Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác

22/10/2018 20:36 PM | Sống

Khi bạn làm việc, hãy làm với 100% năng lượng bạn có. Nhưng khi bạn nghỉ ngơi, hãy dành toàn bộ thời gian đó để xả stress. Đừng để công việc và cuộc sống riêng tư trở nên lẫn lộn, đan xen nhau. Bạn nên tắt điện thoại và ngừng check email sau giờ làm việc. Bạn có thể kiểm tra chúng vào ngày hôm sau - chúng sẽ vẫn sẽ ở đó.

Trong những năm gần đây, ngày càng có ít người trong chúng ta chỉ làm việc đúng 40 giờ một tuần. Những khảo sát gần đây cho thấy mọi người có xu hướng làm việc nhiều hơn: kiểm tra email công việc vào ban đêm trong khi xem TV, vào buổi sáng trong khi vẫn còn trên giường và thậm chí trong khi ăn tối với bạn bè. Hầu hết chúng ta đều cố làm thêm giờ, bỏ qua những ngày nghỉ lễ - một thói quen mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể rút ngắn tuổi thọ của con người.

Bạn sẽ nói rằng mình ghét làm việc ngoài giờ nhưng thực sự bạn có thể từ bỏ điều đó hay không? Câu trả lời là có thể - nếu chúng ta suy nghĩ lại về lý do đằng sau.

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 1.

Có một số lý do tại sao bạn phải làm việc nhiều hơn: Để kiếm nhiều tiền hơn, để gây ấn tượng với người khác, hay để làm hài lòng sếp. Nhưng thật không may, các bằng chứng khoa học không hề ủng hộ ý tưởng làm việc nhiều hơn thì sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn”.

Ví dụ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm việc nhiều giờ hơn không làm tăng năng suất lao động. Trong thực tế, nó chỉ khiến bạn kiệt sức về cả thể chất và tinh thần dẫn đến mọi suy nghĩ, hành động đều trở nên chậm chạp và bạn cũng dễ dàng mắc sai lầm hơn.

Hơn một thế kỷ trước, 10 đến 16 giờ làm việc một ngày được coi là tiêu chuẩn của xã hội. Nhưng đến khi các ông chủ nhà máy giới hạn ngày làm việc chỉ còn 8 giờ, họ nhận thấy sản lượng tăng và tai nạn giảm, từ đó tiêu chuẩn 40 giờ làm việc/tuần đã ra đời. Ý tưởng này sau đó đã được kiểm nghiệm lại bởi Trường Kinh doanh Harvard, và cũng cho ra kết quả tương tự. Thời gian cần thiết để nghỉ ngơi vào các buổi tối hay cuối tuần giúp cho công nhân làm việc hiệu quả hơn. Do đó, những người làm việc nhiều giờ để gây ấn tượng với sếp của họ cũng có thể suy nghĩ lại về chiến lược này.

Thời gian làm việc kéo dài không chỉ là lỗi của các ngành nghề đặc trưng hay những người lãnh đạo độc đoán. Thông thường, chúng ta làm việc điên cuồng là do chính sự thôi thúc từ bên trong bản thân.

May mắn là vẫn có nhiều cách để bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi, miễn là bạn có thể thay đổi tư duy và kiên nhẫn để xây dựng thói quen mới.

Làm thế nào để dừng lại?

1. Học cách từ chối

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 2.

Tỷ phú Steve Jobs có một chiến lược khá nổi tiếng là nói không với những việc không cần thiết. Việc phân bổ năng lượng cho nhiều dự án cùng một lúc, ngay cả khi những dự án đó có thú vị đi chăng nữa, cũng có thể làm suy giảm năng suất tổng thể của bạn.

Biết cách từ chối giúp bạn tập trung tốt hơn vào các mục tiêu ưu tiên. Điều này sẽ không dễ dàng để làm, nhưng nó là cần thiết nếu bạn muốn quản lí thời gian tốt hơn và tối đa hóa hiệu suất công việc của bạn.

2. Rút khỏi các vị trí không cần thiết

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 3.

Có dự án nào mà bạn làm chỉ vì đó là thói quen? Nếu một dự án đã đi vào vận hành một cách ổn định thì có lẽ đã đến lúc bạn nên rút khỏi nó. Vai trò của bạn có thể đã tạo ra các thành tựu, và giờ đây bạn không cần phải tham gia quá nhiều vào các cuộc họp hay trả lời email nữa. Việc đó nên được chuyển giao cho người khác.

3. Đừng làm việc để gây ấn tượng với người khác

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 4.

Cố gắng đừng quá căng thẳng hay đặt nặng vấn đề người khác cảm nhận như thế nào về bạn. Biết rằng ấn tượng của người khác về bạn được hình thành từ những gì họ thấy trong giờ làm việc. Tuy nhiên, bạn cũng đừng vì thế mà làm việc quá sức. Một vài giờ làm thêm có thể là vô hình đối với đồng nghiệp và thậm chí là sếp của bạn nhưng lại gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.

4. Yêu cầu giúp đỡ khi cần

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 5.

Lịch trình làm việc hiện tại của bạn có thể thực sự bận rộn và quá sức. Nếu bạn cứ âm thầm xử lý hàng tá công việc thì người quản lí của bạn có thể không biết và không thể giúp đỡ. Trong trường hợp này, hãy là người chủ động lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ và cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

5. Suy nghĩ lại lý do khiến bạn làm việc điên cuồng

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 6.

Làm việc một cách chăm chỉ và bận rộn có thể khiến bạn cảm thấy quan trọng và có giá trị. Thông thường, người ta thường đánh giá rất cao những người dành nhiều thời gian cho công việc và bỏ qua những thú vui tiêu khiển. Nhưng bạn cũng nên dừng lại một chút để suy nghĩ về những giá trị mà mình có thể tạo ra trong một vài giờ làm thêm. Nó có tương xứng với công sức mà bạn đã bỏ ra hay không?

6. Đặt ranh giới rõ ràng

 Làm việc điên cuồng nhưng mãi vẫn chưa thành công, đã đến lúc bạn nên dừng lại và tìm một con đường khác  - Ảnh 7.

Khi bạn làm việc, hãy làm với 100% năng lượng bạn có. Nhưng khi bạn nghỉ ngơi, hãy dành toàn bộ thời gian đó để xả stress. Đừng để công việc và cuộc sống riêng tư trở nên lẫn lộn, đan xen nhau. Bạn nên tắt điện thoại và ngừng check email sau giờ làm việc. Bạn có thể kiểm tra chúng vào ngày hôm sau - chúng sẽ vẫn sẽ ở đó.

Một số nhà lãnh đạo thành công nhất, như Giám đốc điều hành LinkedIn Jeff Weiner, kiểm soát thời gian của họ bằng cách từ chối kiểm tra email vào những thời điểm nhất định trong ngày. Nếu bạn muốn có khả năng tập trung cao hơn để xử lí công việc, bạn nên bắt đầu học tập thói quen này. Bằng cách tạo ra điểm dừng, bạn cũng sẽ tránh được việc mang theo căng thẳng khi trở về nhà sau giờ làm.

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM