Kỷ niệm đi "bán tour" của Phó TGĐ Vietstar Airlines cùng Chủ tịch Thiên Minh Group và chuyện nút thắt ngành du lịch Việt Nam

19/04/2018 09:25 AM | Xã hội

Một gia đình giàu có người Mỹ không muốn đến Việt Nam du lịch chỉ vì thủ tục visa trong khi nhiều quốc gia láng giềng không yêu cầu thủ tục này và đó không phải là trường hợp cá biệt đối với các du khách nước ngoài giàu có.

Câu hỏi khó trả lời khi đi "bán tour" của các sếp lớn

Trong một buổi trao đổi về các vấn đề liên quan đến chính sách ngành du lịch mới đây, ông Lương Hoài Nam, Phó TGĐ của Vietstar  Airlines đã kể một kỷ niệm của ông cùng Chủ tịch Thiên Minh Group - Trần Trọng Kiên trên đất Mỹ. Lần đó, hai ông đã có dịp đi tiếp thị tour cho một gia đình giàu có ở đây.

"Họ muốn có một chuyến đi cao cấp ở châu Á", ông Nam kể.

Ông cho biết bản thân và ông Kiên đã nói về Việt Nam rất hay và hấp dẫn. Sau khi lắng nghe, ông chủ nhà chỉ đặt một vấn đề: "Tại sao tôi phải đến một nước mà có yêu cầu visa?". Vị này cũng dẫn ra thông tin nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - láng giềng của Việt Nam không đưa ra yêu cầu này.

Kỷ niệm đi bán tour của Phó TGĐ Vietstar Airlines cùng Chủ tịch Thiên Minh Group và chuyện nút thắt ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

 "Họ không thiếu vài chục USD để làm visa. Việc miễn visa giống như một thái độ chào đón, giúp khách quốc tế khỏi phải đau đầu về thủ tục", ông Nam cho biết.

Một câu chuyện khác cũng được kể lại. Tại hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam diễn ra hồi tháng 3 đã có khách đặt vấn đề họ có còn được tiếp tục miễn thị thực khi đến Việt Nam không. Tất nhiên, không có câu trả lời nào cho vị khách quốc tế đó.

Nút thắt cổ chai của ngành du lịch

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang "ngồi trên đống lửa" khi chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu (gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia) vốn là thị trường khai thác rất tiềm năng, đến hạn vào cuối tháng 6/2018.

Tầm này năm ngoái, các doanh nghiệp cũng trong trạng thái tương tự và chỉ "thở phào" khi đến giữa tháng 6, Chính phủ thông báo gia hạn dù thời gian chỉ được 1 năm, từ 1/7/2017 – 30/6/2018.

Kỷ niệm đi bán tour của Phó TGĐ Vietstar Airlines cùng Chủ tịch Thiên Minh Group và chuyện nút thắt ngành du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Năm nay, nếu không được thông qua, thiệt hại mà ngành du lịch nhận lại, là rất lớn, theo ông Trần Trọng Kiên. Nếu không gia hạn chính sách miễn thị thực trong thời gian tới, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến lượng khách đến Việt Nam từ 5 quốc gia Tây Âu, đặc biệt trong mùa hè này.

Ước tính, Việt Nam sẽ mất 20% khách từ các thị trường lớn với con số thiệt hại ngành lên đến vài trăm triệu USD. Nhưng tổn thất không dừng lại ở đó vì khi khách quốc tế hình thành thói quen không đến Việt Nam, công tác "sửa chữa" sẽ phải tốn rất nhiều năm.

Tuy nhiên, nếu được gia hạn, nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, ví dụ 1 năm như tiền lệ trước đó, sẽ là một vòng tuần hoàn.

Trên thực tế, chính sách thị thực từ lâu nay đã được xem là "nút thắt cổ chai" của ngành du lịch trong thời gian dài.

Liên tiếp, tại các hội thảo, toạ đàm, nhóm họp, các doanh nghiệp trong ngành đã ngồi lại với nhau bàn về lợi ích nếu Việt Nam có chính sách miễn thị thực với số ngày được miễn kéo dài (từ 15 – 30 ngày cho 12 nước) cùng thời gian áp dụng ổn định từ 5 – 10 năm. Tuy nhiên, đến nay, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ để đến hẹn lại lên, các doanh nghiệp lại thắc thỏm tìm cách giãi bày, như là việc gửi thư lên Thủ tướng hôm 9/3 vừa qua.

"Vấn đề về visa gặp khó, nếu quy trách nhiệm thì là đơn vị nào?" là một câu hỏi được nhiều phóng viên đặt cho các doanh nghiệp. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch không trả lời trực tiếp câu hỏi mà kể một câu chuyện.

Ông cho biết ngày 4/12/2017, tại một buổi họp do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì, Hội đồng Tư vấn Du lịch có lên tiếng về nút thắt visa.

"Lúc trình bày xong Bộ trưởng hiểu ngay vấn đề là gì và có những bức xúc tương tự doanh nghiệp", ông Chính nói. Theo đó, Bộ trưởng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao trả lời, giải thích các vấn đề liên quan đến Bộ này.

"Bộ Ngoại giao có dẫn ra vấn đề song phương visa, việc thất thu phí. Còn vấn đề thay cơ chế thực hiện miễn thị thực từng năm và kéo dài ngày lưu trú thì không thấy trả lời", ông Chính kể tiếp. Sau đó, Bộ trưởng Dũng tiếp tục hỏi Bộ Công an. Không đưa ra câu trả lời thoả mãn với vấn đề đặt ra, Bộ Công an lại bảo vấn đề visa phải chờ Bộ Ngoại giao.

"Đây là hai bộ chịu trách nhiệm chính nhưng có lẽ chưa có bộ nào nhận toàn bộ trách nhiệm cho cả câu chuyện", ông Hoàng Nhân Chính cảm thán.

Hai đề xuất của doanh nghiệp:

Đề xuất 1: Điều chỉnh chính sách thị thực

-Gia hạn miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (bao gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý) mà sẽ hết hạn ngày 30/6/2018.

-Tăng số ngày miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho 12 nước (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan)

-Cần bãi bỏ quy định "Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày

-Chương trình miễn thị thực kéo dài thành 5 năm

-Thông báo miễn thị thực trước ít nhất 6 tháng Chính sách Thị thực điện tử

-Nâng cấp trang web và cải thiện tốc độ truy cập

Đổi tên miền "evisa.xuatnhapcanh.gov.vn" thành tên miền "evisa.gov.vn" và công bố rộng rãi để khách dễ tìm kiếm

Đề xuất 2: Bổ sung chính sách thị thực

-Thêm 6 nước được miễn thị thực, bao gồm Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ

-Thêm 4 nước/lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử, bao gồm Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Sĩ và Bỉ

- Áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM