Những người anh em họ bất hạnh của loài người đã biến mất trước bình minh của nền văn minh như thế nào?
Thời tiền sử có rất nhiều giống người khác nhau, nhưng cuối cùng họ cũng phải chịu số phận diệt vong để tổ tiên của chúng ta là loài duy nhất tiến hóa thành loài người hiện đại.
Đã 2 triệu năm kể từ khi xuất hiện loài người đầu tiên. Trong nền văn minh tiền sử 2 triệu năm tuổi này, đã có nhiều giống người, như Người Neanderthal và Homo erectus... Những loài người này cùng tồn tại với tổ tiên của con người hiện đại trên Trái Đất nhưng cuối cũng họ đều đã biến mất và chỉ còn lại tổ tiên của chúng ta - Người Homo sapiens còn sống sót. Vậy những người anh em họ hàng của chúng ta là những ai, họ như thế nào?
Xảo nhân (Homo habilis)
Homo habilis được dịch sang tiếng Việt là xảo nhân hay người tối cổ, là một loài thuộc chi Homo, đây là loài đầu tiên thuộc chi Con người, phân nhánh từ loài vượn phương nam vào cuối kỷ Pleistocene hoặc Pleistocene sớm, khoảng 2,5 triệu đến 2 triệu năm trước.
Xảo nhân có răng hàm nhỏ hơn và bộ não lớn hơn vượn phương nam và họ biết sử dụng đá (và có thể cả xương động vật) để chế tạo công cụ. So với người hiện đại, Homo habilis có tầm vóc thấp, tay quá dài, cơ thể nhỏ nhắn, cao khoảng 1m30, nặng 30 – 50 kg, lông thưa thớt, phân biệt nam nữ rõ ràng. Thức ăn là quả, hạt, động vật nhỏ...
Homo rudolfensis
Niên đại hóa thạch cho thấy họ sống từ 1,95 triệu đến 1,78 triệu năm trước. Sự xuất hiện của Homo rudolfensis cho thấy trong giai đoạn này, gia đình tổ tiên loài người phức tạp hơn so với ban đầu được biết đến.
Ngày 8/8/2012, một đội khảo cổ do Meave Leakey dẫn đầu đã thông báo việc phát hiện ra một khuôn mặt và hai xương hàm thuộc H. rudolfensis. Đó là bằng chứng cho thấy một giống người mới thuộc chi Homo đã sống cùng thời với người Homo erectus và Homo habilis. Homo rudolfensis có bộ não lớn hơn và khuôn mặt phẳng hơn Homo habilis.
Người đứng thẳng (Homo erectus)
Homo erectus, còn được dịch sang tiếng Việt là trực nhân, là một loài người tuyệt chủng từng sinh sống trong phần lớn khoảng thời gian thuộc thế Pleistocen, từ 1,8 triệu đến 1 triệu năm trước ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu.
Họ là một số nhóm người cổ đại có khả năng đã phát triển bộ não lớn hơn và tạo ra các công cụ bằng đá tiên tiến hơn, cùng với những khác biệt khác, đủ để các nhà nhân học phân loại là một loài mới - Homo erectus.
Homo erectus là tổ tiên đầu tiên của loài người có dáng đi thẳng đứng. Điều này có thể có thể thông qua sự tiến hóa của đầu gối và vị trí của các xương sườn...
Homo georgicus
Homo erectus georgicus là một chủng người với hóa thạch sọ và hàm được tìm thấy ở Dmanisi, Gruzia. Lần đầu tiên được đề xuất như một loài riêng biệt, Homo Georgicus được xếp thuộc chủng H.Erectus.Địa điểm hóa thạch đã được phát hiện vào năm 1991 bởi nhà khoa học người Gruzia, David Lordkipanidze.
Homo georgicus sống từ 1,8 đến 1,6 triệu năm trước và có thể là một phân loài của Homo erectus, hoặc một loài trung gian giữa xảo nhân và người đứng thẳng.
Homo ergaster
Homo ergaster là một loài tuyệt chủng của chi Homo từng sinh sống ở miền đông và miền nam châu Phi vào đầu thế Pleistocen, theo các nguồn khác nhau thì từ khoảng 1,8 tới 1,3 triệu năm trước.
Chúng cao khoảng 1,9 mét. Hiện nay vẫn còn tồn tại bất đồng về các chủ đề như phân loại, tổ tiên và hậu duệ của H. ergaster, nhưng nói chung người ta chấp nhận rằng loài này là tổ tiên trực tiếp của các dạng người xuất hiện muộn hơn, như Homo heidelbergensis, Homo sapiens, Homo neanderthalensis và có thể cả Homo erectus châu Á.
Homo ergaster sử dụng các công cụ đá đa dạng hơn và phức tạp hơn so với loài tiền nhân của nó là Homo habilis. H. ergaster đã chế tác phát triển các loại rìu đá hai mặt. Ngoài ra, xương động vật bị đốt cháy và dấu vết của trại cho thấy họ cũng sẽ sử dụng lửa.
Homo ergaster có lẽ là loài người đầu tiên sử dụng "những gì chúng ta có thể coi là tiếng nói của con người", mặc dù sự nhận thức biểu tượng của nó có lẽ là những gì rất hạn chế khi so sánh với ngôn ngữ của người hiện đại.
Homo heidelbergensis
Homo heidelbergensis là một loài đã tuyệt chủng trong chi Homo, loài này có thể là tổ tiên cùng nhánh của Homo neanderthalensis ở châu Âu và Homo sapiens. Bằng chứng rõ ràng nhất được phát hiện của loài này được định tuổi từ cách đây khoảng 400.000 đến 500.000 năm.
Ban đầu đây chỉ là cái tên đặt cho một mẫu hóa thạch xương hàm, nhưng ngày nay các nhà khoa học đã công nhận đây là một loài riêng biệt ở Châu Âu, loài này sở hữu những con dao tiên tiến hơn các loài người khác sinh sống cùng thời gian, công cụ này giúp cho chúng săn được những động vật lớn hơn như ngựa.
Homo antecessor
Homo antecessor là một chủng người được xác định từ các hóa thạch từ Tây Ban Nha và Vương quốc Anh có niên đại từ 800.000 đến 1,2 triệu năm trước, đã được phát hiện bởi Eudald Carbonell, Juan Luis Arsuaga và JM Bermudez de Castro. H. antecessor là một trong những chủng người được biết đến sớm nhất ở châu Âu.
Homo cepranensis
Homo cepranensis là tên được đề xuất cho một loài vượn người chỉ được biết đến qua một đỉnh sọ được phát hiện vào năm 1994 được khai quật ở Ý, ước tính đã sống cách đây khoảng 800.000 năm.
Homo gautengensis
Homo gautengensis là một chủng người cổ đại sống khoảng 600.000 đến 2 triệu năm. đây là loài ăn tạp với cơ thể chỉ cao một mét và nặng khoảng 50 kg. Chúng có thể giao tiếp với nhau bằng những âm tiết đơn giản.
Loài này được nhà nhân sinh học Darren Curnoe đề xuất năm 2010 gồm hóa thạch của Hominin Nam Phi.
Homo naledi
Homo naledi là một loài đã tuyệt chủng thuộc tông Người, được phát hiện trong động Dinaledi của hệ thống hang động Rising Star. Các nhà khoa học cho biết xương hóa thạch được tìm thấy trong một hang động tại Cái nôi của loài người, Cộng hòa Nam Phi năm 2013, và thuộc về loài mới chưa xác định của chi Người.
Hiện nay có hơn 1.550 hóa thạch xương đã được tìm thấy, bao gồm hộp sọ, hàm, răng thuộc về cả thành viên trưởng thành, trẻ nhỏ và người già của loài này.
Homo rhodesiensis
Loài này xuất hiện ở Châu Phi, được mô tả qua hóa thạch sọ ở Kabwe. Những so sánh khác về hình thái hài cốt đã được tìm thấy từ cùng thời điểm, hoặc sớm hơn, ở Nam Phi, Đông Phi và Bắc Phi. Những hóa thạch này có niên đại giữa 300.000 và 125.000 năm.
Hiện nay, hầu hết các chuyên gia tin rằng người Homo rhodesiensis là Hominin đã bị tuyệt chủng của chi Homo, và một số học giả cho rằng đây là loài trung gian giữa Homo sapiens cổ đại và Homo sapiens rhodesiensis.
Người Neanderthal
Homo neanderthalensis, còn được gọi là người Neanderthal, thường được sử dụng như một thuật ngữ chung cho dân số đại diện trong giai đoạn giữa của lịch sử tiến hóa của loài người.
Loài này được đặt tên cho hóa thạch được tìm thấy trong Thung lũng Neandertal ở Đức. Người Neanderthal là họ hàng gần của tổ tiên của người châu Âu hiện đại. Từ 120.000 năm trước, họ cai trị Châu Âu, Tây Á và Bắc Phi, nhưng những người cổ đại này đã biến mất 24.000 năm trước.
Homo floresiensis
Homo floresiensis có thể là một loài, nay đã tuyệt chủng, trong chi Homo. Di chỉ đã được phát hiện vào năm 2004 trên đảo Flores ở Indonesia tồn tại từ 100.000 đến 12.000 năm trước.
Do kích thước nhỏ nhắn, loài này còn có biệt danh khác là Habib, điều khiến cho giới khoa học cảm thấy tò mò về người Floris là hình dạng và tuổi tác của họ.
Đây là một loài người có niên đại xuất hiện rất gần với ngày nay nhưng họ lại mang nhiều đặc điểm khác biệt so với người đương đại, nói cách khác, người Flores có một tổ tiên chung với con người đương đại, nhưng được tách ra khỏi phả hệ của con người đương đại và đi theo một con đường tiến hóa độc đáo riêng biệt.
Người Denisova
Denisova hominin là tên được đặt cho phần di cốt của một cá thể thuộc chi Người có thể là một loài trước đây chưa biết dựa trên một phân tích ADN ti thể của nó.
Một nhà khảo cổ học nghiên cứu về dãy núi Altai ở Siberia năm 2008, đã tìm thấy một mảnh xương ngón tay nhỏ trong hang động Denisova. Các cổ vật được khai quật ở cùng cấp độ trong hang động này, bao gồm cả một chiếc vòng tay, đã có niên đại khoảng 40.000 năm trước.