Lời khuyên đầu tiên của 'vua hàng hiệu' Hạnh Nguyễn cho sinh viên sắp ra trường: Coi lại nhà anh là ai cái đã!
Theo ông nếu gia đình có điều kiện, đã có công ty thì hãy nối dõi tông đường. Trường hợp thứ 2 nếu gia đình nghèo quá thì cần chịu khó học hỏi.
Vốn là cựu sinh viên của trường Đại học Đà Lạt, ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn suốt nhiều năm đóng vai trò là thành viên Hội động trường. Vị doanh nhân này không chỉ đóng góp nhiều cho quá trình xây dựng, chính sách chiến lược của Đại học Đà Lạt mà còn sẵn sàng chia sẻ nhiều điều từ kinh nghiệm thương trường với cùng các sinh viên.
"Ra trường giờ làm cái gì?" là câu hỏi ông Hạnh Nguyễn nhận được khi giao lưu cùng các sinh viên ra trường. Đây cũng là nỗi băn khoăn không riêng gì với sinh viên Đà Lạt. "Trước hết coi lại nhà anh là ai cái đã", câu trả lời bất ngờ của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.
Theo ông nếu gia đình có điều kiện, đã có công ty thì hãy nối dõi tông đường, "đừng có tự động đi ra xin tiền làm công ty khác. Mất thời gian". Từ kinh nghiệm kinh doanh hơn 30 năm của mình, ông Hạnh Nguyễn cho rằng gia đình là môi trường đủ để dạy cho họ (những sinh viên ra trường), huấn luyện từ A tới Z. "Cha con, mẹ con không bao giờ giấu giếm nhau điều gì hết", ông chủ tập đoàn kinh doanh hàng hiệu IPP nhấn mạnh.
Nếu nhìn vào thực tế hiện nay tại Việt Nam, không hiếm trường hợp các doanh nhân trẻ kế nghiệp gia đình ứng với lời khuyên của ông vua hàng hiệu. Họ không những dựa trên kinh nghiệm, nền tảng kinh doanh sẵn có mà còn áp dụng những điều học hỏi được từ trường lớp nước ngoài, từ đó cải tổ doanh nghiệp gia đình theo hướng mới.
Một số tên tuổi những người kế nghiệp thành công tới hiện tại có thể kể tên như CEO Tập đoàn Trung Thủy Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Hùng Huy, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Seabank Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công Đặng Huỳnh Ức My, CEO tập đoàn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến.
Trường hợp thứ 2 nếu gia đình nghèo quá thì theo ông Hạnh Nguyễn phải chấp nhận 2 phương án. Một là đi học. "Cố mà học đừng có ra trường rồi đi làm, ngồi ngoài đường ba thứ cà phê, mất cơ hội cho mình học hỏi", doanh nhân này khuyên nhủ các sinh viên sắp ra trường. Phương án thứ hai là khi ra trường, điểm cao thì kiếm một startup hoặc một công ty nào đó và sử dụng đầu óc của mình, làm những điều chưa ai làm, không đụng chạm đến ai.
Tất nhiên ông Hạnh Nguyễn cũng không phải là người "ghét" các dự án khởi nghiệp, startup nhưng theo ông đây là lĩnh vực dễ thất bại và dễ bị cuốn theo phong trào. "Trong mớ xổ số 1000 số cũng có 1 số trúng thì cũng có 1 anh thành công khởi nghiệp. Công nghệ là lĩnh vực dễ thành công bởi nó đa dạng lắm. Mấy ông tỷ phú Mỹ thành công phần lớn từ công nghệ. Nhưng cái đó cũng khó nuốt lắm", vua hàng hiệu nhận xét về khả năng thành công của startup.
Ông cũng dành lời khuyên cho những người trẻ mong muốn khởi nghiệp là không thể nóng vội cũng như không nên theo phong trào, làm cái gì mới mà chưa ai làm. Ví dụ ý tưởng ông từng ấp ủ triển khai là việc xử lý rác từ bìa carton. Theo ông, từng có nhiều tỷ phú thành công nhờ làm điều này. Bởi những nước phát triển như Mỹ, Úc mỗi năm thải hàng ngàn tấn và phải bỏ chi phí xử lý phế thải. Trong khi đây là nguồn rác sạch, có thể kinh doanh nguyên liệu thay thế gỗ tại Việt Nam với giá thành cao hơn.