Malaysia và câu chuyện công việc "thấp kém" trong giới trẻ

22/04/2016 14:04 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều ngành kinh tế của Malaysia đang thiếu lao động trầm trọng do giới trẻ chê công việc "thấp kém" , nhưng nước này lại gia tăng rào cản nhập khẩu lao động. Vậy nguyên nhân do đâu?

Tháng 2/2016, chính phủ Malaysia đã đề xuất cho phép 1,5 triệu công nhân Bangladesh nhập cảnh vào nước này để làm việc.

Tuy nhiên, quyết định này nhận được những phản ứng dữ dội trong cộng đồng lao động địa phương và chính phủ đã buộc phải hủy bỏ đề xuất này và tiếp tục áp đặt lệnh cấm thuê lao động nước ngoài đối với tất cả các nước.

Đối với những nền kinh tế phát triển, động thái này có thể coi là bình thường và đôi khi bị ảnh hưởng nhiều bởi các động cơ chính trị cũng như chiến dịch bầu cử.

Cục nhập cư Malaysia cho biết từ ngày 19/2 đến 8/3/2016, Cục đã tiến hành hơn 600 đợt truy quét người nhập cư bất hợp pháp vào Malaysia, bắt giữ hơn 4.114 người, trong đó có 138 công dân Việt Nam.

Riêng trong năm 2015, chính phủ nước này đã bắt giữ hơn 60.000 người nhập cư bất hợp pháp.

Dẫu vậy, Malaysia có một vấn đề khác với nhiều nền kinh tế phát triển khác, đó là họ có rất nhiều công việc trống nhưng chẳng cư dân nào muốn làm.

Ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất của Malaysia, một trong những mảng kinh doanh nổi tiếng toàn thế giới trong tháng vừa qua đã giảm 28% về doanh số do thiếu tới 27.000 nhân viên.

Ngành nông nghiệp tại đây cũng đang gặp khó khi tìm kiếm lao động địa phương, qua đó gây thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá một số loại trái cây lên 60%.

Hiệp hội các hãng ngành sản xuất của Malaysia cho biết 84% thành viên của tổ chức này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và hơn một nửa trong tổng số các thành viên không thể hoàn thành nhiều đơn hàng do không đủ nhân viên.

Trong 2 tuần qua, nhiều chủ doanh nghiệp tại đây thậm chí đã đe dọa cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa sản xuất nếu chính phủ không cho phép các lao động nước ngoài được nhập cư vào nước này.

Hiện tượng này đã khiến một số chuyên gia ngạc nhiên khi nhập cư được coi là một lợi thế về lao động đối với các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, những lo ngại về việc bị mất việc làm cùng sự khác biệt về văn hóa đang khiến tình hình nhập cư tại Malaysia trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Văn hóa lao động nhập cư

Với một nền kinh tế phát triển trong khu vực, Malaysia đã thu hút được nhiều lao động từ những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển hơn.

Trong khi đó, điều kiện sống được nâng cao khiến nhiều người dân Malaysia không muốn làm những ông việc quá nặng nhọc hoặc bị đánh giá là “thấp kém”.

Kể từ đây, làn sóng lao động nước ngoài bắt đầu tràn vào Malaysia và tạo nên một kiểu “văn hóa” mới cùng với xã hội vốn đã đa dạng về dân tộc và truyền thống như Malaysia.

Khi đi dạo trong các nhà hàng, trung tâm mua sắm hay thậm chí trên đường phố của thủ đô Kuala Lumpur, mọi người đều có thể bắt gặp những cuộc nói chuyện bằng tiếng Bahasa Indonesia thay vì tiếng bản địa Bahasa Melayu của người Malaysia.

Ngoài ra, những trang trại của nước này cũng tràn ngập lao động người Bangledesh, còn các nhà máy sản xuất tràn đầy lao động Nepal hay Việt Nam.

Theo số liệu chính thức, Malaysia hiện có khoảng 2,1 triệu lao động hợp pháp và ít nhất là 1 triệu người lao động bất hợp pháp. Như vậy, số lao động nước ngoài chiếm khoảng 15% trong tổng số 15,3 triệu lao động của toàn quốc.

Công việc “thấp kém”

Dù cho có nhiều tranh cãi, nhưng thực tế cho thấy Malaysia hiện đang là quốc gia nhập khẩu nhiều lao động nước ngoài nhất tại Châu Á và đứng thứ 4 trên toàn cầu về lao động nhập cư.

Một nền kinh tế phát triển khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia thấp và mức tiền lương cao hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, điều này đã tạo nên một hiện tượng trong giới trẻ Malaysia là họ không muốn làm những công việc “thấp kém”- những công việc được cho là bẩn, độc hại hay quá vất vả. Hầu hết những công việc này thuộc ngành sản xuất, xây dựng và nông nghiệp.

Chính thái độ này đã khiến nhiều ngành kinh tế của Malaysia gặp khó khăn. Ví dụ ngành công nghiệp dầu cọ của nước này đã mất hơn 250 triệu USD hàng năm chỉ vì thiếu lao động, cả địa phương lẫn nước ngoài để có thể thu hoạch dầu cọ.

Trước tình hình đó, chính phủ Malaysia từ lâu đã khuyến khích nhập khẩu lao động nước ngoài và hiện có khoảng 44% lao động làm những công việc “thấp kém” là người nước ngoài.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 10% gia tăng trong số lao động nhập cư tay nghề thấp tại Malaysia lại giúp GDP của nước này tăng 1,1%.

Mặc dù lợi ích kinh tế vô cùng rõ ràng nhưng chính sách của chính phủ Malaysia lại bị ảnh hưởng nhiều từ các chính trị gia, đặc biệt là khi kinh tế Malaysia đang bị ảnh hưởng từ giá dầu giảm mạnh.

Những chính sách bài ngoại và thiết lập hạn ngạch một cách vô lý cho lao động nước ngoài mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế của thị trường đã khiến kinh tế Malaysia chịu thiệt.

Việc bãi bỏ kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu lao động Bangladesh như ở trên không chỉ khiến các doanh nghiệp cần lao động thiếu nguồn lực mà còn gia tăng tư tưởng bài ngoại trong xã hội Malaysia.

Thêm vào đó, những quyết định như thế này còn khiến thị trường lao động tại Malaysia trở nên méo mó khi doanh nghiệp thiếu nhân lực nhưng vẫn có thể chèn ép mức lương của lao động nước ngoài.

Nghiêm trọng hơn, kế hoạch kinh tế 2011-2015 của Malaysia cho thấy nước này đang quá phục thuộc vào lao động nước ngoài giá rẻ tay nghề thấp và chính phủ cần giảm dần sự phụ thuộc này.

Rõ ràng, những nhận định trong kế hoạch kinh tế của Malaysia cho thấy nước này đang cố gắng cân bằng lại thị trường lao động cũng như kinh tế.

Tuy nhiên, ảnh hưởng quá sâu bởi tư duy méo mó về lao động trong giới trẻ và tác động của các phe pháo chính trị khiến những chính sách của quốc gia này không có hiệu quả, hoặc thậm chí còn làm tình hình tồi tệ hơn.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM