Em đã tìm thấy ước mơ của em chưa?

28/04/2015 09:22 AM | Sống

“Trong khi bao bạn cùng lứa có những ước mơ, hoài bão, thì em không thấy mình có mong muốn hay khao khát nào cả. Gia đình không cần em phải kiếm tiền hay chăm lo cho ba mẹ. Làm sao để em có một ước mơ hả chị?”

Câu hỏi đó của một em sinh viên đã làm tôi trăn trở suốt mấy ngày qua.

Tôi chắc chắn ai cũng có ước mơ nhưng, có thể vì nó nhỏ bé nên chúng ta cho rằng nó không tồn tại. Ước mơ, nếu ở những “cự ly gần” nó chỉ là mục tiêu ngắn hạn, nhưng nếu ước mơ đó trở thành mục tiêu dài hạn thì tôi cá rằng nó sẽ khác.

Em đừng cho rằng, em phải làm gì thật vĩ đại hay có được một thứ phi thường thì mới gọi là ước mơ. Ước mơ đôi khi chỉ đơn giản như được làm công việc em yêu thích, sống bên cạnh gia đình và làm cho người xung quanh em hạnh phúc. Hoặc như đối với tôi lúc này, ước mơ là “đốt đèn cầy” cho những sinh viên như em.

Tôi nhìn thấy chính mình qua câu hỏi của em, cũng có thời tôi từng suy nghĩ “mình sinh ra để làm gì?”.

Để trả lời câu hỏi này không dễ một chút nào. Bởi gia đình đã cho tôi một cuộc sống đầy đủ đến mức nó vô tình lấy mất đi những trải nghiệm, những va vấp trong cuộc sống thường ngày. Tôi chưa từng trải qua những vất vả khi đi làm, cái cảm giác đứng liên tục trong 8 tiếng đồng hồ ở những gian hàng hội chợ. Tôi chưa từng cảm nhận cái nóng hừng hực táp vào mặt, khi đứng phát tờ rơi ở những ngã tư đường. Và tôi cũng chưa từng phải cạnh tranh với ai trong công việc, đơn giản vì tôi là... "con ông cháu cha".

Đây là cuộc sống mà rất nhiều bạn bè của tôi hằng ao ước. Tôi như một nàng công chúa muốn gì có nấy, đâu cần quan tâm đến suy nghĩ của người khác và cũng chẳng cần phải quan sát nét mặt của một ai.

Sự ích kỷ ấy trở thành vấn đề khi tôi đi làm. Dù không ai "động" đến tôi, nhưng tôi cảm nhận được sự dò chừng và ánh mắt e dè của họ khi giao tiếp. Trong khi mọi người tíu tít hẹn nhau đi ăn chơi sau giờ làm thì tôi đi về nhà. Tôi thấy mình cô độc trong vỏ bọc hoàn hảo.

Đến một ngày, môi trường làm việc đó khiến tôi không thở được nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, chúng ta không tồn tại một mình mà tồn tại trong cả một cộng đồng. Tôi cần phải làm gì để thay đổi đây? Có cách nào để tìm ra thứ tôi thực sự muốn (chứ không phải là cái gia đình muốn)?

Và thế là hành trình đi tìm hiểu về bản thân, về mục tiêu của tôi bắt đầu.

Tôi bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi cho chính mình, “Những năm qua, tôi đã làm được điều gì khiến tôi vui nhất và tự hào nhất?”.

“Tại sao tôi vui và tự hào về điều đó?”. Vì tôi đã làm theo đúng kỳ vọng của người thân hay tôi đã bước qua được khó khăn mà tôi tưởng chừng mình không làm được.

Cứ thế tôi đặt ra những câu hỏi tại sao, và cuối cùng thì “Đỉnh cao tiếp theo mà tôi muốn chinh phục là gì”?

Khi liên tục đưa ra câu hỏi "Tại sao..?", tôi nhận ra những khả năng thực sự của mình, đam mê của mình là gì và đâu là điểm cần khắc phục. Thế đấy, ước mơ lúc đó của tôi là tìm ra Chính mình.

Trong quá trình tìm hiểu về bản thân, tôi cũng tự đặt cho mình những mục tiêu nho nhỏ để thực hiện và hoàn thiện mình hơn nữa. Tôi viết ra những điều tôi học được hay làm được mỗi ngày. Tôi cũng ghi lại những thứ mà tôi chưa làm được và cách khắc phục. Tôi nói chuyện với ba mẹ mình về điều khiến tôi trăn trở. Tôi tham gia vào những câu lạc bộ và hòa mình với bạn bè khác.

Từ những lần làm việc chung đó, tôi biết mình cần phải điều chỉnh bản thân. Tôi tập quan sát và thử nghiệm những thứ mới. Trải qua vô số va vấp và phê bình từ người khác, một "Tôi mới" dần xuất hiện với cá tính rõ ràng hơn và cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn.

Quay trở lại với câu hỏi của em sinh viên trong chương trình Mentorship Better Chance mà tôi đang xây dựng. Việc đầu tiên và quan trọng là em phải tự tìm hiểu về bản thân, thay vì đặt câu hỏi rằng em phải làm gì và chờ đợi vào sự hỗ trợ bên ngoài.

Năng động lên em, cả thế giới tươi hồng đang chờ chúng ta ngoài kia kìa!

>> Chàng trai sao Hỏa: 'Hãy cứ mơ và làm tới đi, kể cả đó là ước mơ điên rồ nhất'

Hà Phạm

Tr.A - CTV Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM