Vì sao tiếng Trung không thể trở thành ngôn ngữ quốc tế?
Một khi các phát minh công nghệ, ý tưởng đột phá còn được ra đời nhờ tiếng Anh thì không thứ ngôn ngữ nào có thể giành lấy vị thế của nó.
Một người Nga, một người Hàn Quốc và một người Mexico bước vào quán bar, họ sẽ giao tiếp với nhau như thế nào?
Dĩ nhiên là bằng tiếng Anh cho dù đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Chúng ta có thể thấy trong hội nghị APEC tuần vừa rồi tại Trung Quốc, những người đứng đầu của ba quốc gia này vẫn phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Đây là ngôn ngữ chính thức duy nhất của APEC cho dù hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc hay bất cứ nơi đâu đi chăng nữa.
Trong thời gian qua ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg đã đầu tư vào việc học tiếng Trung Quốc và làm một chuyến thăm tới Bắc Kinh. Người ta đặt ra câu hỏi: Liệu sự vươn dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc có khiến tiếng Trung trở thành ngôn ngữ quốc tế thay cho tiếng Anh trong tương lai?
Câu trả lời là không thể.
Khả năng nói tiếng Trung trôi chảy sẽ luôn giúp người nước ngoài làm ăn thuận lợi tại Trung Quốc, cũng giống như nếu giỏi tiếng Bồ Đào Nha thì kinh doanh trên đất Brazil sẽ chẳng mấy khó khăn. Nhưng tiếng Trung không thể thay thế tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ giao tiếp, thương mại toàn cầu.
Vì sao tiếng Anh ngày càng phổ biến?
Nhờ tầm ảnh hưởng của đế quốc Anh với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18, tiếng Anh đã được đưa đi khắp nơi. Ngày nay, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của âm nhạc, điện ảnh, thể thao thế giới, nhất là công nghệ - thứ kết nối chúng ta hàng ngày. Các nền ngôn ngữ khác sẽ chẳng bận tâm gì khi tiếp nhận những từ tiếng Anh quen thuộc như "Internet", "text" hay "hashtag".
Tiếng Anh là một ngôn ngữ trung tính vì không chia theo giống như nhiều thứ tiếng Roman khác, cũng không chia theo tầng lớp, ngôi thứ, trong khi nhiều ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Nhật, phân biệt khá rõ cách nói chuyện với người lớn tuổi và người ngang vai bằng vế. Có thể nói, tiếng Anh tương đối bình đẳng, hiện đại và đơn giản. Tiếng Anh cũng rất trung tính về mặt chính trị. Ngay cả những người truyền giáo Jihad đạo Hồi cũng công nhận rằng tiếng Anh là công cụ tiện lợi để truyền giáo.
Đến người châu Á cũng thích tiếng Anh hơn tiếng Trung?
Ý kiến cho rằng tiếng Trung sẽ trở thành ngôn ngữ quốc tế bị phản đối mạnh mẽ vì các lý do kinh tế, văn hóa, chính trị và ngôn ngữ. Với người nước ngoài, đặc biệt là phương Tây thì tiếng Trung quả là rất khó học. Ngoài ra, tiếng Trung phổ thông (tiếng Quan Thoại) cũng không hoàn toàn phủ trọn khắp lãnh thổ Trung Quốc.
Dự án Global Attitudes của trung tâm nghiên cứu PEW cho thấy người dân các nước như Philipinnes, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản thích hợp tác, ưa du nhập văn hóa Anh, Mỹ... hơn là Trung Quốc. Ngoài ra, tiếng Anh cũng được chọn làm ngôn ngữ chính thức của ASEAN.
Do đó, khỏi lo tiếng Trung Quốc sẽ trở thành ngôn ngữ quốc tế. Một khi các phát minh, ý tưởng đột phá còn được viết bằng tiếng Anh, một khi các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật tân tiến còn được ra đời bằng tiếng Anh thì vị thế của nó sẽ không thể thay đổi. Đây là tin mừng cho những người nói tiếng Anh bản địa nhưng cũng là bất lợi cho chính họ. Bởi sự phổ biến của tiếng Anh sẽ khiến một bộ phận dân số ngày càng đông đảo trên thế giới nói được hai thứ tiếng và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.
>> Dân Trung Quốc nổi đóa với Mỹ vì hiểu sai... Tiếng Anh
Thùy An