Máy bay, tàu ngầm mày mò tự chế, vẫn khó tiến xa

30/11/2016 16:04 PM | Công nghệ

Tinh thần sáng tạo thì có thể không thiếu (dẫn chứng là những máy móc nông nghiệp, thậm chí máy bay, tàu ngầm, do người trong nước mày mò tự chế), nhưng không có nền công nghiệp phụ trợ đi kèm thì làm sao tiến xa được? Làm chơi để thử sức thì được nhưng tiến lên sản xuất công nghiệp thì quá khó.

Tạo môi trường trao đổi quốc tế

Bất cứ khoa học nào cũng đều cần môi trường trao đổi quốc tế rộng rãi thể hiện qua các tạp chí khoa học quốc tế, các hội thảo, hội nghị và nhiều hình thức sinh hoạt học thuật khác, được tổ chức thường xuyên trên thế giới. Thi thoảng cũng có những hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, đó là những cơ hội rất tốt cho giới khoa học trong nước. Cho nên phải dành kinh phí thích đáng và huy động lực lượng khoa học của ta, ở cả trong nước và nước ngoài, để tổ chức tốt những hội thảo đó.

Song dù thế nào thì phần lớn các sinh hoạt học thuật quốc tế quan trọng ít nhiều đều ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước phát triển: Mỹ, Nhật, Úc hay châu Âu. Chi phí cho các nhà khoa học của ta, nhất là người trẻ, tham dự các sinh hoạt học thuật đó thường vượt quá xa đồng lương hiện nay của cá nhân, nên phải có cơ chế tài trợ bao gồm hội nghị phí, vé máy bay đi về và tiền ăn ở tại hội nghị.

Cho đến nay chúng ta chưa có cơ chế đó (hoặc đã có nhưng xem ra còn nhiều khó khăn thực hiện), và hình như rất ít người quan tâm chuyện này, nên các nhà khoa học trẻ, dù tài năng nhưng rất khó có cơ hội tham gia các sinh hoạt khoa học quốc tế, do đó cũng khó có sức bật phát triển như mong muốn. Trong khi đó, ngay cả ở các nước tiên tiến mà đồng lương của các nhà khoa học cao hơn hẳn chúng ta, hằng năm các đại học và viện nghiên cứu vẫn dành nhiều nguồn kinh phí tài trợ cho những thành viên của họ tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế, coi việc đó là nhiệm vụ cần thiết, đôi khi còn là vinh dự để đảm bảo và nâng cao uy tín của họ trên quốc tế.

Trường hợp cụ thể thường xảy ra trong chuyện này là thỉnh thoảng có những hội thảo quốc tế ở nước ngoài về một chuyên ngành nào đó, chuyên gia của ta có tiếng trong lĩnh vực ấy được mời làm báo cáo chính hoặc tham gia ban chương trình quốc tế rất muốn giúp cho các bạn đồng nghiệp trẻ trong nước có công trình nghiên cứu đặc sắc đến đó trình bày để có cơ hội vừa quảng bá kết quả nghiên cứu của mình vừa làm quen với môi trường quốc tế và qua đó thiết lập những quan hệ hợp tác nghiên cứu có lợi sau này. Nhưng rất ít có hy vọng tìm được nguồn tài trợ cần thiết cho những việc như vậy, dù mỗi chuyến đi ấy cũng chỉ tốn bốn năm chục triệu – tương đương chi phí trung bình cho một công bố quốc tế.

Do vậy, cần có cơ chế giúp đỡ thiết thực các nhà khoa học của ta, đặc biệt là người trẻ, tham gia các sinh hoạt học thuật quốc tế cần thiết trong từng ngành. Việc tham dự này không những có lợi cho uy tín khoa học của ta trên quốc tế mà còn cần thiết là vì thông qua các sinh hoạt học thuật sôi động trên quốc tế, các nhà khoa học của ta mới theo dõi được hết tình hình, nắm bắt các xu hướng phát triển trên thế giới, đồng thời thấy rõ hơn những nhược điểm, ưu điểm của mình để khắc phục hoặc phát huy.

Bằng cách đó mới giúp cho khoa học của ta tránh được sự phát triển cô lập, dễ lâm vào tình trạng provincialism (chủ nghĩa tỉnh lẻ) trong nghiên cứu khoa học, tức là tác phong nghiên cứu đi vào những đề tài quá cũ kỹ, quá xa lạ với các trào lưu chung, không còn ai quan tâm nghiên cứu nữa. Về tổ chức quản lý khoa học, có lẽ đây là một vấn đề quan trọng cần chú ý hiện nay.

Khuyến khích ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản

Tất nhiên những điểm chưa ổn về cơ chế và cách quản lý các viện nghiên cứu cơ bản còn phụ thuộc tình hình chung của đất nước. Chẳng hạn như chuyện lương của cán bộ nghiên cứu khoa học còn quá thấp. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản còn rất yếu, hầu như không có gì. Các ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ trong nước hầu như chẳng có liên hệ gì với giới khoa học.

Tất nhiên lỗi ở nhiều bên. Song, đứng về quản lý cần thấy vấn đề đó và suy nghĩ để tác động tích cực đến tình hình, chứ cứ để tự nhiên thì thường bên nghiên cứu chỉ lo nghiên cứu, bên kỹ thuật, công nghệ chỉ lo những ứng dụng đã quen thuộc.

Ví dụ, lý thuyết tối ưu toàn cục và nói riêng, lý thuyết tối ưu đơn điệu do tôi và nhiều cộng sự dày công xây dựng trong khoảng vài mươi năm lại đây, từ lâu đã tìm thấy những ứng dụng thực tế bổ ích ở các nước ngoài, đặc biệt gần đây đã được các nhóm khoa học ở Đức, Thụy Điển, Canada, Hongkong, Singapore,… ứng dụng khá tốt trong lĩnh vực công nghệ truyền thông không dây và các hệ thống mạng, nhưng ở Việt Nam là nơi khai sinh ra các lý thuyết đó thì hầu như không ai trong các ngành kỹ thuật, công nghệ nói trên biết đến. Không chỉ thiệt hại ở chỗ mình làm ra mà mình không khai thác được mà còn đáng tiếc nữa là với tình hình ấy khoa học cơ bản thiếu hẳn động cơ thiết thực để phát triển.

Thật ra việc ứng dụng những thành tựu nghiên cứu cơ bản hầu như không có gì cũng có một nguyên nhân, đó là trong đường lối phát triển công nghiệp của đất nước ngay từ đầu ta đã không quan tâm đúng mức xây dựng và phát triển các công nghiệp phụ trợ để từ đó đi lên dần những công nghiệp hoàn chỉnh, mà chỉ muốn đi tắt ngay vào những công nghiệp loại sau này. Hệ quả của đường lối đó là sau mấy chục năm, rốt cuộc Việt Nam tuy đã có những xí nghiệp công nghiệp hiện đại (chẳng hạn về điện tử) nhưng đó chỉ là những cơ sở công nghiệp do nước ngoài đầu tư và xây dựng từ A đến Z, trong đó ta chỉ có đóng góp chủ yếu khâu lắp ráp là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất.

Vì thiếu công nghiệp phụ trợ nên việc đổi mới sáng tạo cũng khó phát triển. Tinh thần sáng tạo thì có thể không thiếu (dẫn chứng là những máy móc nông nghiệp, thậm chí máy bay, tàu ngầm, do người trong nước mày mò tự chế), nhưng không có nền công nghiệp phụ trợ đi kèm thì làm sao tiến xa được? Làm chơi để thử sức thì được nhưng tiến lên sản xuất công nghiệp thì quá khó.

Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến khoa học vì trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ nảy ra nhiều vấn đề, nảy sinh ra nhiều nhu cầu đối với khoa học. Trong giai đoạn đầu, những vấn đề loại này thường vừa sức giải quyết của ta hơn là những vấn đề trong đại công nghiệp hiện đại. Bắt đầu với những loại vấn đề dễ, vừa sức, rồi dần dần tiến lên, đó là cách đi khôn ngoan.

Nhất là khi thế giới đã bước sang giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 rồi thì càng có nhiều vấn đề đặt ra phải suy nghĩ kỹ để khỏi bị lạc hậu quá đáng, đồng thời tránh phải lặp lại các thất bại và những bước đi không cần thiết của các nước đi trước ta. Ở một số nước phát triển, người ta lập hẳn task force bên cạnh Thủ tướng về chuyện này, vì họ đã thấy nhu cầu cấp bách. Ở ta đáng mừng là cấp lãnh đạo cũng đã bắt đầu quan tâm, nhưng việc làm cụ thể thì chưa có gì rõ ràng đáng kể, trừ việc xây dựng TP HCM thành một thành phố thông minh.

***

Mấy ý tản mạn trên về phát triển khoa học trong tình hình hiện nay. Vì ta đang mò mẫm con đường nên luôn vừa đi phải ngoái nhìn lại ta và nhìn rộng ra thế giới để khỏi bị lạc hậu quá xa. Dù thế nào vẫn cần đủ tự tin để dám dấn bước, không ngập ngừng, không ngần ngại, phải biết chấp nhận rủi ro, dám đương đầu với thách thức để đuổi kịp và đi lên cùng thiên hạ.

Trước hết phải khắc phục tư duy thủ cựu, giáo điều, ngay từ cấp lãnh đạo phải làm gương, cởi mở với cái mới, dấn thân tìm tới cái mới, đoạn tuyệt với cái cũ đã tỏ rõ không còn hợp nữa với cuộc sống hiện đại. Hệ thống chính trị cần phải thay đổi, phải dũng cảm nhìn nhận lỗi hệ thống ở đâu để dù khó khăn, dù đau đớn, cũng quyết tâm sửa, thì xã hội mới có đột phá về phát triển như chúng ta ai cũng mong muốn. Còn không thì ngay cái mục tiêu rất khiêm tốn đến năm 2030 mà World Bank đã cùng vạch ra với chúng ta cũng khó đạt được, nói gì lặp lại cái kỳ tích trước đây của Hàn Quốc và một vài nước ở Đông Nam Á.

GS Hoàng Tụy

Cùng chuyên mục
XEM