Rùng mình với lớp học 'trải nghiệm cái chết' ở Hàn Quốc
"Trải nghiệm cái chết" là lớp học kì lạ nhưng có tác dụng tích cực bất ngờ đối với nhiều công dân Hàn Quốc, nơi trung bình có 40 vụ tự tử diễn ra mỗi ngày.
Thống kê đáng buồn rằng được cho là hệ quả của sự cạnh tranh khắc nghiệt trong xã hội Hàn Quốc, nơi những người trẻ tuổi phải chịu áp lực liên tục nếu muốn đạt được thành công, còn những người ở độ tuổi trung niên và người già thường than phiền về gánh nặng tài chính ngày càng tăng.
Nổi lên như một phương thức kỳ lạ nhằm đối phó với tình trạng này, trường học "trải nghiệm cái chết" đã ra đời, với mục đích dạy cho những học viên chán nản biết trân trọng cuộc sống, thông qua việc cho họ thấy những gì diễn ra nếu cuộc sống của họ kết thúc.
Dịch vụ đặc biệt của Trung tâm Chữa bệnh Hyowon ở thủ đô Seoul đang thu hút ngày càng đông khách hàng. Trong số những học viên, có cả sinh viên và thanh thiếu niên, những người không thể đối phó với áp lực thi cử ở trường, các bậc cha mẹ cảm thấy mình vô dụng sau khi con cái họ bỏ nhà ra đi và những người già sợ trở thành gánh nặng tài chính cho con cái họ.
Ngồi giữa những hàng quan tài, các học viên sẽ lắng nghe Jeong Yong-mun, người đứng đầu trung tâm, và cũng là cựu nhân viên công ty tang lễ, giải thích rằng những vấn đề họ đang gặp phải chỉ là một phần của cuộc sống và họ cần chấp nhận điều này và cố tìm ra niềm vui trong những khó khăn.
Sau đó, đám tang giả bắt đầu với việc các sinh viên mặc trang phục truyền thống và ôm bức ảnh truyền thần của mình khi nằm trong quan tài. Trước đó, họ đã viết di chúc hoặc soạn thư từ biệt gia đình mình và đọc những lời đó trước cả nhóm. Mục đích của điều này là giúp các học viên suy nghĩ về những đau đớn của người thân họ và cân nhắc quyết định tự tử của mình.
Nến được thắp sáng, và một người ăn mặc như "tử thần" sẽ bước vào phòng. Các học viên nằm xuống trong chiếc quan tài của họ trước khi nó được "tử thần" niêm phong, lúc này họ phải đối mặt với bầu không khi hư vô của thế giới vĩnh hằng.
Lúc này, người đứng đầu trung tâm Jeong Yong-mun nói chuyện lại với họ một lần nữa: "Bạn đã hiểu được cảm giác của cái chết, nhưng giờ bạn đang sống, vì vậy, các bạn phải chiến đấu"!. Ảnh: Daily Mail
Hàn Quốc đã đạt được bước nhảy vọt, từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Nhưng sự bùng nổ tài chính nhanh chóng cũng có cái giá của nó. Sự thay đổi nhanh chóng về ý thức hệ, từ tập thể đến chủ nghĩa cá nhân, và những thay đổi trong cấu trúc các gia đình truyền thống đã khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập và cô độc.
Có dưới 1/3 người dân Hàn Quốc vẫn tin rằng họ nên hỗ trợ tài chính cho những người thân cao tuổi, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết.
Trong khi đó, người già ngày càng lo lắng về việc trở thành một gánh nặng, số người cao tuổi tự tử ở nước này hiện cao gấp 4 lần so với mức trung bình tại các quốc gia phát triển khác.
Chỉ có một quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tự tử cao hơn Hàn Quốc là Guyana. Cứ mỗi 100.000 người tại quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ này lại có trung bình 44,2 vụ tự tử. Tại Hàn Quốc, con số tương ứng là 28,9 vụ, theo Tổ chức Y tế Thế giới.