Tại sao người Việt chúng ta dễ tức giận đến vậy?

24/12/2015 08:54 AM | Sống

“Người mang tâm niệm hận thù muốn hạ bệ người khác như kẻ đốt đuốc đi ngược chiều gió”, quả thực chúng ta đang nhận lại hậu quả đáng buồn đó.

Có thể nói Phạm Hương là đại diện toát ra khí chất tự tin và nổi bật nhất trong số các hoa hậu Việt Nam hiện nay. Thế nhưng thay vì được yêu mến, cô ấy lại đang bị “ghét lây” và hứng chịu búa rìu dư lập từ trong nước đến quốc tế.

Nguyên nhân chỉ vì những người Việt thích ... chửi!

Vụ bê bối trao nhầm vương miện cho HH Colombia có lẽ khiến Ariadna Gutierrez là người tổn thương nhiều nhất. Thế nhưng, đứng sau cô còn hơn 50 triệu người Colombia cũng tan nát trái tim không kém.

Nếu phải tức giận, họ nên là người dấy lên làn sóng phẫn nộ, phản đối gay gắt nhất. Nhưng không, dân tộc họ, tổng thống của họ dễ dàng thông cảm với sự cố trên, vì “ai cũng có lúc mắc sai lầm và Ariadna luôn là HHHV của chúng tôi!”.

Thế nhưng, có một bộ phận dân cư ở quốc gia khác lại lên tiếng bất bình thay vô cùng mạnh mẽ cho Colombia. Đó là Việt Nam. Rất nhiều bạn trẻ Việt nhảy vào các fanpage, website chính thức của sự kiện để “ xả như thác lũ” vào Pia Wurtzbach- cô gái cũng đến từ khu vực Đông Nam Á.

Một loạt những từ ngữ lộng ngôn, sự xúc phạm đỉnh điểm trào ra trên khóe miệng xuất hiện dày đặc bằng đủ các thứ tiếng: tây có, ta có, thậm chí tiếng Philippines cũng có…cho tiện bề "ném đá".

Không cần quảng đại, năm châu bốn biển đều là người nhà nhưng vì lý do gì chúng ta lại sẵn sàng khẩu chiến kịch liệt với hàng xóm có số dân hơn 100 triệu?. Phạm Hương, đại diện xuất sắc mà chúng ta kỳ vọng, thậm chí còn không vào đến top 15. Vậy tại sao một "kẻ ngoài cuộc" trong cuộc đua đến ngôi hậu như chúng ta lại giống như “lính đánh thuê” cho một quốc gia khác (trong khi Colombia cũng không nhờ)?

“Người mang tâm niệm hận thù muốn hạ bệ người khác như kẻ đốt đuốc đi ngược chiều gió”, quả thực chúng ta đang nhận lại hậu quả đáng buồn đó.

Thế giới ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam hiện diện chửi khắp nơi và chẳng quên để lại lời nhắn “ Việt Nam điểm danh” hay câu kết “ Một thanh niên Việt Nam cho biết”… khiến đập vào phần nhìn của mỗi người là chúng ta đang đông lên, đang phủ sóng toàn thế giới với vốn từ tiếng Anh nghèo nàn, sai ngữ pháp, lời lẽ khiếm nhã và đầy khiêu khích.

Đây không phải là lần đầu tiên người Việt tỏ ra tức giận và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Không rõ từ bao giờ, chúng ta luôn có văn hóa "dìm hàng" người thắng cuộc.

Khi bóng đá Việt Nam thua người Thái, người Việt đổ ngay cho trọng tài, huấn luyện viên, ban tổ chức. Khi game của người Việt đứng top thế giới, được người nước ngoài khâm phục, mến mộ thì chúng ta nhanh chóng nghi ngờ gian lận, dìm hàng, thậm chí kêu gọi ... thu thuế. Khi một người vì tình yêu mà chạy theo xe bus của đội bóng mình thích, được họ mời lên xe và mời sang cả nước Anh để tham gia sự kiện, chúng ta vào bảo đó là "điên khùng", "là ăn may", là "làm trò để nổi tiếng",...

Tại sao những người cứ mãi ngồi yên không chịu làm gì ngoài việc gõ phím sau màn hình máy tính, lại phán xét người khác tiêu cực như vậy? Đó có thể là biểu hiện của một sự tự ti vì thua kém người khác.

Một trái tim toàn sự tức giận không thể đội vương miện hoàn vũ

Có một điều mà chúng ta thường nghe rất nhiều. Đó là mạng Internet khiến khoảng cách giữa các quốc gia trở nên ngắn lại hơn bao giờ hết. Nhưng song song với tốc độ tăng trưởng lượng người dùng Internet vào hàng cao nhất thế giới, chúng ta dường như vẫn chưa biết cách ứng xử trong "thế giới phẳng" này

Một đám đông người Việt đang ngỡ mình đang đại diện cho công lý hay sao mà phải đi đầu trong việc "tìm lại công bằng" cho cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ này? Hãy nghe những gì người Philippine đáp trả "đại diện công lý" đến từ Việt Nam:


Họ gửi lời chúc mừng vì vẻ đẹp lộng lẫy của Phạm Hương, nói rằng cô ấy "thật đáng kinh ngạc". Dùng một lời khen để đáp trả những bình luận đầy tính công kích, nó có khiến những cái đầu đang tức giận kia cảm thấy hổ thẹn?

Thay vì hạ bệ người chiến thắng, hãy nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện mình

Quay trở lại cuộc thi hoa hậu. Phạm Hương rất xinh đẹp. Dù chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho Phạm Hương khi chẳng có chuyên gia trang điểm, trợ lý giúp đỡ Phạm Hương như những hoa hậu khác nhưng bất chấp khó khăn, cô ấy đã chiến đấu mãnh liệt và tỏa sáng nhất từ trước tới giờ.

Vậy mà mọi nỗ lực của cô đang mất đi rất nhiều giá trị trong mắt bạn bè quốc tế, chỉ vì những bình luận không cần thiết trên mạng Internet.

Xét cho cùng, mọi cuộc thi đều mang đến những niềm vui, ấy vậy mà khi kết thúc: Bên thua buồn, bên thắng cũng chẳng vui còn chúng ta lại giống những người đi “chửi thuê” miễn phí!

Chúng ta đang làm gì vậy?

Ông cha ta có câu “ Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Khi bạn ném những lời cay độc tới Philippines, dù bạn "ẩn danh" trên mạng Internet, cả thế giới cũng sẽ nhắm vào bạn, thậm chí, coi bạn như đại diện tiêu biểu cho "người Việt Nam".

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM