"Gã khổng lồ" 127 năm tuổi của Mỹ đổ sụp trước sức nặng Trung Quốc
Sự teo tóp của nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới Alcoa được coi là dấu hiệu báo hiệu thời kỳ suy tàn của ngành công nghiệp vốn mang tính biểu tượng của nước Mỹ.
Suốt 127 năm qua, tập đoàn có trụ sở ở New York đã miệt mài sản xuất ra những tấm nhôm – loại kim loại nhẹ có tính ứng dụng cao, được sử dụng để sản xuất từ những lon bia cho tới các bộ phận của máy bay. Alcoa từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ.
Giờ đây, khi giá nhôm chạm đáy thấp nhất 6 năm, Alcoa đang phải cắt giảm gần 1/3 sản lượng nội địa, theo ước tính của Harbor Intelligence. Tồi tệ hơn, nếu giá không phục hồi, theo dự báo tất cả các nhà máy luyện nhôm của Mỹ sẽ phải đóng cửa trong năm 2016.
Tuy nhiên, trong khi ngành nhôm của Mỹ ngắc ngoải và kéo theo đó là rất nhiều người sẽ thất nghiệp, điều này không có quá nhiều ý nghĩa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Quyết định cắt giảm sản lượng 503.000 tấn chiếm khoảng 31% tổng lượng nhôm của Mỹ, nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng trên toàn cầu.
Trong hơn 1 thập kỷ gần đây, hoạt động sản xuất nhôm đã chuyển dịch sang những nơi có chi phí rẻ hơn: Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc. Chính tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu là nguyên nhân khiến giá giảm 27% trong năm qua, khiến các nhà sản xuất nhôm của Mỹ thua lỗ và rơi vào bế tắc.
“Bạn nhìn thấy khá nhiều nhà máy đóng cửa ở Mỹ. Tiếc rằng đây không chỉ là một điều thiếu may mắn mà còn là một diễn biến rất khó để thay đổi”, Michael Widmer – trưởng phòng nghiên cứu thị trường kim loại tại Bank of America – nói. “Điều đó có nghĩa là bạn sẽ phải mua nhôm từ những nơi khác bên ngoài nước Mỹ”.
Đây chính xác là những gì mà Jay Armstrong – Chủ tịch của Trialco Inc. – đang làm. Với hoạt động chính là chuyển nhôm thành các sản phẩm công nghiệp hoàn thiện, hiện nay công ty của ông đang nhập khẩu tới 80% nguyên liệu, tăng gấp đôi so với cách đây 5 năm.
Tổng cộng kể từ đầu năm đến nay giá nhôm đã giảm 19%, xuống còn 1.501 USD/tấn trên sàn giao dịch London. Tuần trước, kim loại này còn chạm mốc 1.460 USD – thấp nhất kể từ 2009. Trong khi đó hầu hết các công ty luyện nhôm của Mỹ sẽ không thể có lợi nhuận nếu giá ở dưới mức 1.500 USD/tấn. Các nhà máy ở nước ngoài thường có rất nhiều lợi thế gồm chi phí nhân công cũng như năng lượng thấp và đồng nội tệ yếu hơn USD. Do đó họ sẽ dễ dàng cạnh tranh với các công ty Mỹ ngay trên đất Mỹ.
Dây không phải là lần đầu tiên ngành nhôm của Mỹ để mất thị trường vào tay nước ngoài, nhưng Trung Quốc đúng là một kẻ thay đổi cuộc chơi. Sản lượng nhôm từ Trung Quốc bùng nổ khiến tình trạng dư cung càng thêm trầm trọng và đẩy giá xuống mức thấp đến nỗi Bank of America ước tính rằng hơn 50% các nhà sản xuất nhôm trên toàn cầu sẽ thua lỗ.
Năm nay, Trung Quốc được ước tính sẽ chiếm 55% tổng sản lượng nhôm của toàn thế giới, tăng gần gấp đôi so với mức 24% của năm 2015. Mỹ đang đi theo chiều ngược lại: giảm từ mức 2,5 triệu tấn của năm 2005 xuống còn 1,6 triệu tấn trong năm 2015.