img

10 năm làm việc trong các công ty ở Việt Nam và nước ngoài, từng giữ các chức vụ quan trọng nhưng cuối cùng, chị Lương Ngọc Tiên chọn lĩnh vực thiền ứng dụng làm con đường sự nghiệp của mình. Nhờ có thực hành thiền, chị đã vượt qua những giai đoạn khó khăn, mất định hướng để đi tới cuộc sống tốt đẹp như hôm nay và chị hy vọng rằng mình cũng sẽ lan toả những lợi ích thiết thực này đến với mọi người

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 1.

Chị còn khá trẻ nhưng đã có 7 năm gắn bó với thiền. Cơ duyên nào đã đưa chị đến với phương pháp này?

Sau khi tốt nghiệp MBA ở Hà Lan và Mỹ, tôi quyết định sang Hà Lan làm việc thêm một năm rồi mới về nước tuổi 30. Là người lạc quan, tôi nghĩ mình đã đi, đã học, đã làm được từng ấy chuyện thì chắc sẽ không phải lo đi kiếm việc nữa (cười). Tuy nhiên năm 2010 Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên tôi loay hoay mãi vẫn không tìm được việc cho mình. Tôi thấy mình bị shock vì những điều tôi trải nghiệm, học hỏi ở nước ngoài không phù hợp với những gì đang diễn ra xung quanh. Tôi trở nên khép mình, không bộc lộ suy nghĩ với ai. Cũng trong khoảng thời gian ấy, ba tôi qua đời. Sự xáo trộn trong công việc, gia đình, cuộc sống khiến tôi rơi vào cuộc khủng hoảng… Tình cờ được gieo duyên, tôi đến với thiền và bắt đầu như một tờ giấy trắng, không có khái niệm hay mong đợi gì. Những khi tâm trạng xuống thấp, suy nghĩ tiêu cực, tôi cứ tiếp tục ngồi thiền, rồi tự ôm lấy mình, tự nhìn vào những chuyện đang trải qua, chấp nhận chứ không ghét bỏ bản thân hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Rồi tôi bắt đầu có những chuyến đi thiền nghỉ dưỡng ở Ấn Độ, Bhutan, Thuỵ Sĩ, Thái Lan, Mỹ…và đi tìm học với các Thiền sư Việt Nam và nước ngoài để hiểu hơn về thiền và về chính con người tôi.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 2.

Thiền giúp nhìn sâu vào bản thân mình, mà trong mình thì có cả tốt lẫn xấu. Liệu rằng giây phút đối diện mặt trái của bản thân ấy, chị có tuyệt vọng hay chán ghét mình không?

Con người, ai cũng vậy, luôn luôn trong một trạng thái mâu thuẫn. Khi thực hành thiền, tôi càng hiểu được điều này và tôi biết nếu những ý nghĩ tiêu cực khiến mọi thứ quanh tôi tệ đi thì những ý nghĩ tích cực sẽ thay đổi cách tôi nhìn nhận mọi thứ. Đó là sức mạnh chuyển hoá của thiền, là tư duy tích cực bắt nguồn từ niềm tin vào bản thân. Tôi chấp nhận mình có những điều xấu xí, những hoài nghi về bản thân nhưng không để chúng chi phối hay cuốn mình vào những suy tư rối rắm, không lối thoát.

Thực hành thiền giúp tôi quan sát những ý nghĩ của mình, thanh lọc những ý nghĩ tiêu cực và từ đó giúp tôi mạnh mẽ hơn.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 3.

Có khi nào thiền khiến chị lùi bước không?

Tôi hiểu lùi bước là mình quyết định không theo, không đi tiếp. Vậy thì tôi có, vì thiền giúp tôi đưa ra những quyết định đúng với con người của mình. "Có" là để nói với mình, cả khi suy nghĩ hay lựa chọn của mình khác với của mọi người. Còn "Không" là để nói với những tác động bên ngoài, không để chúng ảnh hưởng đến mình, như những lời so sánh, phán xét: "Sao tuổi này chưa lập gia đình?" hay "Sao người ta làm được nhiều việc thế mà mình chưa bằng họ?"

Bây giờ mỗi khi làm gì, tôi sẽ cảm nhận bên trong mình như thế nào, năng lượng ra sao, sức khỏe, tinh thần có cho phép mình làm việc này không. Nếu phải lao đầu vào công việc mà mất đi sự cân bằng thì việc mình làm sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Khi bỏ được vướng mắc về thành công và thất bại, hay người khác nghĩ gì về mình; khi được tự do khám phá năng lực của mình, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, thì bạn sẽ trở thành chính mình một cách tốt nhất. Đó là phát triển bản thân, bắt nguồn từ việc hiểu rõ mình, và bình thường hoá mọi trải nghiệm thành công – thất bại. Khi đứng trước một việc, bạn tịnh tâm, suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân để ra quyết định, rồi toàn tâm toàn ý làm hết sức mình – đó mới là bạn sống trọn vẹn.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 4.

Như ở trên chị chia sẻ, chị từng trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi 30. Chị nghĩ sao khi nói 30 tuổi thực sự là một gánh nặng áp nặng của các bạn trẻ?

Thời điểm mới từ Hà Lan về Việt Nam, tôi nhận ra trong cách nghĩ của những người 30 tuổi, đơn cử như bạn bè tôi, là tuổi này phải lập gia đình, có sự nghiệp, có nhà, có xe, có con, túm lại là phải lo cho xong bản thân mình trước. Tôi quan sát thấy những cuộc nói chuyện bên lề công việc đều có sự chê bai, nhận xét tiêu cực, ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình… Như vậy thì đúng là rất mệt mỏi.

Tôi thấy mình thật may mắn vì nhờ có thiền, tôi đã hiểu ra nhiều điều. Tôi thấy việc chạy theo những quan điểm truyền thống về điều kiện hạnh phúc, hay chạy đua với thời gian để cán mốc 30 tuổi với những điều phải có... không đem lại giá trị thực sự. Tuổi 30 đơn thuần chỉ là một mốc thời gian. Thay vì chạy theo những áp lực bên ngoài, hãy tự hỏi điều gì đem lại cho bạn hạnh phúc? Nếu câu hỏi đó xuất phát từ bên trong thì bạn sẽ có động lực đi tìm câu trả lời và phương án giải quyết không nhất thiết phải giống mọi người.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 5.

Có người bảo, tuổi 30 toàn là những hoang mang, lựa chọn, đấu tranh… Chẳng thấy có vị hạnh phúc?

Dù ở tuổi nào, hay hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể hạnh phúc. Tuy nhiên hạnh phúc phải đến từ bên trong và từ sự lựa chọn của mỗi người.

Thực tế là không phải chỉ tuổi 30 mới hoang mang, không hạnh phúc. Nhiều người dù nắm trong tay mọi thứ nhưng cũng không hạnh phúc đấy thôi. Vì họ bằng lòng giấu diếm, bỏ qua những giá trị của mình, khóa chặt những vấn đề của mình lại và bên ngoài, cố gắng tỏ ra mình vẫn ổn. Nhưng những cái "xấu che" đó không mất đi, nó vẫn ở yên đó cho đến khi gặp sự cố, nó lại xuất hiện và tác động lên suy nghĩ, hành động của mình. Bạn thấy tỉ lệ ly hôn, nhảy việc, hay tỷ lệ trầm cảm, tự tử ở các đô thị lớn ngày càng cao không? Áp lực xã hội càng nhiều thì chúng ta càng cần xây dựng nội tâm vững mạnh. Bạn phải tìm cách định hướng cuộc sống cho mình sao cho bạn hạnh phúc hơn, vì không ai sẽ sống thay cho bạn.

Liệu có mâu thuẫn không khi nhiều người luôn cố gắng làm đẹp lòng số đông, ru ngủ chính bản thân mình để có hạnh phúc?

Sống đúng với mình là khó nhất, nhưng mình cũng sẽ hạnh phúc nhất. Tôi từng chia sẻ trên Facebook rằng: "Muốn chân thật, phải có sự can đảm". Muốn nói điều mình nghĩ, làm điều mình tin, sống đúng với con người mình thì tất nhiên, mình cần có sự can đảm. Những ai chưa có đủ can đảm, thiền sẽ giúp họ có thêm can đảm. Từ trải nghiệm bản thân, tôi nhận ra rằng: Điều duy nhất tôi làm được khi đi qua khủng hoảng bản thân chính là cứ can đảm ngồi yên nhìn vào những vấn đề của mình. Sau này tôi hiểu đó là định lực, là sức mạnh nội tâm.

Bắt đầu thiền từ năm 2011, phải đến năm 2016, tôi mới đủ can đảm nói rằng đây chính là con đường tôi chọn, là lĩnh vực tôi có thể làm tốt nhất với niềm tin rằng thiền cũng sẽ mang đến tác dụng tương tự cho bạn như đối với tôi.

Những người muốn đẹp bên ngoài và ru ngủ chính mình như bạn nói, một phần cũng bởi họ luôn bắt mình phải được thế nọ, được thế kia. Nếu họ hiểu ra chữ "được" thì họ sẽ biết mình nên "được" cái gì và "được" cho ai, và họ có thực sự hạnh phúc không.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 6.

Trong môi trường công sở, bộc lộ suy nghĩ thật của mình rất khó. Chúng ta – những người trẻ – những người làm công ăn lương phải làm sao đây khi "trên đe dưới búa", trên là mệnh lệnh của sếp, bên cạnh là những ánh nhìn soi xét của đồng nghiệp và còn những kỳ vọng ngầm ẩn của chính bản thân?

Tôi nhận ra ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ. Họ đưa ra quyết định trong nỗi sợ chứ không phải từ trong suy nghĩ phải làm như thế nào cho đúng.

Nếu thực hành thiền, bạn sẽ biết thiền có thể giúp bạn "dọn rác" trong đầu để nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn. Với sự tĩnh tâm và trí tuệ của mình, bạn sẽ thấy cái nào là việc đúng phải làm và bạn có thể rõ ràng trình bày quan điểm của mình. Rồi bạn sẽ thấy mình can đảm hơn khi nói thật suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, trước khi học cách nói sao cho người khác cảm thấy thuyết phục, bạn sẽ cần học cách lắng nghe. Người biết cách lắng nghe, không để cho tư duy, quan điểm, cách đánh giá của mình "lấn lướt" người khác, bất kể chúng có hợp tình, hợp cảnh hay không, sẽ thuyết phục người khác dựa trên cái lý, cái tình một cách trọn vẹn.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 7.

Nói đến các bạn trẻ bây giờ, nhiều bạn có khát vọng, tham vọng đủ lớn. Nhưng cũng có những khát vọng "lệch pha" với năng lực thực tế. Sự bất đồng giữa tâm mong cầu và thực tế khiến các bạn ấy loay hoay, lạc lối. Liệu thiền có giúp các bạn đi đúng con đường mình muốn không, thưa chị?

Lí do khiến các bạn trẻ loay hoay, mất phương hướng một phần cũng do tác động của xã hội hiện đại. Nhiều bạn có trải nghiệm sống để có cái "feed" cho mạng xã hội. "Facebook của ai thì người ấy đẹp". Họ không sống thật cho mình, không nhìn nhận thật về những khó khăn của mình, để rồi rơi vào bẫy nói dối, đến mức họ tin rằng cuộc sống hoàn hảo phải như thế. Ngày ngày họ vô thức để những thông tin, hình ảnh này đi vào tâm thức không kiểm soát. Rồi cái hay, cái dở gì họ cũng học, không có sự chọn lọc. Nên cứ thế, họ bị trượt dài trong việc xác định mục tiêu và đánh giá khả năng thực tế của mình.

Nếu chúng ta có ý thức, có quá trình nhìn lại và tư duy, biết tìm đến những người bạn tốt hay môi trường hay để học hỏi, hoặc tìm cho mình một phương pháp rèn luyện thường xuyên, thì chúng ta sẽ tỉnh táo và nhận ra mình đang ở đâu, là ai, như thế nào.

Khi thiền, chúng ta có thời gian để lắng tâm, nhìn lại mọi việc, tách mình ra khỏi muôn vàn những trạng thái để hiểu mình có gì và không có gì. Thiền có những kỹ thuật giúp bạn chuyển hóa trạng thái tiêu cực, yêu thương bản thân, đồng cảm với người khác, từ đó có khả năng tư duy và ra quyết định tốt hơn. Bạn học cách nhìn rõ bản thân – giữa năng lực và mơ ước, giữa thực tế và khát vọng, từ đó lựa chọn con đường đúng cho mình.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 8.

Chị nói rất nhiều về quay vào bên trong, tìm kiếm cho mình nội lực, sự cân bằng. Đó có phải là bí kíp của chị?

(Cười) Đúng đấy, thay vì lãng phí quá nhiều thời gian nhìn vào chiếc điện thoại, tại sao bạn không nhìn vào chính mình? Dường như, người hiện đại chúng ta đang đánh mất "ngôi nhà" của mình. Nhà là nơi khi quay về, mình được là chính mình; là nơi mang lại cho mình cảm giác an yên, không đâu có được. Nhiều người dù ở trong ngôi nhà lộng lẫy mà không cảm thấy an yên là vì sao? Vì đó không phải là "ngôi nhà" thực sự của họ. Ngôi nhà thực sự chính là con người mình, bên trong cơ thể bạn có một tâm thức sống động. Nếu lúc này tâm thức đó không có mặt ở đây cho bạn mà đang mải đuổi theo những ý nghĩ về quá khứ hay tương lai thì bạn sẽ không có bình an. Khi tâm thân bạn cứ tách rời như vậy thì bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc, dù ở đâu hay làm gì. Nên hãy có ý thức quay về gắn kết với "ngôi nhà" thực sự của mình.

Phải chăng xã hội phát triển quá nhanh khiến quá nhiều người hiện nay bị mất cân bằng cuộc sống, thưa chị?

Có vẻ là như vậy. Những người bị mất cân bằng sẽ luôn bị tác động bởi họ không làm chủ được cuộc sống của mình và không góp phần kiến tạo hệ sinh thái xung quanh. Những người có sự tỉnh thức sẽ không để những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến con đường họ đi, công việc họ chọn, tình thương họ dành cho ai đó vì bản chất cuộc sống của họ luôn ở trong hiện tại. Tuy nhiên không quan trọng là có bao nhiêu người đang trải qua chuyện đó, quan trọng là bạn biết chuyện đó có đang xảy ra với mình không. Nếu có thì hãy thay đổi ngay lối sống của mình, đừng để mình bị cuốn đi rồi "sao cũng được", đừng vô tâm với chính bản thân mình.

Giảng viên Search Inside Yourself người Việt đầu tiên: “Ở Việt Nam, người đi làm không được dạy tư duy độc lập nên khi phải đưa ra một quyết định, họ rất sợ chịu trách nhiệm” - Ảnh 9.

Là một chuyên gia về thiền ứng dụng, chị có thể nhắn gửi đôi lời tới các bạn trẻ, về cách thải độc tâm hồn, về cách sống tích cực được không?

Thiền thực sự đem lại những ích lợi tuyệt vời cho cuộc sống của tôi nên tôi hi vọng có thể gieo duyên để các bạn tiếp xúc với phương pháp khoa học và không tôn giáo này. Ví dụ trong thiền tỉnh thức (tiếng Anh là Mindfulness) có thực hành lòng biết ơn rất bổ ích cho tất cả mọi người. Bạn có thể thực hành lòng biết ơn bằng nhiều cách.

Ví dụ mỗi sáng thức dậy, ngay khi bạn mở mắt ra, hãy bắt đầu với ý nghĩ rằng mình còn sống và khỏe mạnh, và những người mình yêu thương cũng vậy, thế là bạn hãy mỉm cười biết ơn cuộc đời. Dù hôm qua có chuyện gì xảy ra thì hôm nay cũng là một ngày mới để bắt đầu mọi thứ theo cách mình mong muốn. Rồi bạn đi tập thể dục cho cơ thể khoẻ khoắn hay đi ngồi thiền cho tâm trí sáng tỏ, thế là bạn sẽ sẵn sàng bước vào một ngày mới với nguồn năng lượng tích cực.

Cuộc sống mang lại cho ta rất nhiều điều tốt đẹp mà hầu hết chúng ta lãng quên… Ta không thể cứ thải độc bằng cách đi spa hay đi du lịch, mà ở trong từng khoảnh khắc, hãy có ý thức về cuộc sống và khởi lên trong mình lòng biết ơn, dù là biết ơn sự thất bại đem lại cho mình bài học, hay đau khổ giúp mình trưởng thành hơn. Khi tâm mình có lòng biết ơn, chất độc tâm hồn tự biến mất và thay vào đó là lòng yêu thương, thái độ trân trọng những gì mình đang có, nhờ vậy bạn sẽ dễ dàng vượt qua mọi khó khăn.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Huyền Trang – Ninh Linh
Duy Anh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ


Trí Thức Trẻ