Kiểu nhân viên: Làm việc, chỉ giỏi "võ mồm", chỉ hiểu vỏ ngoài lý luận suông mà không có thực chiến, nhất định sẽ không thể chạm tới thành công

05/01/2019 09:16 AM | Sống

Cơ hội chỉ đến trong đời một lần. Nếu bạn để tuột đi thì cũng đừng mong thêm một lần có được nữa.

01

Tốt nghiệp đại học Ngoại thương với tấm bằng loại giỏi, lại có ngoại hình xinh xắn, giỏi khoản ăn nói cộng thêm kinh nghiệm mấy năm làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài tầm cỡ, Hà Vũ chắc chắn cầm trong tay cái mác "nhân sự cao cấp" và được nhiều công ty săn đón, mời về làm việc với mức lương cao và những ưu đãi khó mà chê được. 

"Kén cá chọn canh" mãi, Hà Vũ chấp nhận đầu quân làm việc cho một ngân hàng mà mức thu nhập thì phải gọi là đáng mơ ước. Tự tin vào khả năng của mình, tất nhiên, Hà Vũ nhìn các đồng nghiệp khác với con mắt "hơi" bề trên. 

Nhiều người biết tính Hà Vũ kiêu kì, lại chẳng coi ai ra gì nên chẳng thèm nói và bắt chuyện. Bị cô lập nhưng cô vẫn cứ tự cho rằng mình thuộc tầng lớp khác, chẳng liên quan gì mà phải bắt chuyện, kết thân này nọ.

Chuyện xem ra cũng chẳng có gì, nhưng Hà Vũ liên tiếp tạo sai lầm trong cách ứng xử nơi công sở. Cô thậm chí không muốn nghe lời sếp. Luôn khăng khăng cho mình là đúng, mỗi lần cãi tay đôi với sếp, Hà Vũ viện ra cái lý do như "em đã từng làm việc này ở công ty nọ, công ty kia", "em tin chắc vào khả năng của mình" ... để chứng minh sự tự tin và năng lực có thừa của mình.

Đồng nghiệp xa lánh, sếp ngán ngẩm cô nhân viên không có khả năng làm việc nhóm, coi thường đồng nghiệp, Hà Vũ đã bị sa thải không lâu sau đó. 

Tương tự như Hà Vũ, Tuấn Anh mất việc cũng vì thói bướng bỉnh, coi mình là số một. Tuấn Anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng bên Mỹ nhờ vào một học bổng du học kiếm được hồi mới vào sinh viên. Trở về nước, anh có thừa bản lĩnh bước vào làm việc trong một công ty xây dựng có vốn nước ngoài, lương tính bằng nghìn đô.

Thế nhưng, Tuấn Anh không phải là người có thói quen nhũn nhặn. Tuấn Anh sẵn sàng cãi lại những ai trái ý mình vì anh cho rằng năng lực của mình không bao giờ cho phép anh phạm sai lầm. Với đồng nghiệp, Tuấn Anh xem họ như đàn em; với sếp, Tuấn Anh cũng chẳng coi trọng gì. Trong các cuộc họp, những ý tưởng của đồng nghiệp đưa ra, Tuấn Anh đều lên tiếng bác bỏ với những giọng điệu khá nặng lời và chê bai, không chút nể nang. 

Được dăm bữa nửa tháng, chẳng ai còn chịu hợp tác làm việc cùng với Tuấn Anh nữa. Sếp cũng sa thải Tuấn Anh với những lý do mà không ai là không hiểu.

Mất việc nơi này, Tuấn Anh tìm đến được nơi khác vì cái mác du học sinh về nước. Nhưng chẳng có nơi nào Tuấn Anh trụ được lâu dài vì tính cách bướng bỉnh và những lề thói kiêu căng, xem thường người khác. Dần dần, các công ty chuyên về xây dựng nhẵn mặt Tuấn Anh với những điều tiếng chẳng tốt đẹp gì. Hành trình mất việc rồi có việc với Tuấn Anh cũng chẳng còn dễ dàng như trước nữa. Đến lúc giật mình nhìn lại, Tuấn Anh mới nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thứ.

Thực chất, sự tự tin và tự cao tự đại cách nhau một sợi chỉ mỏng manh. Nhiều nhân viên cho rằng mình ở vị thế cao hơn, năng lực xuất sắc hơn người khác, nên nảy sinh thói bướng bỉnh, kiêu căng và xem thường đồng nghiệp. Kiểu nhân viên thừa năng lực nhưng thiếu vốn văn hóa ứng xử cần thiết này không ý thức được rằng, đó là lối ứng xử vô cùng sai lầm và tệ hại. Chính họ đã tự tước đoạt đi các cơ hội làm việc, quan hệ của chính họ trong đời sống. 

Họ nghĩ rằng sếp không trọng dụng, giữ chân họ là sai lầm của sếp.

Họ nghĩ rằng đồng nghiệp không kết giao, nâng niu họ là tổn thất lớn của đồng nghiệp. 

Nhưng thực chất, "Vắng cô thì chợ vẫn đông. Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Thực tế, công ty vẫn hoạt động trơn tru khi không có sự hiện diện của người - cho - rằng - mình - tài - giỏi - nhất. Đừng quên, người xuất sắc đến mấy cũng có thể thay thế bất cứ lúc nào. 

Kiểu nhân viên: Làm việc, chỉ giỏi võ mồm, chỉ hiểu vỏ ngoài lý luận suông mà không có thực chiến, nhất định sẽ không thể chạm tới thành công - Ảnh 1.

02

Tôi từng đọc và nhớ mãi câu chuyện, kể về một con tuấn mã có vóc dáng vô cùng rắn rỏi, chắc khỏe, sức có thể chạy ngàn dặm, chỉ đợi gặp được người chủ tốt để theo hầu. 

Một hôm, có thương nhân đến hỏi: "Ngươi có bằng lòng theo ta không?". 

Con tuấn mã lắc đầu nói: "Ta là một chiến mã tốt, làm sao có thể đi theo chở hàng cho ông được chứ?". 

Hôm khác, một binh sĩ đến hỏi: "Ngươi có bằng lòng theo ta không?". Con tuấn mã lại lắc đầu nói: "Ta là một chiến mã tốt, sao có thể phục vụ một binh sĩ bình thường như anh được?". 

Cách ít lâu, lại có một thợ săn đến hỏi: "Ngươi có bằng lòng theo ta không?". Con tuấn mã vẫn lắc đầu: "Ta là một chiến mã tốt, sao có thể làm đầy tớ cho ông được chứ?". 

Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, con tuấn mã vẫn mãi không tìm được người chủ lý tưởng như nó mong muốn.

Thế rồi một hôm nó nghe thấy có vị khâm sai đại thần của triều đình phụng mệnh tìm kiếm ngựa tốt, con tuấn mã liền tìm đến vị này và nói: "Ta chính là con chiến mã mà ông đang muốn tìm đây!". 

Vị khâm sai hỏi: "Vậy ngươi có thuộc đường đi của nước chúng ta không?". Con tuấn mã lắc đầu.

Khâm sai đại thần lại hỏi: "Vậy ngươi đã có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường chưa?". Con tuấn mã vẫn lại lắc đầu.

Vị quan khâm sai băn khoăn: "Ta muốn biết ngươi có thể làm được gì?". Con tuấn mã nói: "Ta có thể ngày đi nghìn dặm, ban đêm đi tám trăm dặm mà không mệt mỏi". 

Khâm sai đại thần muốn nó chạy một đoạn để xem thế nào. Con tuấn mã dùng hết sức, phóng nước đại chạy về phía trước, nhưng chỉ được một đoạn ngắn thì đã thở hồng hộc, mồ hôi chảy ra đầm đìa.

"Ngươi già rồi, không dùng được!", vị khâm sai đại thần nói xong liền quay lưng bỏ đi.

***

Chú tuấn mã trên kia đã có tới 3 lần ngoảnh mặt với cơ hội. Chú tự cho mình tài giỏi, không đếm xỉa đến những việc nghe có vẻ tầm thường (chở hàng, chở lính, theo chân thợ săn). Trong con mắt của chú, đó đều là những thứ tầm thường, không xứng với khả năng mình.

Nhưng chú ngựa nào hay, tất cả mọi chuyện đến với mình đều là có nhân duyên, đều là cơ hội rèn luyện. Đến khi thực sự có cơ hội lớn, được phục vụ triều đình và đức vua, chú ngựa đã không thể vượt qua bài khảo sát của quan khâm sai vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sự trui rèn trong thử thách.

Kiểu nhân viên: Làm việc, chỉ giỏi võ mồm, chỉ hiểu vỏ ngoài lý luận suông mà không có thực chiến, nhất định sẽ không thể chạm tới thành công - Ảnh 2.

Sự tự mãn có thể giết chết một cuộc đời. Chỉ giỏi "võ mồm", chỉ hiểu được vỏ ngoài lý luận suông mà không có thực tiễn, nhất định sẽ không thể chạm tới thành công. Đừng quên cơ hội chỉ đến trong đời một lần. Nếu bạn để tuột đi thì cũng đừng mong thêm một lần có được nữa.

Sống ở đời, phải rèn cho mình tính kiên nhẫn, đức nhún nhường, biết mình - biết người, không quản gian khó luyện rèn bản lĩnh, tu dưỡng đạo đức, chờ đợi cơ hội phát huy giá trị, năng lực bản thân. 

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM