Lười sinh con, người Nhật đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng tồi tệ
Dân số Nhật giảm đến 1 triệu người chỉ trong 5 năm. Nếu vấn đề này không được sớm ngăn chặn, chắc chắn, kinh tế Nhật sẽ đối diện với rủi ro suy giảm và xáo trộn cuộc sống xã hội.
Anh Takao Oseki, kỹ sư điện một công ty đường sắt của Nhật, kể chuyện về cuộc đời đi làm của mình: “Mỗi ngày tôi ra khỏi nhà lúc 7h sáng và trở về nhà khi đã 11h đêm. Cứ đều đặn như vậy, có khi phải làm cả thứ Bẩy, ngày Chủ Nhật tôi ngủ suốt từ sáng đến tối và đến ngày thứ Hai, guồng quay làm việc mới lại tiếp tục.”
Cứ như thế anh đã đi làm được 7 năm…anh cảm thấy mệt mỏi nhưng cũng không biết thay đổi thế nào bởi đa phần người đi làm ở Nhật đều như vậy. Hai vợ chồng dù sống cùng nhà nhưng gần như không nhìn mặt nhau, nói gì đến việc sinh con.
Cuối cùng, họ ly dị. Anh Takao vẫn tiếp tục cuộc sống đi làm quần quật của mình, anh không biết tương lai sẽ nên làm gì, kết hôn với người khác rồi cũng sẽ có cuộc sống tương tự, hoặc anh phải chấp nhận công việc lương thấp mới có thể có được gia đình bình thường.
Guồng quay làm việc như vậy đã tạo ra một xu thế đáng lo ngại. Nước Nhật đã bước vào một vòng xoáy luẩn quẩn của tỷ lệ sinh thấp, chi tiêu thấp gây ra nhiều thiệt hại đến nền kinh tế. Kết quả của nhiều cuộc thống kê cho thấy dân số Nhật giảm đến 1 triệu người chỉ trong 5 năm. Nếu vấn đề này không được sớm ngăn chặn, chắc chắn, kinh tế Nhật sẽ đối diện với rủi ro suy giảm và xáo trộn cuộc sống xã hội.
Giới chuyên gia kinh tế có riêng một từ để nói về những nước có tình trạng dân số giống như Nhật, họ coi như một quả bom nhân khẩu học đang tồn tại ở đó. Tại những nước này, chi tiêu sụt giảm gây tổn hại đến nền kinh tế, các gia đình sợ hãi việc có con và nuôi con, vì thế kinh tế lại sụt giảm nhiều hơn nữa. Cùng lúc đó, chế độ y tế chất lượng tốt giúp tuổi thọ của người già ngày một cao.
“Dân số già cũng đồng nghĩa với việc chi phí cứu chữa y tế ngày một cao hơn, quỹ lương hưu và phúc lợi xã hội chịu tác động suy giảm, thiếu người chăm sóc người già, tăng trưởng kinh tế thấp và thiếu hụt lao động trẻ”, theo phân tích của bà Brinton.
Sẽ rất khó để tháo gỡ được quả bom nhân khẩu học kiểu này bởi nó đã được hình thành qua nhiều năm, thậm chí qua nhiều thập kỷ. Trong trường hợp của Nhật, các yếu tố gây ra quả bom nhân khẩu học đã bắt đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Thập niên 1950, Thủ tướng Nhật khi đó là ông Shigeru Yoshida đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Nhật lên thành mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ông yêu cầu các tập đoàn lớn của Nhật xây dựng chế độ việc làm trọn đời cho người Nhật chỉ với điều kiện người lao động phải trung thành với doanh nghiệp. Quyết định này của ông lập tức phát huy hiệu quả.
Kinh tế Nhật đã vươn lên vị trí thứ 2 trên thế giới và nay đứng ở vị trí thứ 3 nhờ vào nỗ lực của Yoshida từ cách đây 65 năm.
Người Nhật: Già nhanh hơn giàu
Thế nhưng cũng cùng thời gian trên, tỷ lệ sinh của phụ nữ Nhật giảm chóng mặt. Vào thập niên 1950, tỷ lệ sinh của phụ nữ Nhật ở mức 2,7 trẻ em/phụ nữ. Đến năm 1960, khi các doanh nghiệp cứ đòi hỏi ngày một nhiều hơn từ người lao động, tỷ lệ sinh giảm xuống còn 2,08. Tỷ lệ sinh tại Nhật như vậy đã giảm dần, rồi xuống dưới ngưỡng thay thế, dẫn đến tình trạng dân số suy giảm.
Và khi ngày một nhiều phụ nữ đi học, tỷ lệ sinh lại giảm thêm nữa. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ đi học đại học vượt lên trên 49%, cùng lúc đó, tỷ lệ sinh giảm chóng mặt xuống mức chỉ còn 1,41 trẻ em/phụ nữ. Dân số giảm, còn người lao động tiếp tục làm việc ngày một nhiều giờ hơn.
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo chính phủ nhiều nước châu Á về việc tránh đi vào “vết xe đổ” của Nhật. Và vào năm ngoái, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cũng khẳng định rằng nếu thái độ làm việc và quan điểm về giới tại nhiều nền kinh tế phát triển không thay đổi, họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn y như Nhật.
Tuy nhiên, so với nhiều nước khác, các vấn đề mà Nhật đang đối đầu tồi tệ hơn. Năm 2017, lần đầu tiên doanh số bán bỉm người lớn đã cao hơn bỉm trẻ con; quá thiếu nhà dưỡng lão, nhiều nhà tù đã phải chuyển đổi công năng thành nhà dưỡng lão; cùng lúc đó, tỷ lệ người già phạm tội tăng chóng mặt trên khắp nước Nhật.
Và rồi có nhiều tù nhân già khi ra tù không được ai chăm sóc đã cố tình phạm tội chỉ để được quay lại nhà tù. Việc ăn cắp một chiếc bánh kẹp có thể khiến người ta phải ngồi tù 2 năm nhưng 2 năm đó cũng đồng nghĩa với được có nhà ở và ăn uống miễn phí.
Tỷ lệ tử cũng đã thấp hơn tỷ lệ sinh. Chế độ chăm sóc y tế quá tốt, người ta không dễ chết như ngày xưa. Hiện nay, đến 27% dân số Nhật là người già. Tại Mỹ, tỷ lệ đó chỉ ở mức 15%. Đến năm 2050, tỷ lệ này có thể lên mức 40%. Chính những người trẻ đang sống ở hiện tại sẽ phải gánh chịu chi phí y tế ngày một cao này.
Thế nhưng theo nhà báo Renge Jibu năm nay đã 42 tuổi, phong cách làm việc mà cựu Thủ tướng Nhật từng xây dưng cho nước Nhật cách đây 65 năm nay đang dần thay đổi. Nhiều người Nhật không còn muốn gắn bó với công việc mà họ ghét nữa.
Theo phân tích của chuyên gia xã hội học Natsuko Fujimaki, nhiều người trẻ Nhật với quan điểm cống hiến hết mình cho công việc và triết lý làm việc hoàn hảo khiến họ càng khổ hơn. Họ tuân thủ chặt chẽ các quy tắc công việc và cố gắng làm càng chính xác càng tốt. Và điều này khiến họ khổ bởi nhiều người trong số họ chỉ có đủ thời gian để đi ngủ vào lúc 2h sáng và xung quanh là một đống hộp đồ ăn sẵn còn chưa kịp vứt đi.