Lửa đã từng gây ra thảm kịch diệt vong trên mặt đất, đại họa này vẫn có thể diễn ra một lần nữa
Trong số các loài bò sát, cá sấu và rùa nước ngọt có thể bơi thoát, các loài thằn lằn và rắn có khả năng vùi mình dưới đất cũng thoát chết, thế nhưng thằn lằn và rắn cạn chịu tác động nặng nề.
Vụ cháy rừng kinh hoàng ở Úc không gây nhiều thiệt hại về người và ít gây hậu quả về mặt kinh tế, thế nhưng độ đa dạng sinh học của lục địa Úc nói riêng và hệ sinh thái toàn Trái Đất nói chung sẽ bị giáng một đòn mạnh. Các nhà khoa học đã bắt đầu đưa ra cảnh báo khiến ta lo ngại: động thực vật đang đứng trước một thảm họa tuyệt chủng mới.
Lịch sử được Đất Mẹ ghi lại không biết nói dối: Trái Đất đã từng ít nhất một lần chứng kiến thảm họa tuyệt chủng do cháy rừng, đó là khi viên thiên thạch định mệnh rơi xuống Trái Đất, khiến Địa Cầu chìm trong biển lửa.
Đầu tiên, hãy nói về độ đa dạng sinh học trên đất Úc
Lục địa Úc là một trong 17 nước "megadiverse" ít ỏi, tức là chứa phần lớn giống loài có trên Trái Đất và có số lượng lớn loài đặc hữu chỉ có tại khu vực. Chẳng rõ sau đợt cháy thảm khốc này, con số 17 có giảm đi không, khi mà những khu vực cháy ở Úc đều nằm ở những nơi tập trung nhiều loài động vật.
Các loài có vú và chim chóc (có chân để chạy và có cánh để bay) đối mặt với ngọn lửa tàn khốc là đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rồi, sự thể còn tồi tệ hơn với các loài không xương sống không có khả năng thoát thân. Đáng buồn, chính những loài không xương sống mới tạo nên độ đa dạng sinh học của một đất nước megadiverse.
17 nước megadiverse.
Ví dụ, rừng mưa nhiệt đới Gondwana tại New South Wales và Queensland bị ngọn lửa tàn phá nặng nề. Tính tới giờ, vẫn chưa đánh giá được thiệt hại tại những cánh rừng thuộc danh sách Di sản Thế giới chứa vô vàn côn trùng đặc hữu và nổi tiếng với loài sên cạn. Quá trình tuyệt chủng còn có thể diễn ra trong thời gian dài, không nhất thiết là một trận hỏa hoạn có thể ngay lập tức thiêu rụi giống loài nào đó.
Lửa đã từng gây ra họa diệt chủng
Lịch sử Trái Đất đã chứng kiến nhiều lần ngọn lửa hung tàn quét ngang các lục địa, không "ai" còn sống ghi lại những sự kiện đó nhưng các lớp trầm tích đã nói cho ta tất cả. Chúng cung cấp bằng chứng cho thấy lửa đã khiến nhiều loài tuyệt chủng, và chính lửa đã "một tay" thay đổi sự sống trên Trái Đất.
Khoảng 66 triệu năm trước, sự kiện tuyệt chủng Phấn trắng - Paleogen đã chấm dứt ngôi vương của loài khủng long, chỉ có chim chóc thoát được. Sự kiện này xóa sổ 75% số loài có trên Trái Đất.
Loài raptor có thể chạy nhanh nhưng không đủ nhanh để thoát ngọn lửa nóng.
Các nhà khoa học đồng tình rằng một thiên thạch đường kính 10 kilomet đã rơi xuống Mexico và gây ra đại họa. Một sự kiện tương tự mùa đông hạt nhân tràn qua khắp nơi - tro bụi đã chặn ánh Mặt Trời trong suốt nhiều năm trời, khiến hệ sinh thái toàn cầu sụp đổ.
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cháy rừng trên diện rộng là một trong những yếu tố chính khiến sự sống trên mặt đất lụi tàn. Thiên thạch khổng lồ khiến tro bụi nóng bay khắp nơi, hóa thạch cho thấy đa phần rừng có trên mặt đất cháy ra tro, tuy nhiên khoa học vẫn tranh cãi về các tính toán chi tiết liên quan tới hiện tượng này.
Chỉ những loài thoát được đám cháy mới có thể sống sót
Hóa thạch của các loài sống trên cạnh - đặc biệt là bò sát, chim và thú có vú - cho thấy ngọn lửa thiêu rụi loài khủng long đã có sức tàn phá mạnh mẽ nhường nào. Bản chất của loài bị hại và loài chạy thoát có nhiều nét tương đồng với những sinh vật hoảng loạn giữa đám cháy trên nước Úc.
Các loài thoát được nạn tuyệt chủng xưa kia đều có khả năng chống chịu nhiệt và lửa, ví dụ như những loài lưỡng cư hay những sinh vật có khả năng vùi mình trong đất, bên cạnh đó là những loài có khả năng bay thoát ngọn lửa.
Trong số các loài bò sát, cá sấu và rùa nước ngọt có thể bơi thoát, các loài thằn lằn và rắn có khả năng vùi mình dưới đất cũng thoát chết, thế nhưng thằn lằn và rắn cạn chịu tác động nặng nề.
Những loài sống sót được ngọn lửa của triệu năm về trước.
Trong số các loài có vú, các loài vật đơn huyệt (thú có vú nhưng đẻ trứng thay vì sinh con, ví dụ như thú mỏ vịt; chúng chỉ còn tồn tại ở đất Úc) sống sót, những loài có vú nhỏ với kích thước tương đương các loài gặm nhấm cũng chui lủi trong hang sâu mà thoát nạn, nhưng tất cả những loài thú có vú lớn tuyệt diệt. Một số loài chim thoát nạn, nhưng họ hàng khủng long của chúng đều ra đi trong cái nóng kinh người.
Thực tế, nghiên cứu cho thấy tất cả những loài động vật sống trên cạn có kích cỡ lớn hơn con mèo nhà đều sẽ chết, trừ khi chúng có thể bơi, vùi mình xuống lòng đất hoặc bay. Mà kể cả ba khả năng trên cũng không cứu được nhiều loài thoát chết: chúng chỉ có cơ hội sinh tồn cao hơn chút đỉnh. Ví dụ như loài khủng long pterosaur cũng biết bay đó chứ, nhưng mà chúng cũng tuyệt diệt cùng phần lớn các loài chim thời bấy giờ.
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ những loài chim đậu cành vốn cần rừng để sống mới ra đi, khi mà phần lớn rừng Trái Đất đã biến thành tro tàn. Những kẻ có cánh sống sót được qua đại họa đa số là những loài chim kiếm ăn trên mặt đất. Mất tới hàng triệu năm, chim đậu cành mới tiến hóa lại để ngày nay ta được nghe chúng hót.
Cùng là chim nhưng lại có hai số phận.
Có thể thấy cú va đập của thiên thạch vào Trái Đất chỉ góp một phần "công sức" vào việc tái cơ cấu lại độ đa dạng sinh học trên mặt đất, những gì xảy ra sau đó như lửa cháy triền miên và mùa đông hạt nhân mới là tác nhân chính khiến sự kiện tuyệt chủng diễn ra.
Còn ngọn lửa đang cháy ở Bán Cầu Nam thì sao?
Hiển nhiên là độ phủ của ngọn lửa không bằng được cơn bão lửa của cả triệu năm về trước, thế nhưng hiệu ứng tuyệt chủng lâu dài vẫn hiện hữu. Bàn tay tàn phá của con người đã khiến Trái Đất mất đi một nửa lượng rừng phủ bề mặt, và những đám cháy lớn như thế này - cách đây ít lâu là Châu Phi và Nam Mỹ, giờ lại diễn ra ở Châu Úc - sẽ càng khiến mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu.
Ta có thể thấy những mối nguy đe dọa độ đa dạng sinh học tại Úc gồm ô nhiễm từ người, nhiều loài sinh vật xâm lấn và biến đổi khí hậu. Lịch sử cho thấy lửa lớn cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc sinh vật tuyệt chủng hàng loạt; ngọn lửa nóng có thể ảnh hưởng tới hàng loạt sinh vật, dù có chạy nhanh và bay cao nhường nào.
Lịch sử cũng cho ta biết loài nào sống sót được qua sự kiện hung tàn, để rồi hứng chịu hậu quả dài hơi mà ngọn lửa để lại.
Phải mất cả triệu năm, vượt qua cả mùa đông hạt nhân lẫn loạt cơn bão lửa, Trái Đất mới có lại được sinh quyển phong phú. Rồi trật tự thế giới mới được thiết lập, mọi thứ khác biệt khôn cùng: khủng long biến mất, dọn đường cho thú có vú và chim chóc lên ngôi.
Dựa theo bài viết được đăng trên The Conversation của giáo sư ngành Sinh học Tiến hóa Mike Lee.