Lý do này khiến bạn khó ngủ khi nằm trên giường lạ

28/04/2016 21:23 PM | Sống

Đã bao giờ bạn trằn trọc cả đêm khi không được ngủ trên chiếc giường quen thuộc của mình chưa?

Hiện tượng khó ngủ khi ở một môi trường mới là hết sức bình thường và các nhà thần kinh học thậm chí còn đặt tên cho nó là “Hiệu ứng đêm đầu” (first night effect).

Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Current Biology cho thấy hiệu ứng này về cơ bản là tương đồng với trạng thái ngủ nhưng một mắt vẫn mở. Nghĩa là khi bạn ngủ lần đầu tiên ở một môi trường mới, chỉ có một nửa bộ não của bạn thực sự nghỉ ngơi.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm bằng cách cho những người tham gia ngủ ở một môi trường mới và đo sóng não của họ trong giai đoạn thứ 3 của trạng thái ngủ với mắt cử động chậm (NREM 3), tức giai đoạn sâu nhất trong giấc ngủ.

Trong lần thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người tham gia trải qua nhiều hoạt động ở bán cầu não trái hơn so với bán cầu não phải, nghĩa là bán cầu não trái vẫn khá tỉnh táo.

Khi những người tham gia vẫn ngủ ở chỗ cũ trong đêm thứ 2, sự mất cân xứng giữa 2 bán cầu não không còn nữa và cả 2 đều nghỉ ngơi hoàn toàn.

Nhiều loại chim và động vật có vú dưới nước, trong đó có cá heo và sư tử biển, cũng có trạng thái ngủ như vậy. Chúng chỉ ngủ nửa não mà thôi, nhờ thế chúng có thể cảnh giác được những nguy hiểm tiềm ẩn khi đang ngủ.

Để khẳng định hiện tượng bất cân xứng trong hoạt động của não ở người khi ngủ diễn ra tương tự như với các động vật này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét liệu hiệu ứng “khó ngủ đêm đầu” có khiến những người tham gia nghiên cứu nhạy cảm hơn với các kích thích bên ngoài hay không.

Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia gõ nhẹ ngón tay lúc họ tỉnh dậy sau khi nghe âm thanh báo hiệu lúc đang ngủ. Họ ngủ 2 đêm liền ở cùng một chỗ, và các nhà nghiên cứu đều bật âm thanh báo hiệu ở cả 2 đêm. Kết quả là thời gian phản ứng với âm thanh ở đêm đầu nhanh hơn hẳn so với đêm thứ hai. Điều này cho thấy não người không chỉ mẫn cảm hơn do “hiệu ứng đêm đầu”, mà còn có thể tỉnh dậy nhanh hơn.

Các nhà nghiên cứu không rõ tại sao hiệu ứng này lại khiến bán cầu não trái tỉnh táo hơn chứ không phải bán cầu não phải, nhưng họ đưa ra giả thuyết là hai bán cầu não được “lập trình” khác nhau. Các kết nối thần kinh giữa một phần trong não nơi giấc ngủ sâu diễn ra với các phần còn lại thường mạnh hơn ở bán cầu não trái. Điều này khiến sự tỉnh táo ở bán cầu não trái có hiệu quả hơn so với não phải, vì các kết nối mạnh hơn có thể tạo ra những phản ứng nhanh hơn đối với các yếu tố kích thích nhận được khi đang ngủ.

Thậm chí cả mức độ thoải mái của chiếc giường cũng có vẻ không quan trọng khi phải ngủ ở một môi trường mới. Theo Yuka Sasaki, một trong số các nhà nghiên cứu, thì: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã thu thập một báo cáo chủ quan về sự thiếu thoải mái khi nằm trên giường mới. Nhưng không một ai cho rằng có vấn đề gì với cái giường trong đêm đầu tiên, nhưng khi đó ai cũng khó ngủ”.

Thật may là, khác với các loại động vật, có vẻ con người dễ chìm vào giấc ngủ sâu hơn một khi ta đã quen với môi trường mới.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM