Sau nhiều năm né tránh các xung đột quốc tế, Trung Quốc đang nổi lên trong vai "người hòa giải"

21/07/2018 08:26 AM | Xã hội

Châu Phi là nơi Trung Quốc đang làm rất tốt việc gia tăng ảnh hưởng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm tới  Senegal, Rwanda và Nam Phi trong những ngày tới. Khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đầu tư hàng tỷ USD vào những dự án cơ sở hạ tầng, họ cũng xây lên một tiếng nói ngoại giao mạnh mẽ nhằm phù hợp hơn với sự hiện diện ngày càng rộng trên khắp thế giới.

Bắc Kinh cũng ngày càng thể hiện mình như một "hòa giải viên" trong các cuộc xung đột chính trị, đặc biệt là ở châu Phi. Lục địa này cũng là nơi Trung Quốc rót những khoản tiền đầu tư lớn và cũng là nơi đầu tiên Bắc Kinh mở căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Năm 2007, Trung Quốc bổ nhiệm đặc phái viên đầu tiên tham dự vào cuộc chiến Darfur, vốn được mô tả như một nạn diệt chủng, nhằm giúp tìm ra các thỏa thuận chính trị. Năm 2015, các quan chức Trung Quốc đã tập hợp các bên tham chiến ở Nam Sudan để tổ chức đàm phán. Trong tuần này, Bắc Kinh tiếp tục đề nghị hòa giải những tranh chấp biên giới giữa Eritrea và Djibouti, nơi Bắc Kinh sẽ đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên.

"Được coi là một nhà hòa giải các tranh chấp trong khu vực giúp làm bật lên hình ảnh của Trung Quốc ở châu Phi. Và ở lục địa này, nơi chính quyền Trung Quốc đã thiết lập các liên kết quân sự lớn, đây là điều cần thiết để Bắc Kinh bảo vệ sự ổn định ở các quốc gia mà Trung Quốc có lợi ích kinh tế", bản nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins nhấn mạnh.

Theo CNBC, đây là một sự thay đổi lớn trong giao thức ngoại giao truyền thống của Trung Quốc. Từ năm 1954, Trung Quốc tuyên bố không tiến hành các động thái can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Tuy nhiên, tham vọng về một đất nước Trung Quốc hùng mạnh sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền đã dẫn tới sự thay đổi của Bắc Kinh.

Các liên doanh kinh tế và thương mại của Trung Quốc đang trải rộng trên toàn cầu theo cái gọi là "Sáng kiến vành đai và Con đường". Cùng với đó, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực nhàm đảm bảo cho an toàn của công nhân cũng như lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài.

Vào năm 2017, Bắc Kinh đã tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao với Afghanistan và Pakistan để chấm dứt các động thái thù địch liên quan giữa hai nước trong bối cảnh ông Tập muốn đưa Kabul vào hành lang kinh tế trị giá 57 tỷ USD nối liền với Islamabad. Năm ngoái, ông Tập cũng có những động thái cho vấn đề Israel và Palestine. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đề xuất một kế hoạch hòa bình cho vấn đề xung đột sắc tộc ở Myanmar, nơi Trung Quốc đang xây dựng một đặc khu kinh tế.

Theo các nhà chiến lược, mục tiêu chính của Trung Quốc là duy trì một bầu không khí ổn định cho các hoạt động đầu tư toàn cầu của quốc gia này. Tuy nhiên, việc này cũng góp phần giúp Bắc Kinh nâng cao tiếng nói trên trường quốc tế cũng như đóng vài trò lớn hơn trong nỗ lực duy trì ổn định của thế giới. Nó cũng đưa Trung Quốc lên ngang tầm các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump không mặn mà với các vấn đề quốc tế, Trung Quốc có thể tranh thủ thời cơ để củng cố vị thế.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM