Làm đồng nào 'xào' đồng đó, đến khi gánh nợ 300 triệu đồng, cô gái trẻ mới biết: 7 CÁCH CHI TIÊU để làm chủ cuộc sống

29/05/2024 16:50 PM | Sống

Với D., tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, chứ không phải chắt bóp, ăn không dám ăn, tiêu không tiêu.

Ngày nay, không ít người trẻ chọn lối sống "You Only Live Once" (Bạn chỉ sống một lần). Đây là khái niệm thể hiện sự sống hết mình, tận hưởng cuộc sống ở khoảnh khắc hiện tại. Họ sẵn sàng chi tiền để đầu tư cho các thú vui, sở thích cá nhân, trải nghiệm, chăm sóc sức khoẻ,...

Lối sống này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cùng với sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây nên người trẻ mong muốn trải nghiệm nhiều hơn là tích trữ cho tương lai như các thế hệ trước. Như câu chuyện của một cô gái trẻ, tạm gọi là D., mới đây đã đăng trên nhóm "Vén khéo". 

Cô nàng chia sẻ, khi hơn 20 tuổi - thời điểm mới ra trường, D. cũng như phần đông bạn trẻ có quan điểm sống YOLO - "You Only Live Once". Vì thế, lương tháng nào cô cũng "xào" hết tháng đó, có lúc chưa hết tháng đã hết tiền.

D. cho biết, cô chỉ thực sự nghiêm túc tiết kiệm tiền khi gánh trách nhiệm trả khoản nợ 300 triệu đồng (vay ngân hàng để đi du học Nhật Bản). Cô cũng suýt không có khả năng trả nợ do không gia hạn visa Nhật Bản nhưng may sau đó, mọi chuyện suôn sẻ. Thời điểm đó, cô bắt đầu lao vào kiếm tiền và chú trọng tiết kiệ,. 

D. tâm sự: "Thời điểm trả nợ, tiết kiệm, mình đúng nghĩa là cày bục mặt, chắt bóp, dè xẻn để cố gắng trả nợ sớm nhất có thể. Còn ở thời điểm này, định nghĩa tiết kiệm là chi tiêu đúng, chi tiêu để đầu tư chứ không phải là dám tiêu, tiêu cái gì không xót tiền". 

Dưới đây là cách mà cô gái trẻ đã đúc kết được về vấn đề tài chính sau tuổi 30. 

Làm đồng nào 'xào' đồng đó, đến khi gánh nợ 300 triệu đồng, cô gái trẻ mới biết: 7 CÁCH CHI TIÊU để làm chủ cuộc sống- Ảnh 1.

1. Luôn ghi chép thu chi đầy đủ

D. cố gắng duy trì ghi chép đã được 4 năm nay. Tuy nhiên, cô không ghi chép tỉ mỉ vì sẽ gây mất thời gian. Với cô, thời gian cũng chính là tài sản, không thể tiêu tốn vào những việc vụn vặt. Cách của cô là:

- Tiền nhà, phí chung cư, điện nước, tiền học của con,... thanh toán rồi ghi chép một thể.

- Tiền ăn, tiền mua sắm đồ dùng gia đình, chi tiêu lặt vặt,... sẽ khoán sẵn một khoản tách riêng để tiêu đến cuối tháng. 

- Tiền bảo hiểm đóng theo năm được trích từ mỗi tháng để bỏ vào tài khoản riêng cất đi. Khi nào đủ tiền, cô sẽ đóng bảo hiểm. 

 Như vậy việc ghi chép sẽ nhanh gọn hơn, không bị bỏ sót, giúp cô đánh giá được sức khỏe tài chính của gia đình, điều chỉnh lại thu chi cho hợp lý để sớm đạt được kế hoạch trong tương lai (mua nhà, mua xe, đóng tiền học theo năm khi con vào lớp 1,...).

 2. Tận dụng tiêu dùng bằng thẻ tín dụng

 D. chia sẻ: "Với nhiều người, thẻ tín dụng khá nguy hiểm vì nếu không cẩn thận sẽ trở thành con nợ. Còn với mình mình thì do đã tìm hiểu kĩ, tận dụng mua sắm, đóng phí bảo hiểm bằng thẻ tín dụng để được hoàn phí nên mọi thứ trong tầm kiểm soát. 

Mình có 2 thẻ, một thẻ chỉ để đóng phí bảo hiểm cho gia đình, một thẻ chỉ để mua sắm đồ dùng trên sàn thương mại. Một năm số tiền hoàn cũng được 8 – 10 triệu đồng".

3. Đầu tư trong vòng tròn hiểu biết

 Có tiền tiết kiệm mà để nằm im trong két sắt thì cũng chỉ là tiền chết. Do đó D. sẽ đem đi đầu tư để sinh lời. Tuy nhiên, cô không ham hố đầu tư lãi suất cao nếu như không hiểu biết về kênh đầu tư đó. "Mình rất thích khái niệm 'vòng tròn hiểu biết của Warren Buffett. Ông chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà ông hiểu tường tận về nó nhất'

Cách đây 3 năm, khi mình còn khá nhiều thời gian rảnh, mình có thể nghiên cứu thị trường chứng khoán thì mình có bỏ một khoản nhỏ vào kênh này. Còn bây giờ, mình quá bận, thì mình chuyển sang bỏ đều đặn vào quỹ ETF, gửi vào Tikop. Tuy khả năng sinh lời không cao, nhưng mình hiểu về các kênh này, cũng như an tâm vì nó an toàn", cô gái trẻ bật mí. 

Làm đồng nào 'xào' đồng đó, đến khi gánh nợ 300 triệu đồng, cô gái trẻ mới biết: 7 CÁCH CHI TIÊU để làm chủ cuộc sống- Ảnh 2.

4. Thực hiện lối sống tối giản

D. vẫn mua sắm quần áo, đồ dùng khi cần thiết, để đầu tư cho công việc hay cuộc sống. Nhưng cô sẽ không mua sắm theo cảm xúc, không mua tràn lan khi không có nhu cầu.

Về quần áo, cô gái trẻ sẽ chọn những kiểu thiết kế, màu sắc bassic, vừa dễ kết hợp, vừa không nhanh lỗi mốt. Đặc biệt, cô thường chọn mua đồ chất liệu tốt để dùng bền lâu, như vậy mới chính là tiết kiệm, lại góp phần giảm lượng thải rác ra môi trường.

Đồ ăn, thức uống cũng được D. mua vừa đủ, không mua thừa thãi đổ đi gây lãng phí. Cô còn cố gắng nấu ăn tại nhà để đảm bảo chất lượng. Cả gia đình chỉ ra hàng quán ăn một lần để thay đổi không khí.

"Nhà mình cũng rất ít đồ dùng. Mình chỉ mua sắm những đồ dùng mà gia đình thực sự dùng tới. Ví dụ như tivi, nhà mình không mua, đơn giản vì vợ chồng mình không xem tivi nhiều, cũng như đỡ phát sinh việc con đòi xem. Nhà ít đồ cũng dễ dọn dẹp, ít tích tụ bụi bẩn, nếu chuyển nhà cũng nhanh gọn nhẹ hơn", D. cho biết. 

5. Tận dụng các chương trình sale

 Cô cho biết, bản thân chủ yếu mua sắm trên sàn thương mại điện tử, và thường hàng tháng đều có chương trình sale. D.  sẽ lên danh sách những đồ dùng cần mua sắm và bỏ vào giỏ hàng, tới ngày sale mua một thể. Số tiền được giảm giá cũng kha khá, lại có voucher miễn hoặc giảm chi phí vận chuyển. 

Thêm nữa là việc mua hàng có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, cô sẽ được hoàn tiền như lợi ích đã nhắc ở phần trên. 

Làm đồng nào 'xào' đồng đó, đến khi gánh nợ 300 triệu đồng, cô gái trẻ mới biết: 7 CÁCH CHI TIÊU để làm chủ cuộc sống- Ảnh 3.

6. Tránh chốt nóng

Cô gái trẻ nhiều lúc cũng gắp khó khăn trong việc chi tiêu: "Mình cũng là con người! Có lúc mình cũng rất dễ mua sắm theo cảm xúc. Do đó, mình sẽ cố gắng không mua ngay, mà bỏ vào giỏ hàng, 1-2 ngày sau xem lại để có thể dùng lý trí để quyết định có nên mua hay không. Cái này mình khắc phục được 80%, còn 20% thì đôi khi vẫn bị chốt nóng". 

7. Trang bị bảo hiểm

D. đã mua bảo hiểm từ năm 2020 trước khi trở thành một tư vấn viên bảo hiểm. Cô mua đúng với ý nghĩa để bảo vệ tài sản của gia đình, nhỡ ốm đau thì có bảo hiểm trả hay chẳng may qua đời, con cái sẽ có khoản để duy trì cuộc sống bình thường. 

"Rủi ro ít xảy ra nhưng xảy ra rồi thì như lỗ đen hút sạch số tiền mà mình vất vả kiếm được. Như người bạn thân của mình, chồng không may bị K, và lỗ đen này đang hút gần trọn căn chung cư 4 ngủ của gia đình bạn ấy", D. kể. 

Với D., tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, chứ không phải chắt bóp, ăn không dám ăn, tiêu không tiêu. Ngoài ra, chỉ tiết kiệm thôi là chưa đủ, D. cho rằng, mỗi chúng ta cần phải biết tăng thu nhập để sớm đạt được các kế hoạch tài chính. 

Nguồn: Group "Vén khéo" 


Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM