Rổ rá, thuốc trị mụn “thương hiệu hàng đầu” Thái Lan tấn công thị trường Việt Nam
Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2016 đang diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 5 đến 8/5 quy tụ gần 250 gian hàng, chủ yếu là các sản phẩm gia dụng từ đôi đũa, muỗng ăn, rổ nhựa, các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo - đồ uống cho đến những sản phẩm đòi hỏi công nghệ như làm đẹp, chăm sóc sức khỏe; máy quạt, phụ tùng, phụ kiện xe ô tô và xe máy...
Theo các doanh nghiệp Thái Lan, tham gia triển lãm này họ muốn khai phá thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân trong bối cảnh nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam được tháo bỏ rào cản thuế quan nhờ Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) được thành lập, thuận lợi để cạnh tranh.
Đa số doanh nghiệp Thái đều muốn tìm nhà phân phối bán sỉ hoặc các cộng tác viên online cho hàng hóa của họ.
Ngoài ra, với việc một số đại gia Thái đã nắm quyền kiểm soát các chuỗi siêu thị lớn như Metro Cash&Carry và Big C, các doanh nghiệp Thái xem thời điểm này là cơ hội thích hợp để đẩy mạnh phân phối hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam.
"Nhìn chung người tiêu dùng Việt Nam rất tin tưởng vào chất lượng hàng Thái nên chúng tôi sẽ sớm đưa hàng hóa vào Việt Nam để kinh doanh", bà Peraya Sophachitvatana thuộc công ty P. Sang Udom Trading Co., Ltd chuyên về mặt hàng bánh kẹo chia sẻ.
Đồ gia dụng "thương hiệu hàng đầu" Thái Lan tại triển lãm
Một doanh nghiệp Việt Nam chuyên nhập khẩu sản phẩm nhựa gia dụng sản xuất ở Thái Lan từ đôi đũa đến cái rổ, bình giữ nhiệt .... cho biết do doanh số của công ty bà tăng trưởng từ 25-30%/năm nên đối tác tin tưởng giao thêm các mặt hàng inox.
Vị này cho biết gần ba năm trước, các mặt hàng công ty bà kinh doanh nhập khẩu từ Thái Lan còn chịu thuế suất nhập khẩu 5%, nhưng nay không còn chịu thuế suất nữa nên giá bán cạnh tranh hơn.
Ở góc độ vĩ mô hơn, nhìn vào thông tin thông kê cập nhật của Tổng cục Hải quan, hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan trong quý I cũng đang có những sự chuyển động đầy thách thức.
Chỉ riêng quý I, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,818 tỷ USD, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Và Thái Lan đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta ở Đông Nam Á, vượt xa kim ngạch của quốc gia đứng ở vị trí thứ 2 là Singapore tới gần 500 triệu USD.
Xét về số lượng, hiện có đến 41 nhóm hàng, trong số hơn 50 mặt hàng chủ lực nằm trong “rổ” thống kê hàng hóa XNK của Tổng cục Hải quan có sự góp mặt của hàng hóa Thái Lan. Đây là một trong số ít quốc gia, cùng với các thị trường lớn truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có số lượng hàng hóa xuất khẩu vào nước ta nhiều đến thể.
Chỉ tính riêng quý I, có 5 mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Đứng đầu là điện gia dụng và linh kiện với trị giá kim ngạch 244,3 triệu USD, kế đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 180 triệu USD.
Đáng chú ý mặt hàng ô tô và linh kiện ô tô đều đạt kim ngạch hơn 140 triệu USD/mặt hàng, như vậy riêng 2 mặt hàng liên quan đến ô tô có tổng giá trị kim ngạch lên đến hơn 280 triệu USD.
Mặt hàng khác đạt kim ngạch trên 100 triệu USD khác là chất dẻo nguyên liệu với trị giá 122 triệu USD.
Đặc biệt, sau khi hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim- một trong những hệ thống siêu thị điện máy lớn nhất của Việt Nam bắt tay với PowerBuy, công ty con chuyên về bán lẻ của Central Group (đầu năm 2015), kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện gia dụng từ Thái Lan đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng trong quý I/2016, kim ngạch nhập khẩu điện gia dụng từ Thái Lan tăng tới 42,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương con số 73 triệu USD).
Mức tăng này chỉ đứng sau mặt hàng ô tô nguyên chiếc với mức tăng đến gần 64,5% về số lượng và 78,33% về trị giá.
Và cũng không hề ngạc nhiên khi hàng điện gia dụng và linh kiện của Thái Lan đã chiếm đến gần 58% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước (quý I cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 421,3 triệu USD).
Không chỉ có những nhóm hàng chủ lực kể trên, nước ta còn nhập khẩu từ Thái Lan nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có những mặt hàng mà trong nước vốn có thể mạnh như rau quả (gần 60 triệu USD); sữa, sản phẩm từ sữa (gần 19 triệu USD); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc (gần 8,5 triệu USD)…