Mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng vì đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

26/07/2024 15:19 PM | Xã hội

Đề xuất về cơ bản phù hợp với các tuyên bố trước đây, song vẫn khiến nhiều người trẻ lo lắng.

Nghỉ hưu đang trở thành vấn đề gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc. Nguyên do đến từ công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu theo luật định của nước này - vốn thuộc hàng thấp nhất thế giới - nhằm ứng phó với hệ lụy của dân số già hóa và khủng hoảng quỹ lương hưu.

“Theo nguyên tắc tự nguyện và linh hoạt, sẽ thúc đẩy một cách dần dần và có trật tự cải cách tăng tuổi nghỉ hưu luật định”, báo cáo nêu rõ.

Tất cả nổi bật lên những thách thức trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng ngày càng gia tăng giữa người dân trong độ tuổi lao động và người già. Tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc hiện thấp so với tiêu chuẩn của nền kinh tế tiên tiến: 50 tuổi đối với công nhân nữ, 55 tuổi đối với nhân viên văn phòng nữ và 60 tuổi đối với nam giới.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Trung Quốc (tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên so với số người từ 15-64 tuổi) là 21% vào năm ngoái, so với 27% của Mỹ. Con số được dự báo sẽ tăng lên 52% ở Trung Quốc vào năm 2050 so với 39% ở Mỹ, sau đó đạt 83% vào năm 2100 so với 55% ở Mỹ.

Năm 2019, viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc tính toán rằng tổng số dư tích lũy của quỹ bảo hiểm hưu trí cơ bản dành cho nhân viên doanh nghiệp thành thị trên toàn quốc khi đó là 4,26 nghìn tỷ nhân dân tệ (589 tỷ USD). Con số này được dự báo sẽ đạt đỉnh ở mức gần 7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2027, sau đó giảm nhanh chóng và cạn kiệt vào năm 2035. Các nhà kinh tế cho biết ngoài việc đảm bảo hệ thống lương hưu ổn định, chính phủ sẽ phải đối mặt với một thách thức nữa là cố gắng làm cho chúng trở nên cân bằng.

“70% chỉ được lương hưu khá thấp hoặc không có lương hưu nào cả”, Wang Tao, nhà kinh tế trưởng của UBS Trung Quốc kiêm tác giả cuốn sách “Making Sense of China's Economy” cho biết. “30% nhận được lương hưu ở mức khá cũng sẽ không bền vững”. Gao Lingyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc CASS, cho biết hiện nay, tỷ lệ vào giáo dục đại học là hơn 60% và mọi người tham gia lực lượng lao động khá muộn. Tuổi thọ trung bình đang tiến tới 80 tuổi.

Mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng vì đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu- Ảnh 1.

“Nghỉ hưu muộn mang lại nhiều lợi ích”, ông nói. “Ví dụ, giúp tăng tích lũy phúc lợi xã hội và giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già hóa”.

Đề xuất về cơ bản phù hợp với các tuyên bố trước đây, song vẫn khiến nhiều người trẻ lo lắng về giờ làm việc dài kỷ lục trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và suy thoái. Sự căng thẳng đã biến thành nỗi tức giận sau khi một tin đồn lan truyền trên mạng rằng tuổi nghỉ hưu sẽ được kéo dài đến 65 đối với những người sinh sau năm 1990.

Qi, 28 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải, cho biết những người lao động đang phải làm việc chăm chỉ đến mức khó có thể sống đến tuổi 60, và “ngay cả khi họ sống đến ngày đó, liệu họ vẫn có lương hưu hay không?”.

“Đây thực sự là thách thức đối với thế hệ sau những năm 90”, Qi nói.

Trên mạng xã hội Weibo, hashtag “tăng tuổi nghỉ hưu” đã trở thành chủ đề được nhắc đến nhiều nhất vào cuối tuần qua. Một trong những bình luận nhận được số lượt thích nhiều nhất viết: “Xin hãy nhớ: tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩa là bạn phải đợi rất lâu mới được lĩnh lương hưu, chứ không đảm bảo rằng bạn sẽ có việc để làm cho tới tận lúc đó”.

“Người trẻ đang khó kiếm việc làm, trong khi người già lại không được nghỉ hưu”, một người dùng khác trên mạng Weibo viết.

Ngay cả những người lao động trung niên cũng tỏ ra phẫn nộ. Ông Gong, một kỹ sư 51 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết: “Nhóm người nghỉ hưu hiện tại đã hưởng lợi quá mức”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, bất kể phản đối có nghiêm trọng như thế nào, nhiều người lao động ngày nay cũng sẽ phải nghỉ hưu muộn hơn nhiều so với thế hệ trước.

Ma Qiji, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội lão khoa tại Viện Pangoal, một tổ chức nghiên cứu, nói: “Là một người lớn tuổi, tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp khi tôi nghỉ hưu. Hy vọng tỷ lệ sinh ở người trẻ sẽ cao và họ sẽ vui vẻ đóng góp cho an sinh xã hội”.

Như một vòng luẩn quẩn, tình trạng thiếu công ăn việc làm có chất lượng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số của Trung Quốc. Chính phủ nước này đã nới lỏng hạn chế về chính sách sinh con và đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính, song ý muốn có con của người Trung Quốc đang thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Được biết, dân số Trung Quốc đã giảm liên tiếp trong 2 năm. Tỷ suất sinh năm 2023 của nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo: Financial Times, CNN

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM