Lộ diện thêm nhiều doanh nghiệp gỗ tố cáo vợ chồng ca sĩ Thu Minh quỵt nợ

09/08/2016 16:24 PM | Kinh doanh

Sau "phát pháo" công ty Gia Hân tố cáo ông Otto - chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo 20 tỷ đồng, từ đây bắt đầu xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh gỗ lên tiếng tố cáo vì bị lừa trong các hợp đồng làm ăn. Theo các doanh nghiệp này, giờ đây họ muốn đoàn kết lại để sự việc này không lập lại với bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào!

Sẽ tiếp tụng tung clip và băng ghi âm

Tối 28/7, một tài khoản Facebook có tên N.T.A.H (viết tắt - Nguyễn Tuấn Anh Hào) đăng trên trang cá nhân của mình với nội dung: "Ca sĩ Thu Minh và chồng ngoại quốc lợi dụng sự nổi tiếng để lừa đảo và cướp tiền doanh nghiệp VN. Và các chủ nợ đã lần lượt đến tận nhà để đòi nợ".

Trả lời về tính xác thực của thông tin trên, ông Nguyễn Hữu Ngọc - đại diện công ty TNHH Gia Hân (đơn vị đang gửi đơn tố cáo vợ chồng Thu Minh lừa đảo) - khẳng định rằng hành động này bắt nguồn từ việc một thành viên trong gia đình quá bức xúc với việc không đòi được khoản nợ mà vợ chồng Thu Minh đang muốn "né".

Theo đó, qua hơn một năm rưỡi, sau rất nhiều lần đề nghị được gặp ông Otto De Jager, Tổng giám đốc Công ty Global Home S.R.O (quốc tịch Cộng hòa Czech, được cho là chồng của ca sĩ Thu Minh) làm đại diện, để tìm cách giải quyết khoản nợ gần 20 tỷ nhưng bất thành, con trai của ông Ngọc đã căng băng rôn ngay trước ngôi biệt thự của vợ chồng Thu Minh đang thuê để gây áp lực.

Ông Ngọc cũng cho biết thêm, sau sự việc này phía vợ chồng Thu Minh cũng đã gây rất nhiều áp lực, tố cáo ngược lại công ty Gia Hân bằng những lời lẽ đầy xúc phạm. "Chúng tôi còn lưu giữ nhiều clip và băng ghi âm những lần hai bên trao đổi làm ăn, trong đó có sự tham gia của ca sĩ Thu Minh cùng chồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tung những bằng chứng này lên mạng để mọi người được biết hành vi lừa đảo của họ. Vợ chồng Thu Minh lợi dụng uy tín của mình và nắm bắt tâm ý không am hiểu về luật pháp nên đã "gài" nhiều doanh nghiệp vào tròng hầu quỵt nợ", ông Ngọc nói.

Còn những ai đang tố cáo vợ chồng Thu Minh lừa đảo?

Không chỉ công ty TNHH Gia Hân đang lên tiếng mạnh mẽ tố cáo hành vi "lừa đảo" trên, mà theo tìm hiểu của chúng tôi sắp tới có ít nhất 4 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan nhà nước để kêu cứu, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Một đại diện của công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (TP.Biên Hoà, Đồng Nai), cho biết: "Chúng tôi không thể chịu đựng thêm nữa về hành vi cố tình quỵt nợ như thế của chồng cô ca sĩ Thu Minh. Chúng tôi sẽ đoàn kết các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn để lên tiếng, gửi đơn đến các cơ quan chức năng với mong muốn sẽ không bị lừa vì quá nhẹ dạ cả tin".

Theo như lời bà T.P.Oanh, đại diện công ty Việt Mỹ, thông qua lời giới thiệu của một đối tác, từ năm công ty bà đã thiết lập quan hệ làm ăn với ông Otto là đại diện Công ty Global Home S.R.O. Vào thời điểm này, công ty Global Home chưa có văn phòng đại diện tại TP.HCM, hai bên chỉ giao dịch với nhau thông qua thư điện tử, ngay cả thoả thuận hợp tác cũng không được ký kết mà cũng chỉ là các thư điện tử cam kết giao hàng và thanh toán.

"Qua một số đợt giao hàng, có chứng từ của hải quan phía công ty Global Home thanh toán đầy đủ. Nhưng từ tháng 5/2012, với lý do chúng tôi giao hàng chậm trễ, công ty này đến nay vẫn còn "giam" khoản tiền hơn 66.000 USD mà không thanh toán, mặc dù các sản phẩm đặt hàng đều đã nhận ở trụ sở chính của công ty (Cộng Hoà Czech)", bà Oanh nói.

Khi được hỏi vậy sao hai bên không ký hợp đồng kinh tế, theo bà Oanh một phần bởi lý do cạnh tranh giữa các công ty gỗ với nhau và dựa trên niềm tin nên mới hợp tác làm ăn. Ngoài ra, qua một số đợt nhận hàng, phía công ty của ông Otto đều thanh toán đầy đủ nên không nghi ngờ gì. "Họ đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của chúng tôi, và sự không am hiểu pháp luật kinh doanh nên cố tình không thanh toán khoản tiền này. Sắp tới chúng tôi sẽ gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an", bà Oanh nói thêm.

Cũng tại TP. Biên Hoà, công ty Sản xuất Gỗ Phương Nam cũng đang rơi vào trường hợp tương tự, với số nợ không đòi được khá lớn khi đã xuất khẩu sản phẩm từ gỗ sang cho công ty của ông Otto.

Một trường hợp khác, từ cuối năm 2015 đến nay, Chi nhánh công ty CP VINAFOR Đà Nẵng - Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng (gọi tắt là Xí nghiệp gỗ) đang kiên trì gửi nhiều đơn tố cáo đến cơ quan công an nhằm nêu rõ hành vi lợi dụng tín nhiệm, thiếu trách nhiệm với đối tác, có hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo đó, vào ngày 26/12/2013, công ty Vinafor đã ký hợp đồng sản xuất và cung cấp số 64 với công ty Global Home K.S có trụ sở đặt tại Cộng Hoà Czech (bên mua hàng) do ông Otto De Jager - cùng quốc tịch làm đại diện pháp lý.

Theo hợp đồng này thì Xí nghiệp Gỗ sản xuất và bán cho đối tác các loại giường, tủ, bàn ghế theo chủng loại, kiểu dáng, màu sắc do Global Home thiết kế và chỉ định. Hàng hoá được giao theo giá FOB tại Đà Nẵng và đều được đóng dấu kiểm định chất lượng của Global Home. Từ 2013-2014 Xí nghiệp Gỗ đã sản xuất và giao hàng đầy đủ theo đúng hợp đồng và phía đối tác cũng đã thanh toán sòng phẳng cho từng lô hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất hàng, Global Home không đưa ra lịch xuất và số lượng đúng như từng đơn hàng đã ký kết. Điều này đã dẫn đến lượng hàng tồn tại Xí nghiệp Gỗ rất lớn, tổng giá trị từ 5/2013 đến nay trị giá là 203.237USD. Bên cạnh đó là lô gỗ T62n Bì 200m3 được nhập về theo yêu cầu của Global Home trị giá 61.049USD.

Bắt đầu tư đây hai bên đã xảy ra tranh chấp! Theo đó, vào tháng 5/2015, sau nhiều lần yêu cầu tư nhà máy về việc xuất hàng tồn, công ty của Otto yêu cầu chuyển hàng vào kho ngoại quan tại TP.HCM. Tuy nhiên, điều này không đúng với hợp đồng (giao hàng tại Đà Nẵng) nên Xí nghiệp Gỗ đề nghị đối tác phải chịu chi phí vận chuyển vào TP.HCM nhưng bị từ chối.

Từ đó trở đi, Xí nghiệp Gỗ liên tục gửi đề nghị ông Otto thanh toán cũng như xuất hàng tồn kho, nhưng Global Home từ chối với lý do ông Otto không có ở Việt Nam. Đến tháng 7/2015, sau nhiều lần hẹn thanh toàn tiền còn nợ, ông Otto đã gửi một email cho Xí nghiệp Gỗ và đưa ra nhiều lý do để đổ lỗi cho nhà máy chế biến và yêu cầu giảm giá 30% số hàng còn lại và chuyển hàng vào kho của Global Home tại TP.HCM. Đến tháng 8/2015, ông Otto tiếp tục yêu cầu giảm giá số hàng trên đến 50% mới chấp nhận nhận hàng.

Tuy nhiên, Xí nghiệp Gỗ chỉ đồng thuận giảm giá 15% để hai bên còn hợp tác, nhưng ông Otto từ chối và đã đơn phương rút lại tiền đặt cọc thực hiện hợp đồng là 20.000 USD. Theo phía công ty Vinafor, điều này trái với quy định của hợp đồng và cho thấy dấu hiệu thiếu trách nhiệm với đối tác của ông Otto.

(Còn tiếp)

Theo Gia Khang

Cùng chuyên mục
XEM