Kỹ sư xây dựng có thương hiệu và lương cao rẽ ngang sang chứng khoán: "Môi giới khoe mẽ nhà, xe, khoe lãi là xưa rồi"

30/05/2022 15:02 PM | Kinh doanh

"Năm 2021 đến nay mọi người đã chứng khiến một cơn sốt về chứng khoán, môi giới chứng khoán cũng được hưởng lợi rất nhiều nên thu nhập rất cao trên 100 triệu đồng/tháng là chuyện nhiều môi giới đạt được. Từ đó nhiều môi giới đã sử dụng phương thức "lấy tài sản vật chất" tạo vị thế cho bản thân mình".

Từ một kỹ sư xây dựng có thương hiệu cá nhân, anh Trương Thanh Toàn bất ngờ rẽ ngang sang nghề môi giới chứng khoán. Hiện anh đã lên chức Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VPS.

Từ kĩ sư xây dựng rẽ ngang sang nghề môi giới chứng khoán ở độ tuổi không còn trẻ

Xin chào anh, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề chứng khoán. Điều gì khiến anh bị thu hút bởi thị trường chứng khoán và đam mê nó như vậy?

Anh Trương Thanh Toàn: Trước đây mình vốn là dân kỹ sư xây dựng có khoảng 12 năm công tác, mình đã mở tài khoản chứng khoán đầu tư từ năm 2011. Thời điểm mình xin chuyển sang làm tư vấn đầu tư chứng khoán thuộc khối tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán VPS, mình đã có thương hiệu và vị trí quản lý tương đối tốt trong ngành xây dựng, chuyên đi triển khai các dự án lớn với mức lương khá tốt ở thời điểm năm 2018.

Tuy nhiên, đặc thù nghề xây dựng thường phải rời xa gia đình, xa nhà xa vợ con thời gian dài, con chim bay hoài cũng mỏi cánh, nên mình muốn thay đổi, hơn nữa bản thân luôn khát khao được tự do tài chính, mình đã đăng ký học nhiều lớp về tài chính đầu tư, sau một thời gian tiếp cận đầu tư, mình nhận thấy rằng thị trường tài chính chứng khoán là một kênh đầu tư cho phép nhà đầu tư có thể chọn doanh nghiệp tốt tích sản cổ phiếu và cho mức sinh lời khá hấp dẫn. Một lĩnh vực cực kỳ thú vị với các thử thách về tâm lý, trí tuệ và khả năng phân tích độc lập của bản thân.

Mình bắt đầu bỏ thời gian để nghiên cứu chuyên sâu và đầu tư với số vốn lớn hơn, càng nghiên cứu mình lại càng đam mê. Và mình đã quyết định chuyển đổi nghề, xin việc ở công ty chứng khoán bắt đầu ở độ tuổi đã không còn trẻ và đây cũng là lần đầu tiên mình đi xin việc (ngành nghề trước đây đa phần mình được giới thiệu về làm). Vì chưa có kinh nghiệm, nên chỉ được công ty chứng khoán nhận việc với vị trí cộng tác viên tháng 6/2018.

Chắc có lẽ là duyên đến, nghề chọn người, với sự nỗ lực quyết tâm của bản thân và môi trường làm việc chuyên nghiệp của VPS, ban lãnh đạo luôn hỗ trợ, có chính sách đãi ngộ dành cho nhân sự tư vấn đầu tư cao nhất thị trường hiện nay đạt 86% và chính nhờ có những cơ chế mà tôi đã tuyển dụng và phấn đấu một cách nhanh chóng như vậy.

Nhìn lại chặng đường nhiều năm tham gia thị trường, anh thấy mình được và mất gì? Anh có thể tiết lộ tài khoản của anh đã tăng bao nhiêu lần kể từ khi tham gia thị trường đến nay không, các thương vụ anh đầu tư lời/lỗ lớn nhất?

Anh Trương Thanh Toàn: Mình được nhiều nhất chắc chắn là kiến thức, tầm nhìn về vĩ mô, thấy được sự vận động của thị trường và xây dựng cho mình một tư duy đầu tư. Thứ 2 hẳn là rèn luyện được bản tính kiên định, hiểu về cổ phiếu mình đang nắm và kiên định với nó. Thứ 3, đó là các mối quan hệ tốt đến từ đồng nghiệp và khách hàng, có những khách hàng đã cùng mình vượt qua những lúc mình khó khăn và bế tắc nhất đến những giây phút thăng hoa của thị trường họ đã trở thành những người anh em tốt, những người bạn tâm giao. Thứ 4, mình đã xây dựng được những cộng đồng đầu tư, với mục tiêu mang lại các giá trị chia sẽ nhiều hơn các phương pháp đầu tư đến cộng đồng với mong muốn các nhà đầu tư không xem cổ phiếu là một dạng đầu cơ mà hãy xem nó một dạng tài sản.

Tiết lộ tài khoản tăng bao nhiêu lần, có cổ phiếu mình đầu tư đã tăng x5 lần. Còn khoản thua lỗ lớn nhất là đầu năm 2018, mình đã đầu tư cổ phiếu VPB, giá cổ phiếu giảm sâu lúc mình cắt lỗ thì đã rơi 10 giá so với giá mua, tài khoản mất hơn 500 triệu đồng -khoản tiền cũng rất lớn đối với mình vào thời điểm đó. Nhưng mình xem thua lỗ là một phần trên con đường đầu tư, và chấp nhận nó, cũng rút ra được bài học giá trị cho bản thân để không vấp phải trường hợp tương tự sau này.

Áp lực nghề môi giới: Nhiều tháng chỉ ngủ 3-4 giờ mỗi ngày

Nghề tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán có chịu nhiều áp lực không anh, đặc biệt khi thị trường chứng khoán lao dốc vừa qua?

Anh Trương Thanh Toàn: Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng có áp lực riêng, nghề môi giới chứng khoán cũng không là ngoại lệ, nghề môi giới chứng khoán là nghề có tính đặc thù về mặt cảm xúc. Bạn có thể thăng hoa khi thị trường lên và cảm thấy áp lực nặng nề khi thị trường xuống. Thấy vui khi tài khoản khách hàng lời, lo lắng khi tài khoản khách hàng âm, nếu không có tinh thần thép dễ bị cảm xúc tiêu cực từ khách hàng dẫn dắt khó trụ nổi với nghề, nghề tài chính gắn với tiền bạc, tiền là "bạc" sẽ có những lúc bản thân sẽ cảm thấy cô độc khó giữ thăng bằng trong cuộc sống. Ngoài ra, khi thị trường tăng, doanh số sẽ đẩy lên hoạt động đầu tư môi giới cũng sinh lãi, nhưng khi chu kỳ thuận lợi đi qua thì nghề môi giới phải đối mặt với nguy cơ đào thải rất cao, chịu áp lực cạnh tranh lớn.

Ngày vào nghề môi giới mình gặp rất nhiều khó khăn, vì công việc trước đây của mình là kỹ sư xây dựng, không có nhiều kinh nghiệm, chỉ có kinh nghiệm đầu tư cho tài khoản của mình, còn tư vấn cho nhiều nhà đầu tư là một chuyện vô cùng khó, bản thân vừa tìm kiếm khách hàng vừa xây dựng cho mình hệ thống kiến thức, khi đó trong nhiều tháng đầu tiên một ngày mình có khi chỉ ngủ 3-4 tiếng. Ngày đó, khách hàng toàn phải ký hợp đồng giấy không phải đăng ký online dễ dàng như bây giờ, mình đã in sẵn rất nhiều hợp đồng giấy để sẵn, chỉ cần khách hàng nào đồng ý gặp lắng nghe thì mình đều không quản ngại khó khăn để gặp, có những ngày mình đã chạy 1 ngày 60 – 70 km, lòng vòng Sài Gòn để hẹn gặp khách hàng. Tuy nhiên, rất nhanh mình đã nắm được nhịp thị trường với một số lượng khách hàng tiềm năng cùng tư duy đầu tư thì khó khăn đã giảm đi rất nhiều.

Kỹ sư xây dựng có thương hiệu và lương cao rẽ ngang sang chứng khoán: Môi giới khoe mẽ nhà, xe, khoe lãi là xưa rồi - Ảnh 1.

Thời gian đầu mới chuyển nghề anh Toàn chỉ được ngủ 3-4 giờ mỗi đêm

Anh đã phát triển nghề môi giới như thế nào? Có thể tiết lộ thu nhập của nghề mang lại cho anh được không?

Anh Trương Thanh Toàn: "Muốn làm ra tiền thì phải tạo ra giá trị" đây là cách mình phát triển nghề môi giới. Hiện tại sức mạnh của social media là vô cùng lớn, thông qua đó mình có thể tạo dựng thương hiệu thể hiện tư duy đầu tư của cá nhân, xây dựng cộng đồng. Khi có sự tương đồng về quan điểm giữa nhà đầu tư cá nhân và môi giới thì họ sẽ tìm tới và trở thành khách hàng của mình. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào đến với mình cũng vì tương đồng quan điểm có những khách hàng đến với mình vì lịch sử tư vấn từng có các mã cổ phiếu x2, x3 tài khoản mà không biết rằng để được kết quả như vậy cần có khoảng thời gian kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu lâu dài chịu được nhiệt dưới sức ép từ thị trường, vào các thời điểm đó việc mình cung cấp thông tin phân tích liên quan đến công ty, đào tạo kiến thức, nắn lại tư duy đầu tư vào cùng với phương pháp đầu tư của mình là rất quan trọng.

Mình đầu tư cổ phiếu nào thì mình tư vấn khách hàng cổ phiếu đó. Năm 2021 là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán nên thu nhập của môi giới nói chung và mình nói riêng là tốt so với nhiều ngành nghề khác.

Nghề môi giới thu nhập 100 triệu đồng/tháng là rất bình thường

Anh nghĩ sao về việc những nhà tư vấn đầu tư khoe xe hơi, đồng hồ hàng hiệu, chốt mua đất, mua nhà… Đó có phải là vẻ hào nhoáng của nghề môi giới mà ít người hiểu được áp lực bên trong. Anh có thể chia sẻ về việc vì sao nhiều môi giới làm như vậy không?

Trương Thanh Toàn: Năm 2021 đến nay mọi người đã chứng khiến một cơn sốt về chứng khoán, môi giới chứng khoán cũng được hưởng lợi rất nhiều nên thu nhập rất cao trên 100 triệu đồng/tháng là chuyện nhiều môi giới đạt được. Từ đó nhiều môi giới đã sử dụng phương thức "lấy tài sản vật chất" tạo vị thế cho bản thân mình. Chuyện ấy, chẳng có gì xấu cả, nhất là khi rất nhiều bạn môi giới đã phải làm việc rất vất vả và áp lực để có được thành quả. Việc tự thưởng cho bản thân mình những món đồ xa xỉ cũng là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, theo mình thấy bây giờ môi giới khoe nhà, khoe xe, khoe lãi….nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng đã lỗi thời rồi. Thời bây giờ mình nên khoe kiến thức, kỹ năng… như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Môi giới, nhà đầu tư phải hiểu rằng "nước bẩn cá sẽ chết" chứ không phải "nước trong quá thì không có cá"

Gần đây thị trường biến động mạnh khắp các room môi giới hô hào bán hết, là một nhà môi giới anh sẽ hành động thế nào trong mỗi đợt bán tháo của thị trường?

Ông Trương Thanh Toàn: Trong một con sóng uptrend việc thị trường điều chỉnh là hết sức bình thường như các năm trước năm nào cũng có nhịp điều chỉnh, mỗi lần điều chỉnh có thể giảm 15% - 20%. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên trong năm 2022, tuy nhiên về dài hạn thị trường vẫn tăng, Doanh nghiệp tốt cổ phiếu sau đó vẫn sẽ tăng giá, sóng sau xô sóng trước. Đối với nhà đầu tư khi thị trường điều chỉnh sẽ có 3 dạng tâm lý: Nhà đầu tư dài hạn đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ đón nhận việc này với tâm lý thoải mái, vì họ hiểu được doanh nghiệp mà họ đang nắm giữ, cổ phiếu giảm về định giá thấp lại là cơ hội cho nhóm này gia tăng tài sản. Dạng thứ 2 là dạng tiếc nuối do mất lãi và dạng thứ 3 là đang đau khổ do thua lỗ lỡ đu đỉnh...Vậy việc của các nhà đầu tư hãy nhìn lại xem mình đang thuộc dạng nào và tâm lý/khả năng chịu đựng của mình đến đâu để tìm ra phương pháp đầu tư hợp lý nhất cho cá nhân mình.

Hầu hết các nhà đầu tư đều dễ dàng bị lôi cuốn bởi các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, mức độ tăng giá nhanh, lướt sóng mà không quan tâm đến giá trị nội tại của doanh nghiệp theo kiểu "nước trong thì sẽ không có cá "mà không nghĩ tới rằng "nước bẩn cá sẽ chết", hậu quả sau đó rất khôn lường có khi mất toàn bộ vốn đã mang đi đầu tư.

Đối với quan điểm cá nhân của mình, chiến lược đầu tư của mình là tầm nhìn trung và dài hạn là chủ yếu, đồng hành cùng những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai, nên khi thị trường điều chỉnh là cơ hội để gia tăng nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp tốt giá hấp dẫn, hiểu rõ danh mục đầu tư và cách đi vốn là rất quan trọng, nếu danh mục mình đã có những mã cổ phiếu tốt hãy lợi dụng thời điểm này gia tăng số lượng cổ phiếu tốt đó kéo về vùng giá hấp dẫn. Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh như thế này nhà đầu tư không nên sử dụng quá nhiều margin, chủ động đưa tài khoản về tỷ lệ an toàn. Qua nhịp giảm này sẽ là cơn thức tỉnh đến các nhà đầu tư đang vẫn say mê với những cổ phiếu đầu cơ cao tăng mạnh giảm sâu suy nghĩ là có thể lướt sóng trên thị trường xem đó là vẻ đẹp hấp dẫn của chứng khoán, hoặc các nhà đầu tư mới nghĩ mua vào cổ phiếu là sẽ tăng ngay.

Kỹ sư xây dựng có thương hiệu và lương cao rẽ ngang sang chứng khoán: Môi giới khoe mẽ nhà, xe, khoe lãi là xưa rồi - Ảnh 2.

Nghề môi giới ngày càng được trẻ hoá với sự gia nhập của Gen Z

Độ tuổi nghề môi giới chứng khoán ngày càng được trẻ hoá. Anh nghĩ thế nào về xu hướng này. Là người trẻ, chưa có trải nghiệm, phải làm sao để họ có thể tư vấn tốt được cho khách hàng? Theo anh, đức tính nào của nghề môi giới là quan trọng nhất?

Anh Trương Thanh Toàn: Độ tuổi nghề môi giới chứng khoán ngày càng được trẻ hóa là một xu hướng tất yếu khi thế hệ trẻ luôn tỏ ra mạnh mẽ trong việc theo đuổi đam mê và mục tiêu tự chủ tài chính cá nhân, không ngần ngại theo đuổi ước mơ từ rất sớm. Nhiều bạn Gen Z khi còn là sinh viên đã xin vào các công ty chứng khoán thực tập để tìm hiểu sớm về tài chính.

Trẻ ưu thế là tiếp thu rất nhanh kiến thức và công nghệ khi hiện tại các công ty chứng khoán ngày càng xây dựng siêu app giao dịch và phần mềm liên tục cải tiến mới với nhiều tính năng ưu việt hỗ trợ Nhà đầu tư, hoặc rất nhiều các công ty xây dựng các data dữ liệu, các bạn trẻ thì tiếp thu và xử lý rất nhanh, nhưng cũng có nhiều bất lợi khi tuổi trẻ kinh nghiệm, trải nghiệm thực chiến chưa có nhiều, nhưng ai cũng vậy để có kinh nghiệm thì phải trải qua vấp ngã nhiều lần. Người môi giới chứng khoán cần xác định mục tiêu quan trọng nhất là mang lại lợi ích, quyền lợi cho khách hàng, cho công ty chứng khoán rồi mới đến lợi ích của mình. Về đức tính phải là người tử tế, đàng hoàng, cẩn thận, trung thực với mỗi lời tư vấn của mình vì liên quan trực tiếp đến khoản đầu tư của Khách hàng, hãy xem vốn đầu tư của khách hàng như vốn đầu tư của chính mình.

Bản thân mình vẫn cảm thấy rất tiếc vì tham gia thị trường chứng khoán hơi muộn, thế hệ gen Z đã đổ bộ vào thị trường chứng khoán. Đây có thể nói là nhóm tiềm năng với lợi thế lớn lên trong thời đại số và tính hình kinh tế xã hội năng động khiến gen Z càng có ý thức về đầu tư hơn. Hơn nữa với độ tuổi còn trẻ các bạn không ngại thử thách, sai làm lại, trả giá cũng không lớn. Cuộc đời là những phép thử, nếu không thử sao biết đúng sai.

Ngoài ra, khi tham gia chứng khoán không giới hạn số vốn việc này lại càng phù hợp với các bạn chưa có tích lũy nhiều như các bạn trẻ. Nên việc tiếp cận với đầu tư tài chính là càng sớm càng tốt sẽ rèn luyện được tư duy quản lý tài sản cho tương lai. Tuy nhiên, đừng xem thị trường là kênh cờ bạc ăn may, hãy xem việc sở hữu cổ phiếu là một dạng tài sản, tầm nhìn dài follow vào sự phát triển của doanh nghiệp, cơ hội của các bạn ấy sẽ rất lớn.

Xin cám ơn chia sẻ của anh!

Theo Anh Minh

Cùng chuyên mục
XEM