Làm thế nào để khiến sếp nể phục nhân viên?
Lãnh đạo luôn khiến nhân viên nể phục nhờ khả năng của họ, nhưng đôi khi người làm sếp cũng phải nể nhân viên để họ phát huy hết khả năng của mình.
Chúng ta ai cũng muốn có giá trị hoặc đơn giản là được người khác công nhận giá trị bản thân. Điều này đặc biệt đúng ở chốn công sở. Thế nhưng, để có được giá trị, sự nể phục đó bạn phải nỗ lực để có được nó. Cho dù mới vào công ty hay đã làm việc với sếp cả chục năm rồi, đâu là thứ khiến sếp tôn trọng những gì bạn làm? Bạn sử dụng cách nào để xây dựng lòng tin?
Một thống kê từ đại học Harvard cho thấy thứ mà nhân viên muốn nhất ở sếp chính là sự nể phục. Nếu không có cảm giác được nể phục, chẳng ai muốn cống hiến hết mình cho công việc cả.
Thêm vào đó, sự nể phục từ sếp cũng có nhiều cấp độ, từ một người đáng chú ý, tới một nhân viên xứng đáng nhận công việc khó... cao cấp nhất vẫn là một nhân viên đủ tin cậy để sếp có thể đầu tư, con át chủ bài hay cánh tay phải đắc lực mà những người lãnh đạo luôn cần. Muốn có được sự nể phục từ sếp là một chuyện, lấy được nó hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Vậy, làm thế nào để được sếp nể? Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng nó với chính mình.
Thể hiện rõ trách nhiệm bản thân
Tất nhiên, bước đầu để được sếp nể, bạn phải làm tốt công việc của mình và biết mình đang làm gì trong tập thể. Nếu mới đi làm cho một công ty, hãy cứ hỏi sếp những gì mình cần và cố gắng học tập thật nhanh kiến thức mới để họ nhìn thấy năng lực của bạn.
Học tập nhanh là yếu tố được những người làm lãnh đạo rất ưa chuộng. Kể cả khi bạn đã làm việc trong một công ty lâu năm, đôi khi thể hiện lại tính cách này cũng là điều có lợi. Các công ty thay đổi từng ngày, kiến thức mới luôn xuất hiện, nếu bắt kịp nó không những sếp bạn thấy nể mà cả những đồng nghiệp khác cũng phải phục bạn sát đất.
Thích nghi
Cũng giống như làm bạn, chơi thân với ai đó, để được sếp nể phục bạn phải tạo được mối quan hệ, kết nối với sếp. Hãy hỏi người đó xem họ thích liên lạc, làm việc thông qua phương tiện nào? Cho dù nó là email, tin nhắn, điện thoại hay thư tay... hãy thích nghi với nó và liên lạc thường xuyên với sếp. Tất nhiên nội dung liên quan tới công việc rồi.
Làm cho sếp hiểu góc nhìn, cách thức làm việc cũng như tính cách của bạn sẽ giúp họ xác định tốt hơn bạn là nhân viên tốt hay không tốt. Cộng thêm với những thứ bạn đã làm được, nó chắc chắn sẽ là một bước tiếp theo trong chặng đường khiến sếp nể bạn.
Quan sát và đồng cảm
Bạn phải hiểu những gì sếp quan tâm nhất trong công việc. Hãy xem cách họ ưu tiên các vấn đề, giả sử họ có sở thích gặp khách hàng trước khi làm giấy tờ hay gì đó tùy thuộc vào công việc bạn đang làm... đó chính là những gì bạn nên thực hiện theo. Đây không phải là sao chép, nịnh nọt hay gì cả, nó là một cách thức đồng cảm bạn nên thực hiện để sếp thấy được bản thân họ trong bạn.
Nhiệm vụ của bạn không phải là đóng vai sếp, cố trở thành sếp mà bạn cần hiểu những gì người đó đang làm, đang trải qua, đồng cảm với họ.
Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp
Người lãnh đạo nào cũng muốn có một nhân viên hòa đồng, đối xử tốt với những người khác. Chúng ta không còn là học sinh tiểu học nữa để mà vừa đi làm và vừa tranh cãi vì mấy chuyển nhỏ nhặt.
Thêm vào đó, khả năng lớn là bạn đang phải làm việc theo nhóm hoặc với những người khác, nếu không thể hòa hợp được với tập thể, bạn sẽ chẳng thể nào giữ nổi việc chứ đừng nói là được sếp nể phục.
Bất đồng (theo một cách lịch sự)
Tránh né những sai lầm của sếp, cho rằng họ luôn đúng không phải cách để bạn có được sự nể phục. Bạn chỉ đang tỏ ra sợ hãi hoặc nịnh nọt mà thôi. Bất kì người lãnh đạo nào cũng muốn nghe phản hồi từ phía nhân viên. Sau cùng, giải pháp toàn diện mới là thứ họ cần chứ không phải được người khác nịnh nọt và luôn cho mọi thứ sếp làm là đúng.
Vì không trực tiếp triển khai không việc, thế nên nhiều thứ sếp nói không hợp lý với hoàn cảnh. Giả dụ như sếp yêu cầu bạn thống kê sổ sách cả năm chỉ trong 1 ngày, nếu không có những bất đồng, bạn sẽ là người chịu thiệt.
Thế nhưng, bất đồng cũng phải có cách thức, hãy thực hiện nó ở nơi sếp giữ được thể diện (nếu họ sai) và thực hiện nó theo một cách lịch sự.
Hãy hỏi sếp về những gì mình đã làm
Đa phần những người làm lãnh đạo sẽ chẳng quan tâm tới những cá nhân cố gắng, nỗ lực ra sao. Họ chỉ có thời gian xem bức hình tổng thể, nỗ lực của cả nhóm. Để sếp thấy được mình đã làm những gì, đừng ngại hỏi họ xem những thứ bạn đã làm có tốt không. Biết đâu họ sẽ cho bạn biết cách thức làm tốt hơn, hoặc không họ sẽ nhìn thấy được những gì bạn đã làm, những cố gắng của bạn.
Hãy hỏi sếp dưới dạng "sếp nghĩ sao về những thứ tôi đã làm?", "tôi có thể làm được hơn những gì trong tình huống này"...