Loạt dự án 'chốt sổ' điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia 2020

05/01/2021 19:14 PM | Xã hội

Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam của Chính phủ hết hiệu lực vào ngày 31/12. Ngay thời điểm quyết định 13 hết hiệu lực, hàng loạt nhà đầu tư, doanh nghiệp đã "chạy nước rút" đấu nối vào lưới điện nhằm hướng mức giá ưu đãi (giá FIT) điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm…

Nhà máy điện mặt trời có thời gian thi công nhanh nhất Việt Nam

Ngay một ngày trước khi quyết định 13 hết hiệu lực, nhà máy năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long có công suất 49,3 MW tại tỉnh Vĩnh Long đã khánh thành, sau chỉ chưa đầy 2 tháng thi công.

Nhà máy năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long do Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (thành viên của Công ty Cổ phần BCG Energy, thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) khởi công ngày 6/11. Đây là nhà máy điện mặt trời dưới 50 MW có thời gian thi công nhanh nhất Việt Nam.

Dự án có tổng công suất 49,3 MW, được xây dựng trên diện tích 49,7 ha, có tổng mức đầu tư 1.156 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sản lượng điện mỗi năm của nhà máy dự kiến đạt khoảng 70 triệu kW, tương đương lượng điện sử dụng cho 26.000 hộ dân và 19.000 tấn CO2 được giảm thải.

Đóng điện thành công nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Bình Định

Ngày 31/12/2020, nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ đã đóng điện thành công, chính thức hòa lưới điện quốc gia sau 7 tháng khởi công. Đồng thời, đây cũng là dự án nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định tính đến nay.

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch, thành viên trực thuộc BCG Energy khởi công xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào ngày 29/5.

Với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 380 ha, đây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn tại Bình Đình. Nhà máy có tổng công suất thiết kế 330 MW, chia thành hai giai đoạn gồm ba nhà máy với công suất lần lượt 120 MW, 110 MW và 100 MW.

Trong 7 tháng thi công, từ 29/5/2020-31/12/2020, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW trên tổng công suất 330 MW. Với việc đóng điện thành công và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) vào 31/12, 216 MW đầu tiên nối lưới của nhà máy sẽ được hưởng mức giá mua điện là 7,09 cent một kWh.

Dự kiến trước ngày 28/2/2021, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ sẽ đóng điện 114MW còn lại. Tuy nhiên, mức giá mua điện cho phần còn lại này sẽ phụ thuộc vào cơ chế mới của Chính phủ.

Khi đi vào hoạt động toàn bộ, nhà máy ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.

Đồng loạt hòa lưới 3 nhà máy điện mặt trời

Vào ngày 22 và 31/12/2020, ba nhà máy: nhà máy Điện mặt trời Hồng Liêm 3, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 lần lượt hòa lưới điện quốc gia. Như vậy, tính đến nay, Tập đoàn T&T Group đã chính thức đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời, tương đương tổng công suất 245MWp.

Trong đó, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 do Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận - thành viên Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư, và IPC làm tổng thầu thi công.

Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 100 MWp. Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đạt công suất 50 MWp.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 do Tập đoàn Hawee làm tổng thầu thi công với công suất 50 MWp, xây dựng tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Bên cạnh các dự án "chốt sổ" trên, trong năm 2020, có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện, với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296 MWp. Đặc biệt, số lượng dự án và công suất đấu nối đã tăng 'khủng' ngay phút 89 trước khi quyết định 13 hết hiệu lực.

Kết thúc năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà Việt Nam đã gần bằng 5 lần công suất lắp đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Đến nay, khi quyết định 13 hết hiệu lực, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà chưa được xác định. EVN cũng đã dừng tiếp nhận các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020.

Như vậy, các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 hiện sẽ không được ghi nhận điện năng phát lên lưới, cũng như không mua điện cho đến khi có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM