Lỗ 1,4 tỷ đồng sau 6 tháng mở quán cafe: Chàng trai cay đắng tự dẹp tiệm, thừa nhận có ngày chỉ bán được 1 cốc
Viễn cảnh mở quán cafe "hái ra tiền" không tốt đẹp như anh chàng tưởng tượng.
Chán công việc văn phòng nên quyết định mở quán cafe nhưng lỗ 1,4 tỷ
Hiện nay nhiều người trẻ chán công việc hành chính, nên đều hy vọng sau vài năm đi làm, tiết kiệm được số vốn lớn thì mở kinh doanh riêng. Ước mơ nào cũng đẹp đẽ nhưng hiện thực có thể tàn khốc vô cùng. Trường hợp của chàng trai Uông Minh Dương dưới đây là ví dụ.
Chọn mở quán cafe tại Thượng Hải - thành phố được ví như "chợ cafe" hay nơi mọi thanh niên đều cần uống cafe để tồn tại mỗi ngày, thế nhưng Uông Minh Dương đã phải tự đóng cửa tiệm chỉ sau 6 tháng khai trương, với tiền lỗ 400.000 NDT (~1,4 tỷ đồng).
Uông Minh Dương chia sẻ, khoảnh khắc đóng cửa tiệm, anh còn cảm thấy nhẹ nhõm. Trong một năm qua, anh quay cuồng với những kế hoạch bán cafe, chẳng hạn hôm nay bán được bao nhiêu cốc, liệu có nhận được phản hồi tiêu cực từ khách hàng không, hay có nên dùng thêm mạng xã hội nào để quảng bá,... Tuy nhiên, mọi tính toán đều trở nên vô nghĩa vì kinh doanh thua lỗ.
Trước khi tự mở quán cafe, những năm đầu 20 tuổi, Uông Minh Dương từng kinh doanh cửa hàng thời trang và giày dép, từ đó kiếm được lợi nhuận nhỏ. Sau đó, anh không còn kinh doanh riêng mà trở thành nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, Uông Minh Dương không thể thích nghi với cuộc sống công sở nên xin nghỉ việc chỉ sau vài tháng.
Nghỉ việc khi trong tay có số vốn không nhỏ, Uông Minh Dương quyết định mở quán cafe với lý do đơn giản: Anh không muốn đi làm công sở "9h sáng làm việc, 5h chiều đi về", đồng thời anh khao khát có một sự nghiệp riêng và chúng nên bắt đầu từ tình yêu với cafe.
Không tiếc tiền chuẩn bị trước ngày khai trương
Bước đầu cho dự định khởi nghiệp, anh đến thành phố Hạ Môn để tham quan và nghiên cứu các mô hình kinh doanh cafe. Tại đây, anh được truyền cảm hứng bởi hương vị cafe và cách decor tại một quán cafe mở gần địa điểm du lịch.
Tiếp theo, anh chọn mở quán cafe tại thành phố Thượng Hải - một thành phố hạng nhất và được xem là "tụ điểm" của người yêu cafe tại Trung Quốc.
Với sự quan sát của mình, Uông Minh Dương cho rằng nên chọn mở quán gần toà nhà văn phòng và trường Đại học thì sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng chuộng cafe hơn. Sau khi khảo sát mặt bằng, anh chọn mở quán cafe gần một khu trung tâm thương mại lớn ở phía nam thành phố.
Sau khi ký kết hợp đồng thuê mặt bằng, Uông Minh Dương đã dành 2 tháng để trang trí quán cafe theo phong cách tối giản đang thịnh hành trên Instagram, với 2 màu chủ đạo là trắng và nâu gỗ. Với niềm đam mê lớn với quán của mình, Uông Minh Dương tham gia tất cả các khâu chuẩn bị trước ngày khai trương, từ việc mua mới thiết bị cho đến decor quán.
Để thu hút khách hàng, Uông Minh Dương còn tận dụng nhiều nền tảng nổi tiếng của Trung Quốc như mạng xã hội Xiaohongshu, ứng dụng giao đồ ăn Dianping... Với Xiaohongshu, anh mời các review đến đánh giá đồ uống còn trên sàn TMĐT Dianping, Uông Minh Dương cũng tung ra các gói giảm giá sản phẩm. Song song với đó, anh còn cho phân phát tờ rơi giới thiệu quán và ngày khai trương trên địa điểm thành phố.
Cứ như thế, sau vài tháng chuẩn bị, quán cafe của Uông Minh Dương đã chính thức khai trương với bao niềm mong đợi của ông chủ.
Dẹp tiệm chỉ sau 6 tháng hoạt động
Thật không may, thực tế kinh doanh quán cafe không tốt đẹp như Uông Minh Dương tưởng tượng. Anh chàng nhớ lại, thời gian trước đó anh làm việc không ngừng nghỉ. Dù có thuê nhân viên làm cùng, nhưng tại quán cafe của mình, Uông Minh Dương vẫn phải vừa làm chủ vừa pha chê quán để tiết kiệm chi phí, đến cả ngày cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi.
Thế nhưng, Uông Minh Dương đã phải chính thức đóng cửa quán cafe chỉ sau nửa năm đi vào hoạt động, chấp nhận thua lỗ mà không thu được một đồng lợi nhuận.
"Ngày đắt khách nhất, tôi chỉ bán được hơn 800 NDT (~2,8 triệu đồng), nhưng ngày ế ẩm, tôi chỉ bán được 1 cốc", Uông Minh Dương than thở.
Vậy điều gì đã dẫn đến sự thất bại của quán cafe?
- Muốn mở quán, tình yêu dành cho cafe thôi là chưa đủ
Uông Minh Dương mở quán cafe có một nguyên nhân lớn đến từ việc anh yêu thích hương vị của loại đồ uống này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa anh là người pha chế giỏi. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm bài bản về pha chế cafe nên anh đã thuê 2 nhân viên pha chế để nâng cao chất lượng của quán.
Thế nhưng, do thiếu vốn nên thời gian về sau, chỉ còn một mình Uông Minh Dương đảm nhiệm pha cafe. Đây cũng là khởi đầu cho việc anh chàng dần đánh mất khách hàng.
"Khách hàng sau một lần thử hương vị cafe khác lạ của quán đã lập tức rời bỏ chúng tôi. Dù sau này, tôi có thuê lại nhân viên pha chế thì họ cũng không quay lại mua cafe", Uông Minh Dương chia sẻ.
- Sự nổi tiếng trên mạng xã hội không đánh đổi được doanh thu
Nhìn thấy sự phát triển của internet nên Uông Minh Dương đã chi rất nhiều tiền để quảng bá ở đa dạng nền tảng, từ các trang mạng xã hội thịnh hành cho đến nền tảng giao đồ ăn nước uống. Tuy nhiên, dù cho anh có chi tiền quảng cáo nhiều thì lượng khách hàng thực sự vẫn quá ít ỏi.
"Tôi nhận ra, làm truyền thông trên mạng xã hội chỉ là bước đầu để tiếp cận khách hàng. Có những người tò mò với quán cafe của bạn nhưng sẽ rất khó để họ chuyển thành khách hàng sau khi xem qua một vài đoạn quảng cáo. Hoặc nếu cafe của quán có hương vị không đủ tốt, họ sẽ không muốn 'truyền miệng' tốt về quán dù bạn có tặng họ bao nhiêu mã giảm giá", Uông Minh Dương kết luận.
- Chi phí vận hành cao là "liều thuốc độc" với nhà khởi nghiệp non trẻ
Uông Minh Dương nhận định, đây là một trong số những nhân tố quan trọng nhất khiến quán của anh rút lui khỏi thị trường. Hàng tháng, anh chi tới hơn 20.000 NDT (~71 triệu đồng) chỉ riêng cho chi phí vận hành cố định của quán gồm thuê mặt bằng, điện nước, tiền lương của 2 nhân viên, mua nguyên liệu,...
Ngay cả khi đã loại trừ chi phí vận hành phát sinh, tiền quảng cáo, chuẩn bị khai trương ban đầu thì anh chàng cần kiếm được lợi nhuận của quán cafe là 800 NDT/ngày (~2.8 triệu đồng) mới mong quán duy trì hoạt động. Con số này là không thể với tình hình kinh doanh ế ẩm của quán.
"Sau này tôi mới biết, giá thuê mặt bằng của quán tôi cao hơn so với các cửa hàng lân cận. Nếu có được mức giá thuê thấp hơn, có lẽ quán sẽ tồn tại lâu hơn một chút", Uông Minh Dương nói.
Ngoài ra, do chi phí vận hành cao và niềm kỳ vọng về chất lượng sản phẩm tốt nên mỗi cốc cafe tại quán bán nhỉnh hơn so với mức giá thị trường. Thậm chí, chúng còn bán đắt hơn so với các cửa hàng cafe từ thương hiệu lớn nổi tiếng gần đó như Starbucks, Luckin. Khách hàng thường ưu tiên mua đồ uống giá rẻ, cũng vì thế tình hình thua lỗ từ quán Uông Minh Dương là thực tế dễ hiểu.
Không biết từ bao giờ, mở quán cafe đã trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ nơi thành thị. Tương tự Uông Minh Dương, đã có nhiều người chán nản công việc văn phòng nhàm chán, muốn dùng hết số tiền tiết kiệm của mình để nhanh chóng khởi nghiệp.
Thế nhưng, họ đã phải trả giá đắt khi gia nhập thị trường mà không có đủ kinh nghiệm và sự kiên nhẫn. Cuối cùng, tiền vừa mất trắng mà họ còn đau đầu tìm kiếm hướng đi khác trong hành trình làm giàu.
Nguồn: Toutiao