Lợi hại như hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc: Cấm 23 triệu lượt người mua vé máy bay, tàu hỏa vì điểm tín nhiệm xã hội thấp
Thậm chí hành động không chịu nhường ghế trên phương tiện công cộng cũng bị trừng phạt!
Theo Associated Press, năm ngoái Trung Quốc đã cấm người dân mua vé máy bay hoặc vé tàu tổng cộng 23 triệu lần. Nguyên nhân là vì những người này có điểm tín dụng xã hội quá thấp.
Chương trình chấm điểm tín nhiệm xã hội được công bố lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 2014. Đây là hệ thống đánh giá khổng lồ theo dõi và xếp hạng công dân nước này dựa trên những tiêu chí nhất định. Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nó đã được thí điểm với hàng triệu người. Chính phủ của đất nước tỷ dân đã đưa ra cảnh báo: "Những người vi phạm pháp luật và có điểm tín nhiệm thấp sẽ phải trả giá đắt".
Thực tế đã chứng minh tuyên bố của họ hoàn toàn đúng. Tháng 5 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm du lịch với những người có điểm tín nhiệm xã hội thấp. Họ sử dụng một danh sách đen công khai những người bị kết tội tại tòa án và trừng phạt họ bằng cách hạn chế khả năng mua vé máy bay và vé tàu.
Theo một báo cáo, Trung Quốc đã mạnh tay chặn 17,5 triệu lần mua vé máy bay và 5,5 triệu lần mua vé tàu cao tốc của những người không đủ điểm. Trước đó, năm 2017, số người không được phép mua vé tại quốc gia này là 6,15 triệu người.
Điểm tín nhiệm xã hội còn là giải pháp giúp ngăn chặn các hành vi gây rối trên phương tiện giao thông công cộng ví dụ như trường hợp hành khách chiếm ghế ngồi của đối tượng được ưu tiên và từ chối đứng dậy trả chỗ. Video về những người kém ý thức này đã lan truyền mạnh trên mạng tại Trung Quốc và rất nhiều người kêu gọi biện pháp trừng phạt có tính răn đe mạnh hơn.
Chính phủ Trung Quốc có chính sách riêng để giám sát và trừng phạt những hành vi xấu. Xếp hạng tín nhiệm xã hội của một người có thể bị hạ thấp nếu họ trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quảng cáo sai sự thật gây hậu quả hay đơn giản chỉ là chiếm thêm ghế trên các phương tiện đi lại.
Tại Chu San, một hòn đảo gần Thượng Hải, những việc không nên làm gồm sử dụng điện thoại hoặt hút thuốc trong khi lái xe, phá hoại, gây ồn ào ở nơi công cộng. Ngoài ra, việc dành quá nhiều thời gian chơi game hoặc tung tin đồn không có căn cứ cũng là yếu tố gây giảm điểm tín nhiệm. Theo chỉ thị của chính phủ, những người "phá vỡ lòng tin" sẽ đối mặt với không ít hạn chế về việc làm và tài chính.
Ở thời điểm hiện tại, bất cứ khi nào người dân đi qua một trạm kiểm soát như đi đến một thành phố khác hay vào/rời Trung Quốc, họ sẽ được yêu cầu lấy dấu vân tay và giấy tờ tùy thân.
Không những vậy, một số chương trình thí điểm cũng áp dụng đối với người nước ngoài. Điểm tín nhiệm thấp dẫn đến việc không được cấp hoặc gia hạn visa và giấy phép cư trú. Còn những người có điểm uy tín cao sẽ được hưởng quyền lợi như vay ưu đãi hay visa nhập cảnh nhiều lần.
Khi các thông tin quan trọng trên được thu thập đầy đủ, các nhà chức trách có thể tìm kiếm và quản lý người dân dựa trên dấu vân tay và các đặc điểm sinh trắc học khác. Đến năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thiện kho dữ liệu khổng lồ lưu trữ thông tin của từng công dân nước này bao gồm tất cả những thông tin về hành vi của họ.