LeEco và bài học "thích trèo cao thì ngã sẽ rất đau"

15/04/2017 22:01 PM | Công nghệ

LeEco, công ti được coi là "Netflix của Trung Quốc", đặt ra mục tiêu tấn công ồ ạt vào thị trường công nghệ Mĩ với một sự tự tin rất lớn. Trái với những gì LeEco mong đợi, kế hoạch đầy tham vọng của họ đang dần sụp đổ.

Theo Bloomberg cho biết, chỉ sau 6 tháng hoạt động tại Mĩ, LeEco đã phải lên kế hoạch cắt giảm nhân lực do doanh thu của 2016 quá thảm hại, chênh lệch quá nhiều so với mục tiêu đặt ra. Ít nhất sẽ có 1/3 các nhân viên tại chi nhánh ở Mĩ sẽ bị sa thải.

Nguồn tin cung cấp các thông tin trên đã được giấu tên vì các hoạt động tài chính của LeEco vốn không được công khai cho công chúng. Chi nhánh LeEco tại Mĩ đang chuẩn bị cắt giảm 175 vị trí, rút số lượng nhân viên xuống còn khoảng hơn 300 người.

Tình hình hiện nay tại LeEco thậm chí còn tệ hơn thế khi quá trình cắt giảm vẫn chưa được tiến hành vì công ti này không thể chi trả các khoản viện trợ thất nghiệp cho nhân viên khi bi sa thải. Cũng vì vấn đề dòng tiền mà ngay cả khi giữ được việc, các nhân viên của LeEco cũng không được trả lương đúng hạn.

LeEco đạt nhiều thành công tại Trung Quốc với mẫu smartphone của mình

Trước khi gặp khủng hoảng này, LeEco có rất nhiều dự định tại thị trường Mỹ, cạnh tranh với các đối thủ trong thị trường công nghệ và giải trí bằng các thiết bị và dịch vụ giá rẻ, cấu hình cao. Công ti này đạt rất nhiều thành công tại Trung Quốc, nơi mà họ bán được hàng triệu smartphone, TV và dịch vụ giải trí họ cung cấp có đến 730 triệu người sử dụng hằng tháng.Các ông chủ của LeEco muốn xâm nhập vào thị trường Mĩ, sẵn sàng đầu tư để đạt được điều này.

Sáu tháng sau sự kiện ra mắt tại San Francisco hồi tháng 10 năm ngoái, kế hoạch của LeEco sụp đổ. Mới đây, LeEco vừa chính thức công bố rằng hợp đồng mua lại Vizio, thương hiệu TV nổi tiếng với giá cả rất cạnh tranh, đã bị xóa bỏ. Thương vụ trị giá 2 tỉ USD này được coi là chìa khóa để LeEco tiến vào thị trường mĩ thông qua các đại lý bán lẻ như Walmart, Costco và Best Buy.

Vào tháng 6 năm ngoái, LeEco mua lại 20 hecta đất tại giữa thung lũng Silicon khỏi tay của Yahoo với giá 250 triệu USD. Theo dự tính, cơ sở này sẽ là ngôi nhà mới cho 12,000 nhân viên. Từ đó đến nay, LeEco không chỉ sa thải nhân viên của họ mà còn đánh mất nhân lực tài năng tại các vị trí cao cấp.

Trụ sở của LeEco tại thung lũng Silicon

Kế hoạch sa thải được Bloomberg đăng tải cũng không phải là động thái duy nhất trong việc muốn cắt giảm chi phí của LeEco. Hàng trăm nhân viên đã nhận được thông báo nghỉ việc trong vài tháng vừa qua, kéo số lượng nhân viên hoạt động tại trụ sở ở San Jose xuống còn 50% so với tháng 8 năm ngoái.

Hàng loạt nhân viên ở các vị trí cao cấp của công ti cũng đệ đơn thôi việc, bao gồm Todd Pendleton, cựu giám đốc marketing của Samsung. Pendleton quyết định nghỉ việc vào đầu năm nay sau chưa đầy 1 năm công tác ở LeEco. Một luật sư chuyên về bằng sáng chế trước đây từng làm ở Google cũng đệ đơn thôi việc vào cuối năm ngoái.

Todd Pendleton, cựu giám đốc marketing của Samsung

Thực trạng của LeEco cũng được thể hiện rõ qua các lời nhận xét của nhân viên cũng như cựu nhân viên trên Glassdoor. Công ti này bị cáo buộc về việc quản lý lỏng lẻo, mâu thuẫn nội bộ giữa các giám đốc Trung Quốc và các đợt sa thải nhân viên một cách đột ngột trên diện rộng, chỉ vài tháng sau khi nhân viên bắt đầu làm việc.

Như một kết quả không thể tránh khỏi, LeEco đang rao bán mảnh đất ở thung lũng Silicon mà họ mua lại vào tháng 6 năm ngoái. Chuyện gì đang xảy ra với LeEco ? Tại sao một công ti ở vị trí rất thuận lợi lại thất bại nhanh chóng đến vậy ?

Tham khảo Gizmodo

Theo Nam Lê

Cùng chuyên mục
XEM