7 “tội đồ” có thể đang cản bước bạn thành công

31/01/2016 08:41 AM | Sống

Điều gì đang khiến bạn không thể trở thành người như tỉ phú Bill Gates hayMC lừng lẫy thế giới Oprah Winfrey? Liệu có phải vì họ có tài năng thiên bẩmvượt trội hay đơn giản là may mắn hơn đại đa số chúng ta? Câu trả lời có thể là không.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố có thể đang ngáng trở bạn đạt được thành công. Và một vài trong số đó nhiều khả năng là chính thái độ, quan điểm cũng như hành vi của bạn, nhưng thống kê dưới đây:

1. Sợ bản thân sẽ thất bại

Nỗi sợ hãi được coi là thủ phạm hàng đầu ngăn cản mọi người dám mạo hiểm và thử nghiệm làm việc gì đó có khả năng dẫn họ tới thành công. Chẳng hạn như, chẳng có mấy người sẵn lòng từ bỏ công việc làm toàn thời gian hiện thời của mình để theo đuổi cái họ thích (và biết đâu sẽ thành công) như viết lách.

Nhiều người thú nhận, họ rất sợ thất bại trong các dự án mới của mình.

Lời khuyên trong những trường hợp này là, nếu bạn đã nỗ lực hết sức với một dự án mới và chẳng may thất bại, khi đó có lẽ bạn đã không đạt được mục tiêu của mình, nhưng bạn đã thành công theo hàng chục cách khác: bạn học được các kĩ năng mới, thiết lập các mối quan hệ mới, sống với các trải nghiệm mới, khám phá ra những cái mới về bản thân và những thứ bạn có thể làm được và đặc biệt tâm trí bạn sẽ không còn bị ám ảnh bởi câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra nếu ...?”.

2. Sợ mọi người nghĩ mình ngu ngốc

Nhiều người cũng được phát hiện đang sống trong nỗi sợ hãi rằng, những người khác sẽ nghĩ họ ngu ngốc hoặc rồ dại khi thử làm điều gì đó mới mẻ. Và họ đã đúng.

Song, chuyên gia tâm lý Rebecca Massey giải thích: “Một số người sẽ luôn nghĩ là bạn ngu dốt hoặc phát rồ, ngay cả khi bạn đang rất thành công. Và điều này gây tổn thương.

Tuy nhiên, bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều người đánh giá bạn thông minh, đáng ngưỡng mộ và rằng những gì bạn muốn làm là hoàn toàn tuyệt vời hay bạn nên làm điều đó ngay lập tức.

Hãy tìm kiếm họ và giữ họ ở gần bên mình. Họ sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh vượt qua sự dè bỉu”.

3. Để người khác quyết định hộ mình

Không ít người luôn sẵn sàng tuân theo mọi ý kiến hoặc sự chỉ đạo, sắp đặt của những người khác, dù đó là bố mẹ, những người thành công khác hay “sếp” ở cơ quan. Thái độ buông xuôi hay quá ngoan ngoãn hoặc phụ thuộc này chắc chắn không mang lại sự thành công.

Vậy làm cách nào để chúng ta có nhiều sự tự quyết hơn? Tiến sĩ tâm lý học Marcia Reynolds đề xuất, bạn hãy viết ra những gì mình nghĩ người khác sẽ nói về bạn nếu bạn chọn thay đổi, để bạn có thể tách bạch những cảm xúc của họ với của chính bản thân mình.

Sau đó, bạn có thể xúc tiến từng bước nhỏ theo hướng bạn muốn.

4. Không dành thời gian tìm ra thứ gì quan trọng với bạn

Nếu bạn không biết thứ gì là động lực thúc đẩy cá nhân mình, bạn sẽ luôn theo đuổi quan điểm của ai đó khác về sự thành công và bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn.

Vì vậy, một giải pháp là bạn nên dành thời gian viết ra mọi thứ mình mong muốn và khoanh tròn vào vài thứ mình cảm thấy là quan trọng nhất. Đó sẽ là động lực và mục tiêu trọng tâm để bạn cố gắng đạt được và cảm nhận được sự thành công.

5. Không cố gắng đủ mức

“Dù bạn tài năng và thông minh tới mức nào, bạn cũng sẽ không thể tiến xa nếu thiếu sự nỗ lực cố gắng. Nếu nhìn vào tất cả các tấm gương người thành công nổi tiếng trên thế giới, chẳng hạn như Bill Gates, Elon Musk, hay Steve Jobs, bạn sẽ thấy họ đã dành không biết bao nhiêu thời gian cho lĩnh vực chuyên môn của mình”, chuyên gia Jay Seo nhấn mạnh.

Rốt cuộc, thứ quyết định liệu bạn có cố gắng chừng ấy thời gian hay không là thái độ của bạn. Xét về sự thành công trong nghề nghiệp, thái độ có – thể - làm – được cũng quan trọng và đôi khi còn quan trọng hơn kiến thức hoặc các kỹ năng, vì chúng cho phép bạn học hỏi.

6. Dễ từ bỏ

Thomas Edison là một ví dụ tiêu biểu về người thành công không bao giờ từ bỏ cho tới khi đạt được mục tiêu của mình. Edison được cho là đã thất bại hàng ngàn lần trước khi cuối cùng tạo ra được một bóng đèn có thể hoạt động được.

Trong thực tế, Edison từng có câu nói nổi tiếng: “Tôi không thất bại 10.000 lần. Tôi không thất bại dù 1 lần. Tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng, 10.000 cách như thế sẽ không hiệu quả”. Nói một cách khác, Edison đã sử dụng mỗi lần tưởng như thất bại đó như một kinh nghiệm học hỏi, góp phần dẫn tới quá trình đổi mới.

7. Quá thỏa mãn

Hài lòng với những gì mình đang có cũng tốt, nhưng xét theo khía cạnh nào đó, nó sẽ làm tổn hại đến tham vọng của bạn. Shruti Gandhi viết: “Khi mọi người bắt đầu hài lòng trong sự nghiệp hoặc cuộc sống của họ nói chung, động lực làm việc nhằm đạt được nhiều thành tích hơn cuối cùng sẽ giảm xuống”.

Theo chuyên gia Steve Tobak, xét về công việc, những người thành đạt không bao giờ hài lòng với thành tích của bản thân. Họ luôn khao khát và kỳ vọng nhiều hơn từ bản thân. Như vậy, đối với mọi người nói chung, càng đòi hỏi nhiều ở bản thân (tất nhiên một cách hợp lý), họ càng thu được nhiều thành tựu.

Theo Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM