Luật bất thành văn ở Trung Quốc: Nếu không làm sếp thì đừng bao giờ gửi tin nhắn thoại với đồng nghiệp

23/07/2018 10:53 AM | Xã hội

Một văn hóa làm việc tại trung Quốc đã trở nên phổ biến và được coi như một phép tắc cố hữu trong việc truyền đạt thông tin ở môi trường công sở nghiêm túc: Cực kỳ hạn chế gửi tin nhắn thoại.

Tính năng gửi tin nhắn thoại đã xuất hiện từ lâu trên các ứng dụng nhắn tin online hoặc mạng xã hội như Messenger, Snapchat, Viber... Thông thường, nó chỉ được coi như một dạng tin nhắn mới để truyền đạt thông tin cần nói, thế nhưng bạn có tin được là tin nhắn thoại thậm chí còn được coi là một dấu hiệu thể hiện cấp bậc địa vị xã hội ở Trung Quốc, trên ứng dụng nhắn tin WeChat phổ biến tại đây hay không?

Đúng vậy, tính năng gửi tin nhắn thoại của cộng đồng người dùng Trung Quốc ở WeChat không hề "bình thường" như nhiều người tưởng, mà nó mang một ý nghĩa khá độc nhất ở trong xã hội. Cụ thể, việc gửi tin nhắn thoại chỉ được dùng nếu người gửi được tính là cấp trên, hoặc có vị trí cao hơn người nhận. Nếu không, đó sẽ là một cử chỉ khá khó chịu và không hợp thái độ khi 2 người có địa vị ngang nhau, kị nhất là từ người dưới gửi cho cấp trên.

Tại sao lại có văn hóa chat lạ lùng như vậy?

Điều này xuất phát từ thói quen của người Trung Quốc ngày nay khi họ coi WeChat là công cụ chính yếu nhất để gửi thông tin lẫn nhau trong môi trường làm việc, phổ biến hơn cả email. Do vậy, có một số luật ngầm được hiểu đối với cách thức gửi tin nhắn giữa mọi người với nhau. Để lấy một ví dụ cụ thể, những đoạn trò chuyện như sau sẽ rất dễ khiến người nhận... nổi điên:

Luật bất thành văn ở Trung Quốc: Nếu không làm sếp thì đừng bao giờ gửi tin nhắn thoại với đồng nghiệp - Ảnh 1.

3 đoạn tin nhắn thoại liên tục với độ dài... gần 90 giây.

Bên cạnh văn hóa làm việc, có những tính chất của tin nhắn thoại vốn dĩ đã quá rõ ràng để chúng không được tận dụng trong các công việc thường xuyên và quan trọng:

- Nếu bạn đang ở một nơi ầm ỹ hay nhiều tạp âm tiếng ồn thì chắc chắn rằng nhận những tin nhắn thoại trên là một cực hình, đồng nghĩa với việc bạn phải đứng dậy đi tìm một nơi tách biệt đủ yên tĩnh và áp tai nghe xem nội dung là gì. Hoặc nếu tình huống lúc đó là một nơi yên lặng như thư viện hoặc cuộc họp, đó sẽ là một cực hình tương tự, có khi còn phải lục tìm tai nghe để biết được người bên kia nói gì.

- Tin nhắn thoại không thể copy hay chuyển tiếp, và mỗi khi cần lục để xem lại và tìm kiếm nội dung liên quan, sẽ không có cách nào ngoài việc nghe lại toàn bộ chúng - vì bạn không thể tìm theo từ khóa được, đó là định dạng file âm thanh, không phải chữ viết. (Thực chất WeChat có chức năng chuyển đổi file nghe thành file chữ, nhưng chỉ có tác dụng ở tiếng Trung giản thể, chứ không đủ chính xác cho các phương ngữ khác biệt tùy giọng vùng miền.)

- Tin nhắn thoại ở Wechat không cho phép điều chỉnh tiến trình như khi chơi một bài nhạc - không thể "play/pause" hay tua nhanh, tua ngược và chỉnh thời điểm tùy ý. Thử tưởng tượng một giây nào đó bạn lỡ mất một từ ngữ quan trọng hay bị phân tâm, sẽ là cả nỗi khó chịu ngút trời khi phải chờ nghe lại từ đầu.

Luật bất thành văn ở Trung Quốc: Nếu không làm sếp thì đừng bao giờ gửi tin nhắn thoại với đồng nghiệp - Ảnh 2.

Tựu chung tất cả những điều trên, tin nhắn thoại luôn được coi là không phù hợp để giải quyết nhu cầu truyền đạt trong môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Nếu "dám" dùng như vậy, chắc chắn bạn cũng đang gửi kèm thông điệp rằng "Tôi ở vị trí quan trọng hơn bạn và đang thực sự rất bận, không có nổi thời gian để gõ một đoạn tin nhắn như thường lệ." Đồng thời, đó cũng là viễn cảnh cho thấy người gửi tự cho mình quyền được tiết kiệm thời gian vì chỉ cần nói là xong, trong khi người nhận sẽ phải nhận thêm áp lực và tiêu tốn nhiều thời gian hơn để tiếp nhận một tin nhắn thoại - điều mà thường chỉ xảy ra khi một cấp trên hạ lệnh xuống cấp dưới.

Vì thế, tin nhắn thoại trong WeChat chỉ nên được dùng nếu ai đó thực sự có vị trí cấp cao vượt qua người khác. Còn nếu không đảm bảo được điều kiện như vậy, hãy viết hẳn ra thành một tin nhắn chữ. Ngoài ra, các nhân viên ngang hàng cũng cần tự hiểu và học cách gửi tin nhắn liền trong một lần, không xuống dòng hay chia làm nhiều tin nhỏ vì nó có thể khiến điện thoại kêu, rung nhiều lần gây phiền hà cho người nhận. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá vội là ngoại lệ, bắt buộc phải gửi tin nhắn thoại cho nhanh, hãy luôn nhớ kèm theo một lời xin lỗi và giải thích qua về lý do phải làm vậy.

Theo NPQM

Cùng chuyên mục
XEM