Lý nào để “cứu” Hoàng Anh Gia Lai?
Có hai điểm chính được chú ý trong hướng dự kiến “cứu” Hoàng Anh Gia Lai...
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nhưng hướng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bước đầu đã được gợi mở.
Qua cuộc họp đầu tuần này, các ngân hàng chủ nợ đã thống nhất quan điểm, báo cáo Ngân hàng Nhà nước, để cơ quan này xem xét, chốt lại những điểm nào vượt thẩm quyền thì có thể đề xuất hoặc xin chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ.
Hai điểm nhạy cảm
Như báo chí thông tin mới đây, có hai điểm chính mà các ngân hàng chủ nợ đề xuất để cơ cấu lại nợ cho HAGL, gồm: cơ cấu, gia hạn các khoản vay mà không phải chuyển nhóm nợ; thứ hai là Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng xử lý.
Cả hai điểm trên đều khá nhạy cảm, vì liên quan đến lợi ích, sự công bằng, trách nhiệm, vấn đề nợ xấu và thậm chí là cả câu chuyện dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hay không.
Một số thông tin bước đầu đưa ra lo ngại rằng, nếu thực hiện hai hướng hỗ trợ trên, Ngân hàng Nhà nước phải đối diện với áp lực dư luận về vấn đề nợ xấu tiếp tục bị lẩn khuất trong nhận diện; các ngân hàng chủ nợ được nhượng bộ về chi phí trích lập dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm; nếu thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ thì dường như đụng đến ngân sách và sự công bằng, vì có nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn mà không được hỗ trợ như vậy…
Riêng trường hợp HAGL và các ngân hàng chủ nợ, những lo ngại trên không phải là không hợp lý, thậm chí có yêu cầu về sự trả giá, trách nhiệm trong câu chuyện kinh doanh, cho vay và sử dụng vốn vay.
Tuy nhiên, cả hai điểm nhạy cảm trên, cũng như việc “cứu” HAGL, đặt trong thực tế chung của hoạt động ngân hàng, hoạt động của các doanh nghiệp, trong cơ chế chính sách của Việt Nam những năm gần đây, lại rất… bình thường.
Ưu ái riêng hay cá biệt?
Ở điểm thứ nhất, việc gia hạn nợ, miễn phạt, giảm lãi… của các ngân hàng đối với doanh nghiệp vay vốn là quyền của các ngân hàng thương mại, theo quy định của pháp luật.
Không chỉ HAGL, bất cứ doanh nghiệp vay vốn nào khi gặp khó khăn, các ngân hàng phải ngồi lại để tìm hướng tháo gỡ, hỗ trợ vượt qua. Để doanh nghiệp phá sản, siết nợ và thanh lý tài sản là bước cuối cùng.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đi cùng với quá trình trên là đề xuất không phải chuyển nhóm nợ của HAGL khi cơ cấu lại. Vì sao phải làm như vậy?
Ngân hàng sẽ bớt áp lực nợ xấu trên sổ sách, bớt phải trích lập chi phí dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm. Nợ xấu theo đó không được nhận diện đúng và đầy đủ. Đó là góc nhìn thẳng.
Nhưng nhìn vào mục đích cứu doanh nghiệp, khi nợ không phải chuyển nhóm, họ không bị xem là nợ xấu, để không bị chiếu theo quy định hiện hành mà không vay được vốn mới. Mặt khác, nếu bị nợ xấu, tín nhiệm của họ bị hạ, càng khó khăn trong làm ăn. Nếu nợ không bị chuyển nhóm, doanh nghiệp vẫn có cơ hội để tìm vốn khắc phục khó khăn, không bị sập cửa cơ hội mà có thể dẫn tới sập tiệm.
Vậy thì đề xuất trên có phải là ưu ái riêng cho HAGL không, có phải là cá biệt không?
Phía các chủ nợ mà VnEconomy tìm hiểu đều khẳng định: trước nay HAGL có lịch sử tín dụng tốt, vay trả rõ ràng và tuân thủ tốt các điều kiện, quy chế vay vốn.
Nay họ gặp khó khăn, điều không may là cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đã vừa kết thúc.
Cụ thể, trong ba năm qua, theo Quyết định 780 và chuyển tiếp trong Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước, hàng trăm nghìn doanh nghiệp khó khăn, cùng quy mô dư nợ từng lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng, đã từng được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm.
Chính sách trên đang từng tạo tiền lệ rộng lớn, quy mô lớn, thậm chí vẫn đang tiếp tục tại nhiều doanh nghiệp (và có lẽ cũng đã cứu được nhiều doanh nghiệp, góp phần để nền kinh tế không bị xấu hơn).
Đặt trong thực tế rộng lớn đó, đề xuất cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm cho HAGL không phải là ưu ái riêng và không phải là cá biệt.
Ở điểm thứ hai, đề xuất Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn cho các ngân hàng chủ nợ để tạo điều kiện hỗ trợ trong việc này, các quy định pháp lý cũng đã định sẵn.
Đó là quy định và cơ chế cho vay tái cấp vốn hiện hành. Trong quá trình hoạt động, bất cứ ngân hàng thương mại nào cũng được phép “xin” vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề còn lại là họ có đáp ứng được các điều kiện mà cơ chế đưa ra hay không.
Lãi suất tái cấp vốn cũng được quy định cụ thể tại từng thời kỳ, không theo ý chí chủ quan của Ngân hàng Nhà nước cho bất cứ trường hợp nào (riêng lãi suất tái cấp vốn qua kênh trái phiếu VAMC phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Nếu có bất thường và có biểu hiện không công bằng trong hoạt động này, thì có lẽ phải sửa đổi và chặt chẽ hơn trong các quy định của luật.
Vì sao lại “cứu”?
Như trên, phía các ngân hàng chủ nợ khẳng định HAGL có lịch sử tín dụng tốt. Vậy thì, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng sập cửa cơ hội, bắt họ phá sản để thanh lý tài sản, thu hồi nợ không phải là biện pháp đầu tiên.
Thứ hai, bao giờ các bên cũng sẽ xem xét nguyên do khó khăn từ đâu. Theo các ngân hàng chủ nợ, cũng như nhận diện từ Ngân hàng Nhà nước, HAGL gặp khó khăn chính khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, do rủi ro khách quan và khó lường từ biến động giá trên thị trường thế giới (đặc biệt ở lĩnh vực cao su).
Với hai điểm trên, đương nhiên ngân hàng và nhà quản lý không thể quay lưng, nhất là khi rủi ro xuất phát từ lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích đầu tư.
Mặt khác, HAGL là một doanh nghiệp đối ngoại điển hình của Việt Nam, khi có các hoạt động đầu tư lớn tại Campuchia, Lào và Myanmar… Một phần lớn khó khăn cũng gắn với hoạt động đầu tư đối ngoại này.
Xem xét cứu doanh nghiệp khi khó khăn hơn là bỏ và buông ngay mà không hẳn rồi sẽ gọn. Nhưng chắc chắn cả HAGL và các ngân hàng chủ nợ sẽ phải khắt khe hơn khi đánh giá triển vọng phục hồi, triển vọng khắc phục những bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này, triển vọng thành công bền vững nếu được “cứu” và sau khi được “cứu”.
Còn ở góc nhìn của thị trường, đâu đó hẳn vẫn là một sự khắt khe và cả mong muốn: bao giờ trách nhiệm tiếp vốn, quản lý rủi ro và nhận diện nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam mới thực sự được xác định rõ ràng hơn?