Mắm Phú Quốc "made in Thailand" và trăn trở của Thủ tướng bao giờ mới có hàng Việt Nam "đích thực"?
Dẫn lại tình trạng ở Mỹ mọi người mua nước mắm thương hiệu Phú Quốc của Việt Nam nhưng lại do Thái Lan sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải chuẩn hóa hàng Việt Nam đích thực trước khi xuất ngoại.
Câu chuyện hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang nước ngoài chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu không còn quá mới lạ.
Bàn về vấn đề này, tại Diễn đàn Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không giấu nổi nỗi trăn trở về thực trạng yếu kém các thương hiệu sản phẩm của vùng.
Lấy ví dụ, Thủ tướng cho hay, mặc dù là vựa lúa lớn của cả nước nhưng ĐBSCL vẫn chưa tận dụng uy tín thương hiệu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không tăng, thậm chí còn kém hơn gạo thương hiệu Campuchia.
Chất lượng thuỷ hải sản chưa ổn định, tư duy thị trường manh mún, nên sản phẩm chưa được đa dạng để đáp ứng nhu cầu cao cấp của thị trường, qua đó chưa xác lập uy tín thương hiệu của vùng.
Hơn nữa, các loại trái cây đặc trưng của ĐBSCL với hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao như bưởi năm roi của Hậu Giang, Sóc Trăng, bưởi da xanh Bến Tre, quýt Hồng Lai của Đồng Tháp, thanh long ở Tiền Giang… nhưng chưa có thương hiệu cao cấp.
“Những nông sản này cần đi khắp thế giới, trở thành những loại trái cây cao cấp, hiện diện trong những hệ thống siêu thị Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, phải mang thương hiệu Việt Nam đích thực chứ không thể vô danh, bị làm dụng, đóng dưới nhãn mác của các nhà phân phối trung gian”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tránh tình trạng ở Mỹ rằng mọi người mua nước mắm thương hiệu Phú Quốc của Việt Nam nhưng do Thái Lan sản xuất, hoặc các nước nhập giống cây của Thái về trồng. Trong khi ta hoàn toàn có thể làm được hoặc làm tốt hơn. Chẳng hạn, Việt Nam có mít tố nữ, có thể nói là loại mít có hương vị độc đáo và đặc biệt nhất.
Ông đề nghị chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi chứ không chạy theo số lượng.
"Thực hiện được tầm nhìn này coi như chúng ta đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp”, Thủ tướng dặn dò.
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và dịch vụ.
Đồng thời, chú trọng thương hiệu sản phẩm, lấy chất lượng và giá trị gia tăng làm cốt lõi, thay vì chạy theo số lượng; ưu tiên phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với đối phó biến đổi khí hậu bằng giải pháp công trình và phi công trình.