L’Oreal “thí nghiệm” công nghệ mua sắm trực tuyến mới tại Trung Quốc

06/09/2019 08:45 AM | Kinh doanh

Công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới L’Oreal coi Trung Quốc là nơi "thí nghiệm" tuyệt vời cho những công nghệ mới, bởi theo bà Lubomira Rochet, Giám đốc kỹ thuật số của L’Oreal, Trung Quốc là quốc gia tiên phong về số hóa trên thế giới.

L’Oreal, công ty sở hữu các thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp từ bình dân như Garnier và Maybelline cho đến cao cấp như Lancome và Kiehl’s, có doanh thu 26,9 tỷ euro (29,4 tỷ USD) vào năm 2018. Thương mại điện tử chiếm 40% doanh số của L’Oreal tại Trung Quốc, tăng từ khoảng 2% vào năm 2012. Sự thay đổi là rất lớn.

L’Oreal đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ trải nghiệm cho khách hàng, thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm trực tuyến và trực tiếp.

Tại thị trường Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trò chuyện như WeChat, vì vậy L’Oreal đã tích hợp công nghệ cho phép khách hàng thử các loại/màu son trực tuyến trên điện thoại thông minh. Thương hiệu mỹ phẩm Giorgio Armani thuộc sở hữu của L’Oreal đã trở thành dòng sản phẩm cao cấp đầu tiên sử dụng công nghệ này trên WeChat vào tháng 7.

Đây là một cuộc cách mạng số hóa lớn, từ Trung Quốc sẽ lan rộng ra nhiều quốc gia.

Điều này giúp doanh thu của L’Oreal tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 7,4 tỷ euro trong năm 2018, tăng 24,1% so với năm trước, so với doanh số 7,2 tỷ euro tại Bắc Mỹ chỉ tăng 2,7% so với năm trước.

Công nghệ giúp L’Oreal tiếp cận khách hàng khắp mọi nơi tại Trung Quốc. Sự hiện diện của thương hiệu này trên các trang web thương mại điện tử như Lazada (thuộc sở hữu của Alibaba) và Shopee cho phép họ tìm kiếm khách hàng mới trên toàn khu vực, mở rộng thị trường hiệu quả.

Nhiều khách hàng của L’Oreal đã chuyển sang mua sắm trực tuyến nhưng vẫn kỳ vọng có được trải nghiệm tương tự như trong cuộc sống thực. Ví dụ, nếu khách hàng đến một cửa hàng trang điểm, họ có thể nhận được lời khuyên từ một cố vấn làm đẹp, một chuyên gia có thể giới thiệu các sản phẩm phù hợp. Mua sắm trực tuyến cần phải thực hiện được điều này để chiều lòng và thu hút khách hàng. Đây chính là loại dịch vụ mà L’Oreal đang phát triển bằng việc mua lại công ty thực tế ảo ModiFace vào năm 2018 với công nghệ cho phép người dùng thử trang điểm trực tuyến.

Công nghệ ModiFace đang được triển khai cho tất cả các thương hiệu của công ty, trên các ứng dụng, trang web và tại điểm bán hàng. ModiFace cũng là công nghệ đằng sau ứng dụng thử trang điểm Giorgio Armani với WeChat và ứng dụng BeautyCam vừa ra mắt trên Shopee vào tháng 7. Những dịch vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược marketing của L’Oreal.

Theo Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM