tháng 9, tình hình dịch bệnh tạm thời ổn định, việc di chuyển cũng trở nên dễ dàng hơn. Chồng của chị Oanh lại quyết không bán cắt lỗ mà vẫn muốn giữ lại mảnh đất này. Bắt đúng nhịp vào lúc xu hướng “bỏ phố về quê” lại tiếp tục nở rộ. Giá đất ở một số khu vực như Ba Vì, Hoà Bình,... lại tăng “phi mã”.
“Sau dịch, tình hình giao dịch đất cũng dần khôi phục trở lại, cùng đó là nhiều nhà giàu ở Hà Nội đi săn những mảnh đất giá rẻ ở vùng ven để xây dựng ngôi nhà thứ 2, nghỉ ngơi cuối tuần. Theo đó, mảnh đất của tôi cũng được trả cao hơn nhiều so với lúc mua”, người phụ nữ cho biết.
Đến đầu tháng 1/2022, thấy đã lãi tiền tỷ nên chị Oanh đã chốt bán lại với giá hơn 3,1 tỷ đồng. Sau khi trừ hết tiền lãi suất vay lúc mua thì chị Oanh vẫn còn lãi 1 tỷ đồng so với thời điểm xuống tiền. Không chịu để yên tiền một chỗ, trả hết nợ, chị lại tiếp tục xuống tiền mua mảnh đất rộng hơn 1.000m2 với giá hơn 2 tỷ đồng tại Hoà Bình.
“Thực ra đây không phải lần đầu tiên tôi đầu tư đất, cách đây 3 năm chúng tôi cũng đã lãi 200 triệu đồng từ đất. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới kiếm được nhiều như vậy chỉ sau 9 tháng đầu tư, trung bình mỗi tháng chúng tôi đã có hơn 100 triệu đồng. Giờ tôi thấy may mắn khi lúc rao bán cắt lỗ không có người mua. Mảnh đất lần này tôi mua có diện tích nhỏ hơn nhưng vị trí đẹp hơn mảnh trước”, nhà đầu tư tay ngang vui mừng nói.