Lên Shark Tank gọi 500.000 USD cuối cùng được cam kết rót 1 triệu USD, startup mật ong tham vọng thành "công ty khổng lồ ngành thực phẩm chức năng"
Mặc dù bị Shark Bình cảnh báo rằng đang "đếm ong trong lỗ", startup Tracy Bee vẫn tự tin vào lợi thế sở hữu công nghệ chiết xuất keo ong độc quyền từ một công ty Brazil, đồng thời cam đoan "nói được làm được, thậm chí làm gấp hai, gấp ba những gì đã nói".
Là startup đầu tiên xuất hiện trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, Tracy Bee chuyên về các dòng sản phẩm từ con ong. Nhà sáng lập Lê Ngọc Thu Trang cho biết bà xuất thân từ một gia đình nuôi ong từ năm 1975. Gia đình bà đã từ bỏ cơ hội định cư ở Úc và trở về Việt Nam hồi năm 2010.
Tới năm 2012, họ quyết định không chỉ dừng lại ở việc nuôi ong, thu hoạch mật ong và xuất khẩu nguyên liệu thô sang các nước phát triển, mà muốn đem đến người dân Việt Nam một thương hiệu mật ong sạch hoàn toàn tự nhiên. Theo lời bà Trang, sản phẩm của Tracy Bee đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế.
Bước ngoặt quan trọng của Tracy Bee là khi quyết định tập trung đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm keo ong xanh Brazil để đưa về Việt Nam. Bà Trang cho biết keo ong là giải pháp giúp chữa những bệnh thông thường như ho, cảm, sốt, viêm nhiễm, trong bối cảnh tỷ lệ kháng kháng sinh tại Việt Nam hiện đứng thứ 4 châu Á – Thái Bình Dương. Ở trẻ em Việt Nam, tỷ lệ này đã là 30%.
Đây là những cơ sở để Tracy Bee kêu gọi 500.000 USD cho 4% cổ phần.
Về tình hình kinh doanh năm 2022, doanh số bán keo ong của Tracy Bee đạt gần 69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng, phân phối sản phẩm qua các nhà thuốc. Mục tiêu của startup này là phát triển sang nhiều tỉnh thành khác và “Bắc tiến” để tăng doanh số lên gấp nhiều lần.
“Một năm doanh số đã đạt 18 tỷ đồng thì gọi 500.000 USD giải quyết được vấn đề gì đâu?”, Shark Lê Hùng Anh đặt câu hỏi.
Đáp lại, bà Trang cho biết muốn các Shark đồng hành trên chặng đường mới hoàn toàn khác những gì Tracy Bee đã trải qua. Kế hoạch của họ là làm sao sản xuất được keo ong xanh – loại keo ong tốt nhất thế giới tại Việt Nam.
“Tracy Bee may mắn được làm việc với Apis Flora – công ty nắm trong tay công nghệ độc quyền EPP-AF, giúp chiết xuất ra hàm lượng Flavonoid và Artepillin C cao gấp 3 lần công nghệ thông thường. Tại Việt Nam, chỉ keo ong của Tracy Bee mới thừa hưởng được công nghệ đó”, bà Trang chỉ ra lợi thế cạnh tranh, nói thêm rằng bên cạnh việc tiếp tục nhập nguyên liệu đã được chiết xuất bằng công nghệ của Apis Flora, Tracy Bee hướng đến mua lại công nghệ này.
Về số vốn, Shark Phạm Thanh Hưng đề nghị đầu tư 500.000 USD cho khoảng 6,5% cổ phần. Do bà Trang cho biết cần các “cá mập” đồng hành, ông đề nghị bổ sung 3,5% nữa bằng sự đóng góp hình ảnh cá nhân, kinh nghiệm, tên tuổi cá nhân. Tổng cộng là 500.000 USD cho 10% cổ phần.
Để tiếp tục thuyết phục các Shark, bà Trang cho biết thực ra định kêu gọi 1 triệu USD cho 8% cổ phần , nhưng tách ra để các nhà đầu tư dễ quyết định hơn.
“Năm sau chúng tôi dự tính doanh số đạt 120 tỷ đồng, và năm 2025 lên khoảng 200 tỷ. Theo đúng kế hoạch phát triển, đến năm 2030 chúng tôi quyết tâm phải lên doanh nghiệp ngàn tỷ.
Với số tiền các Shark bỏ ra như hiện nay không nhiều. Tôi nói được làm được. Thậm chí có thể làm gấp hai, gấp ba những gì đã nói. Tôi nghĩ các Shark không nên đắn đo nhiều”, bà Trang quả quyết.
Mặc dù vậy, Shark Erik Jonsson quyết định không đầu tư do ông là nhà đầu tư công nghệ, còn Tracy Bee là công ty chuyên về sản xuất.
Shark Hùng Anh đặt ra tình huống giả sử các hệ thống nhà thuốc không mua hàng của Tracy Bee nữa. Đáp lại, bà Trang tự tin vào lượng khách hàng trung thành và cách Tracy Bee chăm chút cho họ, để khi mất đi một chuỗi lớn vẫn có doanh số khá ổn.
“Tôi thì thấy bạn đang hơi đếm ong trong lỗ. Tôi cho rằng không gì là mãi mãi. Doanh nghiệp của bạn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tháng này thì lãi, tháng sau hoàn toàn có thể gặp biến cố ”, Shark Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.
Rất nhiều nhà bán lẻ chỉ cần có kênh phân phối, thấy sản phẩm nào tốt họ sẽ tự nghiên cứu, hoặc đơn giản là tự làm OEM. Bán một phát thì tự nhiên là doanh số của bạn sang năm sau có thể về zero. Bạn chuyển sang hướng sản xuất thì tôi lại rất lo lắng. Nên tôi sẽ không đầu tư”, Chủ tịch NextTech từ chối startup.
Trong khi đó, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm – người lần đầu tham gia “Bể Cá mập” tỏ ra hào hứng với startup và đề nghị rót 500.000 USD cho 7% cổ phần.
Shark Hùng Anh – người tham gia thương vụ triệu USD duy nhất được rót vốn thực trong Shark Tank mùa 5 – đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 19% cổ phần. Tracy Bee hạ tỷ lệ này xuống còn 12% và tiếp tục thuyết phục, nhưng Shark Hùng Anh chỉ đồng ý hạ xuống còn 18%.
Để đạt được thỏa thuận tốt hơn, bà Trang cam kết với Shark Hùng Anh là đến năm 2025 mà không đạt được doanh số khoảng 300 tỷ đồng thì trả tiền lại cho nhà đầu tư. Đáp lại, vị cá mập này vẫn giữ tỷ lệ 18%, nhưng nếu đạt KPI sẽ hoàn lại 3% cổ phần.
Shark Tuệ Lâm cũng ra một đề nghị khác là giải ngân trước 500.000 USD cho 7% cổ phần, 500.000 USD tiếp theo sẽ được giải ngân vào năm 2025 với điều kiện công ty đạt doanh thu 170 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Chốt lại, bà Trang đề nghị 1 triệu USD cho 15% cổ phần.
“Tracy Bee không định vị mình chỉ sản xuất những dòng sản phẩm đặc thù về ong, mà sau này sẽ trở thành một công ty có các sản phẩm tự nhiên khác hoặc những thực phẩm rất tốt cho con người, mở rộng danh mục sản phẩm. Đó sẽ là công ty khổng lồ về ngành thực phẩm chức năng”, nhà sáng lập Tracy Bee thuyết phục lần cuối.
Cuối cùng, Shark Hùng Anh đồng ý với đề nghị 1 triệu USD cho 15% cổ phần.