Bi hài chuyện di cư vào Châu Âu
Trong khi châu Âu vẫn chưa thể giải quyết được bất đồng, dòng người di cư vẫn ồ ạt đổ sang châu Âu với những câu chuyện khó tin được ghi nhận.
Không giống như khi cuộc khủng hoảng mới bắt đầu, những người di cư giờ đây không còn mù quáng tin vào những kẻ đầu nậu vận chuyển người vượt biên.
Nhiều người tị nạn, đặc biệt là giới trẻ, đang sử dụng các công nghệ như mạng xã hội Facebook, bản đồ Google để xác định lộ trình đến miền đất hứa châu Âu.
"Nhiều người nhập cư cảm thấy có thể tự mình thực hiện hành trình với một chiếc điện thoại thông minh mà không cần trả tiền cho những kẻ vận chuyển
Báo Mỹ New York Times
Những người tị nạn Facebook
CNN theo chân Joseph, một công dân Syria, cùng gia đình tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ hai tuần trước. Không có hộ chiếu hợp lệ, họ phải đóng tiền nóng 1.350 USD/người cho những kẻ vận chuyển để rồi bị nhồi nhét lên một chiếc tàu dài chừng 7m nhưng chứa đến hơn 60 hành khách.
Đối với nhiều người như Joseph, hành trình di cư của họ bắt đầu từ các thông tin trên mạng xã hội Facebook, nơi được nhiều kẻ vận chuyển tận dụng để quảng cáo các dịch vụ di cư “hạng sang” với giá cắt cổ.
Tuy nhiên trên mạng xã hội này cũng xuất hiện nhiều diễn đàn để người di cư thảo luận về những dịch vụ nào an toàn và rẻ hơn, rồi sau đó liên lạc với tài khoản của những kẻ vận chuyển.
Không chỉ Facebook, những người di cư cũng tận dụng các ứng dụng liên lạc miễn phí như WhatsApp, Viber hay Skype để liên lạc với nhau và dùng bản đồ của Google để xác định đường đi.
“Chúng tôi dùng mạng xã hội để liên lạc với những người mình biết. Nếu họ đã đến được Tây Âu, họ sẽ gửi thông tin giúp chúng tôi xác định hành trình” - một người tên Ahmad kể lại khi đang chờ đợi ở nhà ga Budapest (Hungary).
“Không có Google Maps, có lẽ chúng tôi đã lạc” - một người nhập cư Syria khác nói. Giá dịch vụ vận chuyển đã giảm hơn một nửa so với khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Mức độ thành thạo công nghệ của những người nhập cư cũng khiến các nhân viên hỗ trợ nhân đạo ngạc nhiên. “Họ có rất nhiều ứng dụng công nghệ. Khi họ đến nơi, họ biết chính xác mình phải đi đâu, phải nói chuyện với ai. Họ biết phải mua những gì” - CNN dẫn lời Alessandra Morelli, nhân viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Cơ quan này đã phát hơn 33.000 SIM điện thoại và hơn 85.000 bộ sạc bằng năng lượng mặt trời cho người tị nạn. Srba Jovanovic, một nhân viên hỗ trợ nhân đạo, cho biết tất cả người tị nạn nam giới mà anh gặp đều có điện thoại thông minh.
Kenan al Beni, 19 tuổi, cũng là một điển hình của “người tị nạn Facebook”. Al Beni và sáu người bạn cùng lứa hướng về bờ đảo Lesbos của Hi Lạp hồi giữa tuần và khi tàu của họ gặp vấn đề, tất cả dễ dàng được giải quyết bằng cách gọi cho lực lượng tuần duyên Hi Lạp.
“Mọi thứ chúng tôi cần đều được chia sẻ trên mạng” - cậu tự tin nói. Trên các trang mạng, những kinh nghiệm được người tị nạn truyền nhau giúp họ biết nơi nào thường bị lực lượng cảnh sát biên phòng chặn, phải hối lộ ở những chỗ nào và nên phá tàu khi cập bờ để khỏi bị đẩy trở lại ra biển...
Nhưng công nghệ cũng khó giúp họ tránh hết những hiểm nguy trên hành trình di cư. Tháng trước, các nhân viên cứu hộ phát hiện một chiếc tàu ngoài khơi bờ biển Libya với 51 hành khách thiệt mạng vì ngạt thở. Những người sống sót cho biết những kẻ vận chuyển bắt họ đóng tiền để được ra ngoài khoang tàu hít thở.
Lại chuyện tiền
Hôm qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi châu Âu chi 3,4 tỉ USD cho các nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng và Jordan với hi vọng giảm số người tị nạn đổ về châu Âu.
Hơn 150.000 người đã vượt biên giới Hungary trong năm nay và chính quyền nước này mới đây tuyên bố sẽ bắt giữ những người vượt biên bất hợp pháp.
Tuyên bố của Hungary đưa ra sau khi xuất hiện đoạn video của một phụ nữ Áo ghi lại hình ảnh những người tị nạn bị đối xử như “động vật” trong các trại tị nạn ở Hungary, một điểm chủ chốt trong hành trình di cư của những người tị nạn.
Trong đoạn băng, hàng trăm người xô đẩy nhau trong khi cảnh sát đeo khẩu trang ném bánh mì vào đám đông.
Tuy nhiên vấn đề tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng cũng đang khiến các lãnh đạo châu Âu đau đầu. Tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính châu Âu hôm 11-9, nhiều thành viên của khối đã yêu cầu nới lỏng ngân sách cho chi phí hỗ trợ người tị nạn.
“Chi phí của Ireland - tôi không thích đề cập chuyện phí tổn vì chúng ta đang nói về mạng người - để thu xếp chỗ ở cho 40.000 người là khoảng 54 triệu USD” - AFP dẫn lời ông Simon Harris, lãnh đạo của Bộ Tài chính Ireland, nói.
Làm ngoại giao kiêm bán xuồng di cư
BBC ngày 12-9 đưa tin Bộ Ngoại giao Pháp đã đình chỉ một lãnh sự danh dự tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phát hiện bà này bán xuồng và phao cứu sinh cho những người di cư dù biết rằng việc này có thể đẩy họ vào vòng tay tử thần.
Bà lãnh sự Francoise Olcay phân trần rằng nếu bà không bán thì cũng còn nhiều người khác làm điều này và tố chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên quan!