Nữ chính trị gia: Ít số lượng, nhiều lợi thế

22/08/2014 15:28 PM | Sống

Vấn đề nữ quyền trong chính trị lại được đưa ra trong bối cảnh thế giới của các nam chính trị gia ngày càng rối ren.

Một nhóm trên Twitter có tên "Hiệp hội Những phụ nữ sẽ không sex với bất cứ người đàn ông nào bầu cho Yoichi Masuzoe" đã thu hút được gần 3.000 người theo dõi kể từ khi ra mắt. "Chúng tôi đứng lên để ngăn chặn ông Masuzoe, người đã có những nhận xét xúc phạm về phụ nữ... Chúng tôi sẽ không ngủ với bất kỳ người đàn ông nào bỏ phiếu cho ông ấy!".

Ứng viên Yoichi Masuzoe không được lòng công chúng vì kỳ thị phụ nữ

Masuzoe, 65 tuổi, một nhà khoa học chính trị, nhận được sự ủng hộ từ đảng bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Masuzoe bị "vạ miệng" vì từng phát biểu trên một tạp chí cho rằng chu kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ không phù hợp giữ vị trí cao trong chính phủ và không thể để phụ nữ đưa ra những quyết định quan trọng đối với đất nước.

Thực tế, có rất ít phụ nữ giữ các vị trí chính trị hàng đầu, trong tổng số 19 thành viên nội các của ông Abe chỉ có 2 người là nữ giới.

Cũng như nhiều nước Á Đông, phụ nữ Nhật không có cơ hội thăng tiến vì phải từ bỏ công việc của mình khi có con và áp lực xã hội về vai trò là một bà nội trợ của phụ nữ vẫn còn rất mạnh mẽ.

Tình hình trên không chỉ diễn ra tại một nước còn nặng "giáo điều" như Nhật. Hầu như ở khắp mọi nơi, phụ nữ luôn chiếm thiểu số trong các hoạt động chính trị. Và dù là thiểu số thì nhiều người cho rằng những vị trí này cũng chỉ có tính chất "trang trí” cho những chính phủ muốn danh "bình quyền".

Cuộc đấu tranh nữ quyền trong chính trị đang được đẩy mạnh. Luciana Berger, một thành viên của Quốc hội Anh, phe đối lập Đảng Lao động, đã bác bỏ những cải tổ chính phủ khi có quá ít phụ nữ.

Julie Bishop, Ngoại trưởng Úc, người phụ nữ duy nhất trong nội các của nước này cho rằng "Hỗ trợ cho việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên quan trọng nhất" trong nhiệm kỳ của bà.

Hai nhà nghiên cứu Maria Escobar-Lemmon và Michelle Taylor-Robinson thuộc Đại học Texas so sánh kinh nghiệm và thành tựu của 447 bộ trưởng trong chính quyền gần đây ở 5 quốc gia ở châu Mỹ: Argentina, Chile, Colombia, Costa Rica và Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy, mặc dù nữ bộ trưởng đưa ra ít dự luật hơn so với đồng nghiệp nam giới nhưng so sánh tổng thể, thành công của những nữ chính khách lại cao hơn.

Chính trường thế giới còn ghi nhận những thực tế sống động hơn những nghiên cứu trên. Nữ Thủ tướng Đức Merkel mới đây được bình chọn là "Thủ tướng được yêu thích nhất thế giới" với phiếu bầu 76%. 

Người dân Đức coi nữ thủ tướng của mình như một thần tượng bởi thành công cũng như sự giản dị và khiêm nhường của bà.

Nữ Thủ tướng Đức Merkel được bình chọn là "Thủ tướng được yêu thích nhất thế giới"
Bà Park Geun-hye làm nên lịch sử Hàn Quốc khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này. Ngoài bà Park, trên thế giới có nhiều phụ nữ khác đã và đang đảm nhiệm chức vụ hàng đầu tại đất nước của họ. Trong số 9 nguyên thủ hoặc thủ tướng đang tại vị, người trẻ nhất 39 tuổi, người già nhất 79 tuổi...

Khoa chính trị học tại Trường Đại học Rice (Mỹ) thu thập số liệu từ rất nhiều nước trên khắp thế giới nhằm đánh giá phạm vi và mức độ những phụ nữ tham gia hoạt động chính trị có dính dáng đến tham nhũng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, kết quả cho thấy, phụ nữ có xu hướng tuân thủ các quy tắc chính trị hơn các đồng nghiệp nam.

Tại những nước tham nhũng phổ biến, tuyển nhiều chính trị gia nữ vẫn sẽ không giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, với những nước ít tham nhũng, thì việc nhiều phụ nữ tham gia chính trường có thể giúp giảm đáng kể trên bình diện chung.

Tại những nước phát triển với mức độ tham nhũng thấp thì tỷ lệ phụ nữ tham nhũng và đồng lõa tham nhũng rõ ràng là ít hơn nam giới. Mặt khác, hầu hết những phụ nữ có quyền lực lại ít bị ảnh hưởng và chi phối bởi yếu tố giới tính. Do đó, họ có những cách hành xử và quyết định "mềm mỏng" và "hài hòa" hơn đàn ông trong những vấn đề chính trị.

Vấn đề này từng được bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp, được bình chọn là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, nói rằng: "Giới tính có tác động rất lớn tới những quyết định của người làm chính trị. Những kích thích tố nam và bản ngã của một người đàn ông có quyền lực khiến họ dễ dàng đưa ra những quyết định cá nhân, chủ quan và gây xúc phạm tới người khác". Cũng may, phát biểu của nữ bộ trưởng này không gặp phải làn sóng tẩy chay như trường hợp của chính trị gia Yoichi Masuzoe.

Trong bối cảnh thế giới đầy căng thẳng và bạo lực, có lẽ sự khan hiếm của phụ nữ trong giới chính trị cấp cao là một vấn đề đáng được quan tâm hơn bao giờ hết.

>> Chân dung người đàn bà "50 tỷ đô" của Trung Quốc

Theo Thụy Kha

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM