Lý do tại sao người dân Trùng Khánh vẫn vui vẻ dù đây là thành phố nhiều camera theo dõi nhất thế giới
Tính đến năm 2019, Trùng Khánh (Trung Quốc) có khoảng 2,58 triệu camera theo dõi, giám sát cho 15,35 triệu người và mọi hành vi từ vi phạm giao thông, trộm cắp vặt, an ninh công cộng đều đặt dưới hệ thống qu...
Sau một ca làm việc dài và mệt mỏi, Wu Fuchun, một người lái taxi 33 tuổi mải miết đi tìm nhà vệ sinh. Năm phút sau, một tin nhắn hiện lên trên điện thoại của Wu, nói rằng chiếc xe của anh đã đỗ sai vị trí, vi phạm luật giao thông.
Điều tiếp theo là ba điểm phạt trong giấy phép lái xe và tài khoản trừ 200 nhân dân tệ (khoảng 28 USD).
Wu không ngạc nhiên. Anh chấp nhận số phận của mình, vì bị phạt như thế này không phải là chuyện gì mới lạ ở Trùng Khánh, thành phố được đặt dưới sự giám sát nhiều nhất trên thế giới.
Trùng Khánh đã trở thành "thủ đô giám sát" của thế giới, với tỷ lệ camera trên đầu người cao nhất hành tinh. Ảnh minh họa: SCMP
Tính đến năm 2019, Trùng Khánh có khoảng 2,58 triệu camera giám sát để theo dõi hoạt động của 15,35 triệu người. Nghĩa là khoảng 168 camera trên 1.000 người. Con số này thậm chí cao hơn cả Bắc Kinh, theo một phân tích được công bố hồi tháng 8 của một trang web chuyên cung cấp dữ liệu nghiên cứu về dịch vụ công nghệ. Và trong số 10 thành phố hàng đầu về hệ thống giám sát, Trung Quốc chiếm 8 vị trí, còn lại là London và Atlanta.
Camera truyền hình mạch kín (CCTV) có thể được nhìn thấy ở hầu hết mọi nơi trong thành phố miền núi, nằm ở phía tây nam Trung Quốc này. Đó có thể là camera giám sát giao thông, ngăn chặn trộm cắp vặt trong nhà hàng và siêu thị, hoặc giám sát an toàn công cộng trong công viên và trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, có một điều người dân ở đây có thể chắc chắn rằng luôn có một chiếc camera đang theo dõi mọi di chuyển của mình
Ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, camera giám sát được tích hợp AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định các tài xế vi phạm giao thông. Trong khi ở Thâm Quyến, những người đi bộ sẽ bị bêu danh trên màn hình LED lớn và được thông báo và bị phạt qua tin nhắn tức thời.
Camera giám sát trên đường phố Trùng Khánh, tháng 10/2019. Ảnh: Jane Zhang
Nhưng tại sao, Trung Khánh lại vượt lên trên các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải, để giành lấy chiếc "vương miện giám sát" này?
Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là di sản từ các chiến dịch trấn áp tội phạm có tổ chức và xã hội đen, dưới thời của cựu chính trị gia Bạc Hy Lai, người đã giữ chức bí thư Trùng Khánh từ năm 2007 đến 2012, trước khi ông bị đưa ra xét xử cho tội tham nhũng và bị cầm tù. Các chiến dịch trấn áp này đã cho ra đời các hệ thống giám sát điện tử lớn trên quy mô toàn thành phố, bao gồm cả hệ thống nghe lén và giám sát thông tin liên lạc trên Internet.
Số khác thì cho rằng nguyên nhân bởi Trùng Khánh đóng vai trò trọng tâm trong Dự án Skynet, hệ thống giám sát quy mô quốc gia của Trung Quốc, với hàng trăm triệu camera giám sát và con số này đang liên tục được tăng cường.
Truyền thông nhà nước mô tả Skynet là mạng lưới giám sát lớn nhất thế giới, gọi nó là "đôi mắt bảo vệ Trung Quốc". Nhưng nó cũng dẫn đến lo ngại về tác động của việc giám sát liên tục đối với công chúng và có thể được sử dụng để nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến.
Còn ở Trùng Khánh, tất nhiên các đại diện chính quyền không có phản hồi gì về các câu hỏi có liên quan. Nhưng một điều đáng chú ý là không ít người dân đang sinh sống ở đây, lại có đó là một điều tốt.
"Thật tốt khi có nhiều camera giám sát hơn", tài xế Wu nói. "Nó mang đến cho mọi người cảm giác an toàn và có ít tội phạm hơn. Điều đó thực sự tốt."
Mỗi camera giám sát có một tác dụng và phạm vi hoạt động khác nhau.
Sau 3 năm làm tài xế taxi, giờ đây Wu đã nhận diện được các loại camera khác nhau trên đường phố và mục đích sử dụng của chúng.
"Camera trong các khối vuông dài màu trắng và được lắp đặt trên khung kim loại trên đường phố sẽ phát hiện xe vượt quá tốc độ và liệu dây an toàn trong xe có được thắt chặt hay không", Wu nói. "Trong khi đó camera có ống kính xoay ở trung tâm thương mại và khu mua sắm phát hiện người đậu xe bất hợp pháp. Camera được lắp đặt trên các cột kim loại cao gần ngã tư giám sát lưu lượng phương tiện trên đường và có thể điều chỉnh thời gian chuyển đổi của đèn giao thông cho phù hợp. Còn camera có ống kính hình cầu có thể phóng to và giám sát an toàn ở nơi công cộng".
Liu Gangqiang cũng là tài xế taxi, kinh nghiệm 6 năm và anh cũng đồng tình với Wu rằng mạng lưới camera giám sát giúp ngăn ngừa tai nạn giao thông và có thể bảo vệ họ chống lại những hành khách ngang ngược.
Anh nhớ lại lần một hành khách bị mất túi xách trong xe. Cô ấy không nhớ biển số nhưng đã tìm thấy anh sau khi gọi cho công ty quản lý taxi địa phương, nơi đã nhận ra chiếc xe của Liu thông qua các cảnh quay từ camera giám sát. Nữ hành khách này đã lấy lại được túi của mình chỉ sau vài giờ.
Ở các quốc gia phương tây như Mỹ hay châu Âu, một số chính quyền địa phương ra luật cấm sử dụng công nghệ nhận dạng trên camera vì có thể bị lạm dụng. Nhưng với những người dân ở Trung Quốc, cụ thể là Trùng Khánh, họ dường như sẵn sàng đánh đổi một số quyền riêng tư để được an toàn và có cuộc sống cải thiện hơn. Wu là một trong số đó, anh không lo lắng quá mức về vấn đề xâm phạm quyền riêng tư.
"Nếu bạn không ăn cắp, cướp giật hoặc vi phạm pháp luật thì chẳng có vấn đề gì. Bạn chỉ cần làm những gì bạn nên làm", anh nói. "Nó không thực sự liên quan đến quyền riêng tư vì họ chưa lắp đặt camera trong nhà của bạn".
Liu đồng ý với đồng nghiệp của mình. "Miễn là họ không quay phim trong phòng ngủ và phòng tắm của tôi, điều đó không thành vấn đề. Tại sao chúng ta cần sự riêng tư cá nhân trong không gian công cộng?"
Tuy nhiên, gần đây chính quyền lại muốn đặt cả camera giám sát trong những chiếc xe hơi. Các loại xe taxi ở Trùng Khánh mà cũ hơn 6 năm phải được loại bỏ, thay thế và các mô hình mới sẽ có gắn kèm camera bên trong. Theo đại diện Cục giao thông Trùng Khánh, việc này nhằm giám sát tài xế ngăn họ hút thuốc trong xe và đảm bảo về danh tính của lái xe đúng với đăng ký.
"Theo tiềm thức, tôi hơi bị khó chịu vì có một chiếc camera bên trong xe của mình", Liu nói. "Nó làm cho tôi cảm thấy rằng luôn có một con mắt nhìn chằm chằm vào mình. Nhưng tôi phải làm quen với nó. Chừng nào tôi muốn giữ công việc này, tôi chỉ có thể chấp nhận nó."
Một cư dân Trùng Khánh khác, Tu Jianquan, 41 tuổi, nói rằng khi con gái ông học mẫu giáo tư thục, nơi có camera giám sát bên trong lớp học và cha mẹ có thể theo dõi những gì con cái họ đang làm trong thời gian thực.
"Khi con tôi mới đi học mẫu giáo, bố mẹ tôi rất lo lắng", Tu nói. "Tôi phải mở máy tính ở nhà và họ sẽ nhìn chằm chằm vào màn hình (để xem cháu mình đang làm gì và có được sự trấn an)."
Tuy nhiên, Tu cho biết ông sẽ không muốn bị camera theo dõi trong xe taxi vì lo ngại các thông tin cá nhân như nội dung cuộc gọi điện thoại của mình sẽ bị thu thập bí mật.
Chen Yuan, một chủ cửa hàng tiện lợi ở Trùng Khánh đã lắp đặt 5 camera giám sát bên trong cửa hàng rộng 60 mét vuông của mình kể từ năm 2015. Ảnh: Jane Zhang
Thị trường thiết bị giám sát video của Trung Quốc (không bao gồm video giám sát tại nhà) đạt giá trị 10,6 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường IDC.
"Động lực thúc đẩy phía sau là quá trình xây dựng các thành phố thông minh. Một mặt, các dự án thành phố thông minh hiện tại cần phải được nâng cấp liên tục. An ninh đô thị và quản lý giao thông có liên quan đến giám sát video", ông Richard Lu, một nhà phân tích từ IDC cho biết. "Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn đang tăng và nhiều dự án thành phố thông minh mới đang xuất hiện."
Báo cáo cũng tiết lộ rằng chi tiêu của chính phủ Trung Quốc chiếm 47,6% tổng chi tiêu trong ngành giám sát video năm 2018, với lĩnh vực giao thông chiếm 10,7% và dịch vụ giáo dục là 7,1%. Và Trung Quốc cũng là thị trường video giám sát lớn nhất toàn cầu. Năm 2018, quốc gia này chiếm gần một nửa (45%) doanh thu từ thị trường video giám sát, trị giá 18,2 tỷ USD toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường video giám sát trong khu vực tư nhân của Trung Quốc cũng đang gia tăng.
Chen Yuan đã mở một cửa hàng tiện lợi vào năm 2015 và lắp đặt 5 camera giám sát bên trong cửa hàng rộng 60 mét vuông của mình. Bốn camera lấy cảnh quay từ các góc khác nhau và một camera chuyên theo dõi hoạt động vào ban đêm. Nếu ai đó cố gắng đột nhập cửa hàng, âm thanh báo động sẽ vang và Chen cũng nhận được một tin nhắn văn bản vào điện thoại ngay lập tức.
Chen phải trả khoảng 2.000 nhân dân tệ (khoảng 280 USD) để mua tất cả các thiết bị, bao gồm một màn hình đặt cạnh khu vực thu ngân. Anh nói rằng hầu hết các chủ cửa hàng đều làm như vậy.
"Hệ thống này đã giúp tôi bắt được kẻ trộm nhiều lần. Nhưng ngay cả khi tôi gọi cảnh sát, họ sẽ chỉ lưu hồ sơ", Chen chia sẻ. "Có rất ít cơ hội để tôi có thể lấy lại tiền vì đây là một vụ án quá nhỏ với số tiền liên quan ít."