Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền: Người có gia thế, nền tảng; người có trí lực, quan hệ; người có niềm tin và kiên trì tới cùng - Kết cục khác xa nhau!

14/05/2020 09:16 AM | Sống

Lịch sử cứ thích sắp xếp cho Lưu Bị và Tôn Quyền xuất hiện cùng thời đại với Tào Tháo, tạo nên lịch sử Tam Quốc hào hùng. Đây chính là ví dụ điển hình nhất cho cái gọi là thời thế tạo anh hùng.

Bối cảnh của Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị hoàn toàn không giống nhau:

1. Ông của Tào Tháo là Tào Đằng, đại thái giám nổi tiếng khuynh đảo triều chính, cha là thái úy Tào Tung, nắm trong tay không ít binh quyền. Một người như vậy, làm sao có thể không nổi?

2. Cha của Tôn Quyền là Tôn Kiên, một trong 18 chư hầu, một vị tướng lĩnh vô cùng năng chinh thiện chiến, biệt danh là mãnh hổ Giang Đông. Anh trai của Tôn Quyền là tiểu bá vương Tôn Sách, người gầy dựng nên giang sơn Giang Đông. Có sự nghiệp lẫy lừng của cha và anh làm nền tảng, Tôn Quyền về cơ bản là có được một bước đệm khá vững chắc.

3. Lưu Bị được lưu truyền là con cháu hoàng thất, là hậu nhân của Trung Sơn tĩnh Vương Lưu Thắng, con thứ của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, thuộc kiểu quý tộc sa sút, sự trỗi dậy của Lưu Bị có phần khiến người khác cảm thấy kinh ngạc.

Tào Tháo, có gia thế, có quan hệ, có năng lực

Đông Hán là một vương triều rất thần kì, bởi lẽ quyền lực của vương triều này đều nằm trong tay của ngoại thích và hoạn quan, hai đàng đổi đi đổi lại, truyền cho nhau như quả bóng.

Vậy thì, là một đại thái giám, ông của Tào Tháo rốt cuộc có thế lực lớn tới đâu? Thực ra trong lịch sử cũng có những giới thiệu liên quan, rằng Tào Đằng có công lớn trong việc nghênh lập Hán Hoàn Đế, vì vậy được phong làm Phí đình hầu và Đại Trường Thu (một chức quan lớn do hoạn quan đảm nhận ở cung Trường Thu do hoàng hậu cai quản).

Ở Đông Hán cung, Tào Đằng cống hiến hơn 30 năm, vì làm việc chăm chỉ và nỗ lực nên nhận được đánh giá rất tốt. Những nhân tài được ông cất nhắc, cơ bản đều trở thành nhân tài của triều Hán thời kì sau này.

Có một người ông làm quan to như vậy, thời niên thiếu của Tào Tháo có lẽ khá là hạnh phúc. Ngoài ra, mặc dù chức quan thái úy của Tào Tung, cha của Tào Tháo là do bỏ tiền ra mua, nhưng cũng không thể phủ nhận được chỗ đứng của ông trong triều.

Tào Tháo có một gia thế quyền lực như vậy, tạo một nền tảng rất lớn cho ông sau này tung hoành trốn quan trường. Thời Hán Linh đế, nhờ có công tham gia dẹp loạn Khăn Vàng , Tào Tháo được phong làm Điển quân hiệu úy trong triều.

Ngoài xuất thân bề thế, Tào Tháo còn có hai gia tộc lớn làm hậu thuẫn. Một là Tào gia, một là Hạ Hầu gia. Lưu truyền rằng Tào Tung vốn dĩ là con cháu dòng họ Hạ Hầu, sau này làm con nuôi của Tào Đằng nên lấy họ Tào.

Sau này, khi Tào Tháo lập nghiệp, Tào Nhân, Tào Hồng, Tào Hưu… tất cả anh hùng hào kiệt của gia tộc họ Tào đều đứng lên giúp đỡ; Hạ Hầu Uyên, Hạ Hầu Đôn của dòng họ Hạ Hầu, cũng là những cánh tay rất đắc lực cho Tào Tháo.

Có những con người vừa tài giỏi lại vừa có gia thế ở bên cạnh, Tào Tháo sao có thể không thành công? Hoặc ít nhất thì hi vọng cũng là rất lớn.

Bản thân Tào Tháo cũng là một người toàn tài, không những giỏi binh pháp mà còn thâm thông mưu lược, biết lựa chọn và làm sao để nhân tài phục tùng mình. Về mặt trị nước, Tào Tháo cũng là một nhân tài, có thể ổn định lòng dân, nâng cao năng lực sản xuất của khu vực phương Bắc, đặt một nền móng vô cùng quan trọng và vững chắc cho triều đình Ngụy quốc sau này.

Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền: Người có gia thế, nền tảng; người có trí lực, quan hệ; người có niềm tin và kiên trì tới cùng - Kết cục khác xa nhau!  - Ảnh 1.

Nhân vật Tào Tháo trên màn ảnh nhỏ

Tôn Quyền có nền tảng từ cha và anh trai, bản thân cũng có năng lực trị nước

Khi đó 18 lộ chư hầu thảo phạt Đổng Trác, Viên Thiệu tuy là minh chủ, nhưng người thực sự lợi hại trong số 18 chư hầu lại chính là Tôn Kiên. Tôn Kiên được mệnh danh là mãnh hổ Giang Đông, đánh trận mạnh mẽ, dứt khoát, không ai là đối thủ.

Đổng Trác khi đó, trong 18 lộ chư hầu, chỉ sợ duy nhất một mình Tôn Kiên, Tôn Kiên từng chém chết đại tướng Hoa Hùng của Đổng Trác. Đổng Trác thậm chí còn từng tính tới nước cùng Tôn Kiên liên hôn, nhằm thay đổi thế cục thù địch với Tôn Kiên, có thể thấy, Tôn Kiên lợi hại ra sao.

Tôn Kiên sau khi bị Lưu Biểu ám sát, con trai của Tôn Kiên là Tôn Sách đã đưa cả nhà đi chạy trốn, nương nhờ Viên Thuật. Tôn Sách trong thời gian ở cùng Viên Thuật đã có được không ít mối quan hệ và cơ hội, từ đó dần dần có được cơ hội tự mình tách ra khởi nghiệp.

Về mặt danh nghĩa, Tôn Sách giúp Viên Thuật chiếm lấy Giang Đông, nhưng trên thực tế là đang âm thầm dành lấy thiên hạ cho mình. Kết quả, Tôn Sách lấy được Giang Đông, trở mặt với Viên Thuật, tự mình lập ra tập đoàn Giang Đông.

Sau khi Tôn Sách bị sát hại, cả tập đoàn Giang Đông được trao cho Tôn Quyền, Tôn Quyền sau khi kế nghiệp cha và anh, chỉ cần không làm càn làm xằng, tự nhiên sẽ có một chỗ đứng nhất định ở thời bấy giờ.

Người ta nói, tuổi trẻ tài cao, câu nói này rất đúng với Tôn Quyền, năng lực của Tôn Quyền hoàn toàn không phải dạng tầm thường, năng lực lãnh đạo của Tôn Quyền được thể hiện ở mảng chính trị. Chủ yếu là ở mảng cân bằng quan hệ giữa các thủ hạ, nắm lấy thực quyền của Giang Đông.

Tôn Quyền tiếp quản Giang Đông, khi đó còn chưa 19 tuổi, đây vốn dĩ là một trách nhiệm không dễ dàng gì. Tôn Quyền có thể bảo vệ Giang Đông, giữ cho Đông Ngô là một trong ba thế lực mạnh nhất thời bấy giờ, thực ra có thể nói là một điều kì tích.

Không chỉ phải đối mặt với sự lạnh lùng, hoài nghi từ các bậc trưởng bối, đối phó với sự chia rẽ của phiến quân, mà còn phải đối phó với hai thế lực hùng mạnh là Tào Tháo và Lưu Bị, tuổi trẻ của Tôn Quyền thực ra cũng không thong thả gì.

Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền: Người có gia thế, nền tảng; người có trí lực, quan hệ; người có niềm tin và kiên trì tới cùng - Kết cục khác xa nhau!  - Ảnh 2.

Nhân vật Tôn Quyền trên màn ảnh nhỏ

Lưu Bị cả đời chỉ làm đúng một việc, niềm tin và kiên trì tới cùng

Vì sao nói sự nổi lên của Lưu Bị ở Tam Quốc lại là một kì tích? Bởi lẽ Lưu Bị quả thực làm nên mọi thứ từ hai bàn tay trắng, làm nên từ tầng lớp thấp bé nhất trong xã hội lúc bấy giờ. Lưu Bị không có gia cảnh bề thế, quan to, cũng chẳng có bá nghiệp mà cha hay anh trai để lại.

Lưu Bị chỉ có công việc bần nông làm mãi không xong, và công việc bán giày cỏ mưu sinh. Chỗ dựa duy nhất của Lưu Bị, có lẽ là người chú có chút tiền mọn của mình.

Nhờ có sự trợ giúp từ chú của mình mà Lưu Bị thời niên thiếu mới được đi "du học", mới được bái nhà Nho lớn lúc bấy giờ là Lưu Thực làm thầy, mới có một người bạn học thuộc dòng dõi con ông cháu cha như Công Tôn Toản.

Ngoài việc làm nên mọi thứ từ hai bàn tay trắng, một điểm khiến người khác cảm phục ở Lưu Bị đó là cả đời ông chỉ chuyên tâm cho đúng một việc, và còn kiên trì tới lúc chết.

Sau khi bình định được khởi nghĩa Khăn Vàng, Lưu Bị đi tìm kiếm cho mình địa bàn riêng, ban đầu đầu quân cho Công Tôn Toản, sau đó đầu quân cho Đào Khiêm ở Từ Châu, sau khi chiếm được Từ Châu lại bị Lã Bố cướp mất, Bị lại chuyển sang đầu quân cho Lã Bố.

Sau khi giúp Tào Tháo diệt Lã Bố, Lưu Bị lại đầu quân cho Tào Tháo, sau khi sự kiện "Y đới chiêu" bị bại lộ, Lưu Bị lại quay sang đầu quân cho Viên Thiệu, sau khi không ở được với Viên Thiệu nữa, ông lại xuống phía Nam đầu quân cho Lưu Biểu.

Đầu quân cho hết người này tới người kia, lúc này, Lưu Bị đã 46 tuổi. Phấn đấu 20 năm, trong tay chẳng qua cũng chỉ có 3 ngàn nhân mã, thành trì cũng chỉ là mượn của người ta, quả thực rất bi thương.

Nhưng Lưu Bị không bao giờ từ bỏ, đổi lại là người khác, có lẽ đã sớm từ bỏ ngay khi gặp phải khó khăn đầu tiên ở Từ Châu, ý chí kiên cường hơn một chút, có lẽ sẽ gắng được tới lúc làm công cho Tào Tháo, kiên cường hơn chút nữa chắc gượng được tới lúc đầu quân cho Viên Thiệu.

Quả thực rất hiếm có một người có thể chịu đựng và kiên trì tới lúc đầu quân cho Lưu Biểu mà không hề nao lòng hay thỏa hiệp. Vì vậy, Lưu Bị có thể trở thành một trong ba thế lực hùng mạnh nhất tam Quốc, tất cả là nhờ vào ý chí kiên cường, không chịu thua, nhờ vào bản sắc anh hùng bất khuất tới cùng của mình.

Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền: Người có gia thế, nền tảng; người có trí lực, quan hệ; người có niềm tin và kiên trì tới cùng - Kết cục khác xa nhau!  - Ảnh 3.

Nhân vật Lưu Bị trên màn ảnh nhỏ

Tổng kết:

Ba con người, ba hoàn cảnh khác nhau, họ cùng nhau tạo nên thời thế.

Không có Tôn Quyền hay Lưu Bị, Tào Tháo sớm đã thống nhất được thiên hạ, Tào Tháo căn bản sẽ không thất bại ở trận Xích Bích, chiếm lấy Kinh Châu, rồi công hạ Giang Đông. Lưu Chương vùng Ích Châu và Trương Lỗ vùng Hán Trung nhất định là chưa đánh đã hàng, cứ như vậy, việc Tào Tháo thống nhất thiên hạ chỉ là chuyện sớm chiều.

Nhưng, lịch sử lại cứ thích sắp xếp cho Lưu Bị và Tôn Quyền xuất hiện cùng thời đại với Tào Tháo, tạo nên lịch sử Tam Quốc hào hùng. Đây chính là ví dụ điển hình nhất cho cái gọi là thời thế tạo anh hùng.

A Độ

Cùng chuyên mục
XEM