Đây là lý do khiến Fed chùn chân không dám nâng lãi suất trong tháng 6

06/06/2016 08:22 AM | Kinh tế vĩ mô

Fed có thể buộc phải lùi lại kế hoạch tăng tỉ lệ lãi suất trong cuộc họp tháng 6 này vì mối lo ngại gia tăng về những tác động kinh tế của Brexit.

Căn nguyên vấn đề nằm ở Brexit, cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rút lui khỏi EU tại Vương quốc Anh, nền kinh tế lớn thứ hai tại châu Âu và là trung tâm tài chính của không chỉ châu Âu mà là cả thế giới.

Rủi ro địa chính trị này có thể làm trì hoãn bất kỳ biện pháp tăng lãi suất nào ít nhất cho đến tháng 7 cho dù giới quan chức Fed nhất trí cho rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ cải thiện và các số liệu việc làm trong xu thế tăng là những yếu tố đảm bảo cho giải pháp tăng lãi suất.

Cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ diễn ra vào hai ngày 14-15/6, chỉ một tuần trước cuộc trưng cầu Brexit vào ngày 23/6. Trong trường hợp Anh biểu quyết "ra đi”, các thị trường tài chính chắc chắn sẽ xáo trộn và hệ quả là các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn đồng thời hỗ trợ đồng USD tăng giá.

Sự ổn định gần đây của đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến Fed cảm thấy phương án tăng lãi suất trở nên "an toàn” hơn, song có nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ muốn để mối đe doạ Brexit qua đi trước khi có thắt chặt các điều kiện tài chính.

Thống đốc trong ban điều hành Fed, ông Daniel Tarullo, vào đầu tháng này cũng đồng tình với những ý kiến bày tỏ quan ngại về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Ông cho hãng tin Bloomberg biết rằng Brexit có thể là "yếu tố” mà ông sẽ cân nhắc tại cuộc họp Fed sắp tới vì những tác động của cuộc trưng cầu dân ý này đến các thị trường.

Kết quả cuộc điều tra gần đây nhất cho thấy số lượng các cử tri Anh ủng hộ "ra đi” và "ở lại” EU là ngang bằng nhau.

Cho đến thời điểm Fed tiến hành cuộc họp vào các ngày 14-15/6, sẽ có ít nhất bốn trong năm thống đốc ở Washington sẽ phải bày tỏ quan điểm của mình về triển vọng lãi suất. Đặc biệt, phát biểu của Chủ tịch Ban Thống đốc Fed Janet Yellen tại Philadelphia vào tuần tới sẽ thu hút nhiều sự chú ý.

Tại cuộc họp giữa tháng này, các quan chức Fed sẽ đưa ra những dự đoán kinh tế mới nhất cùng với tuyên bố về chính sách, còn bà Yellen sẽ chủ trì họp báo sau cuộc họp FOMC.

Thống đốc Ban Điều hành Fed Jerome Powell nhận định: "Theo tôi, tăng trưởng kinh Anh và Mỹ đều có khả năng chịu thiệt hại. Tôi cho rằng cuộc bỏ phiếu Brexit tới sẽ là yếu tố khiến Fed cần thận trọng với phương án tăng lãi suất”.

Các cuộc họp kín tại khắp châu Âu cũng cho thấy những quan ngại về ảnh hưởng của trưng cầu dân ý mà Thủ tướng Anh David Cameron gọi là "một hành động liều lĩnh mạo hiểm” cũng như về những gì có thể xảy ra nếu Anh ở lại.

Nếu Anh tiếp tục ở lại EU, kết quả này có thể dẫn tới tình trạng tiếp tục ẩu đả trong đảng bảo thủ đang cầm quyền và gây bất ổn cho những chiến thuật của Anh với phần còn lại của EU.

Còn theo ông Jon Faust, một cựu quan chức Fed và hiện nay là giáo sư kinh tế tại trường đại học Johns Hopkins, chờ đợi "hoãn binh” vì cuộc bỏ phiếu Brexit là "không sáng suốt”.

Nhất trí phải thận trọng

Ngoại trừ một số ý kiến đối lập, các chủ tịch ngân hàng Fed cấp vùng cùng quan điểm cho rằng cuộc bỏ phiếu Brexit có thể ngăn cản khả năng tăng tỉ lệ lãi suất vào tháng 6.

Đây là cản trở duy nhất đối với những nỗ lực trong hai năm qua của Fed nhằm bình thường hoá chính sách tiền tệ Mỹ sau khi hạ tỉ lệ lãi suất mạnh trong thời kỳ kinh tế suy thoái kéo dài.

Năm 2014, giá dầu giảm và đồng USD tăng giá nhanh đã gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Mỹ và đẩy tỉ lệ lạm phát xuống mức thấp.

Năm 2015, kinh tế Trung Quốc bất ngờ suy thoái cùng với tình trạng bất ổn ở châu Âu và Nhật đã gây nên biến động trên thị trường toàn cầu và dấy lên mối lo ngại rộng hơn về nguy cơ kinh tế thế giới đình trệ. Khung cảnh "đáng buồn" đó đã buộc Fed phải "án binh bất động” cho đến tháng 12 năm ngoái.

Hiện nay, ngoài yếu tố Brexit, triển vọng sớm tăng tỉ lệ lãi suất tại Mỹ dường như hội tụ đủ yếu tố cần thiết. Tỉ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới này giảm xuống mức 5% trong tháng 4. Tỉ lệ lạm phát có dấu hiệu cải thiện bởi giá dầu hồi phục và sự tăng giá của đồng USD chững lại. Sự đình trệ trong tăng trưởng trong một vài tháng qua chỉ là nhất thời bởi chi tiêu tiêu dùng và thị trường nhà cửa có dấu hiệu tăng.

Mặc dù ảnh hưởng của việc Anh biểu quyết rời EU là chưa rõ ràng, song theo dự đoán kết quả này có thể dẫn tới đồng USD tăng giá và gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ cũng như tăng sức ép đối với tỉ lệ lạm phát tại Mỹ mà theo đánh giá Fed hiện vẫn ở mức quá thấp.

Nếu Fed thực sự bỏ qua phương án tăng tỉ lệ lãi suất trong tháng 6, thì theo các quan chức Fed, tổ chức này sẽ sẵn sàng hành động trong tháng 7.

Biên bản cuộc họp chính sách Fed vào tháng 3/2016 cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang chuẩn bị đầy đủ cơ sở để tăng tỉ lệ lãi suất trong mùa hè năm nay. Sau cuộc họp tháng 7, một cơ hội khác có thể tăng lãi suất là cuộc họp vào tháng 9, thời điểm giữa cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ và Fed và người đứng đầu Yellen có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tranh luận.

Nếu không tăng tháng 6 thì sẽ là tăng trong tháng 7

4 trong 12 chủ tịch ngân hàng khu vực của Fed đã đề nghị tăng tỉ lệ lãi suất đối vốn vay ngắn hạn dành cho các ngân hàng thương mại. Đây là cơ sở để có thể nói rằng tỉ lệ lãi suất mục tiêu cần được tăng lên.

Nếu ban điều hành Fed trì hoãn tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 thì bà Yellen sẽ phải đối mặt với thách thức cam co trong việc giải thích vì sao các yếu tố toàn cầu lại một lần nữa "lấn át" các số liệu kinh tế trong nước khi mà các quan chức Fed đã cố gắng thuyết phục công chúng tin rằng các quyết định của mình được đưa ra căn cứ vào số liệu kinh tế.

Theo các nhà kinh tế, để xử lý tình huống "khó nói” này bà Yellen có thể sẽ đề cao thoả thuận của các quan chức Fed về phương án tăng tỉ lệ lãi suất dần dần trong thời gian vài năm tới đồng thời nhấn mạnh rằng tỉ lệ lạm phát thấp có nghĩa là không cần khẩn cấp tức thì tăng tỉ lệ lãi suất đặc biệt trước thời điểm diễn ra một sự kiện thế giới mang đầy kịch tính như vậy.

Hai nhà kinh tế Michelle Girard và Kevin Cummins thuộc Công ty RBS cùng quan điểm cho rằng: "Thậm chí nếu Brexit có thể là kết quả chưa chắc xảy ra, chúng tôi cho rằng bà chủ tịch Fed vốn cực kỳ cẩn trọng có thể thấy cái giá cho việc chờ đợi thêm bảy tuần nữa mới hành động là khá nhỏ nhoi”.

Theo Xuân Hương

Cùng chuyên mục
XEM