Kinh tế khó khăn, hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc ngày càng chuộng mỳ gói

25/09/2019 07:33 AM | Xã hội

Việc các ứng dụng giao đồ ăn nhanh bão hòa cũng khiến mỳ gói trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc.

Mỳ gói là một trong những mặt hàng gần như thiết yếu tại Trung Quốc. Suốt 30 năm phát triển bùng nổ, mỳ gói gắn liền với tầng lớp lao động đông đảo, thậm chí trở thành sản phẩm không thể thiếu tại mọi miền Trung Quốc.

Trong khoảng 2001-2011, doanh số của những gói mỳ chỉ có giá 0,25 USD này đã tăng 140%, đạt 43 tỷ gói/năm. Chính sự dịch chuyển của lao động miền quê lên thành thị đã làm gia tăng nhu cầu của những gói mỳ.

Năm 2011 cũng là năm lao động Trung Quốc đạt đỉnh trước khi suy giảm dần bởi lao động không còn mặn mà với các nhà máy và theo lý thuyết, doanh số mỳ gói sẽ phải giảm theo. Năm 2016, doanh số mỳ gói đã giảm 7 tỷ gói còn hãng sản xuất lớn nhất mặt hàng này cũng bị loại khỏi chỉ số Hang Seng Index.

Trớ trêu thay, doanh số loại thực phẩm rẻ tiền này bất ngờ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2019 vơi 7,5%.

Kinh tế khó khăn, hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc ngày càng chuộng mỳ gói - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là văn hóa mỳ gói đã ăn quá sâu vào tiềm thức người dân khiến chúng không thể biến mất dễ dàng. Việc thu nhập gia tăng khiến người dân dần mất hứng thú với những gói mỳ rẻ tiền nhưng các hãng sản xuất cũng nhạy bén khi cho ra mắt các sản phẩm chất lượng cao hơn nhằm bắt kịp xu hướng.

Năm 2018, khảo sát cho thấy 40% doanh thu mỳ gói đến từ phân khúc cao cấp.

Một nguyên nhân nữa khiến mỳ gói quay trở lại ngoạn mục là sự thoái trào của những ứng dụng gọi đồ ăn nhanh. Giữa thập niên 2010, các ứng dụng gọi đồ ăn nổi tiếng như Meituan Dianping nhận được lượng lớn tiền đầu tư đã cung cấp những dịch vụ đồ ăn rẻ, nhanh, cạnh tranh ác liệt với mỳ gói. Người dân bắt đầu gọi đồ hơn là nấu những gói mỳ nhạt nhẽo.

Tại thời kỳ đó, một bát bún đầy đủ đặt qua giao hàng nhanh chỉ có giá 1,25 USD và là mức chấp nhận được với những người lao động nghèo trên thành phố. Khảo sát cũng cho thấy với mỗi 1% tăng trưởng của ứng dụng gọi đồ ăn, lượng tiêu thụ mỳ gói lại giảm 0,5%. Năm 2018, khoảng 11 tỷ đơn giao hàng đồ ăn nhanh đã được lập và tương ứng với đó là một số lượng khá lớn mỳ gói bị bỏ xó.

Tuy nhiên, tương tự như những startup khác, các ứng dụng giao đồ ăn nhanh cuối cùng cũng phải đối mặt với áp lực lợi nhuận và tăng giá. Theo TechCrunch, rất nhiều nhà hàng hiện nay phải trả 20% lợi nhuận cho các ứng dụng giao hàng và để duy trì lợi ích, phần lớn số tiền này được chuyển giao cho khách hàng chịu bằng cách nâng giá bán.

Kinh tế khó khăn, hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc ngày càng chuộng mỳ gói - Ảnh 2.

Hệ quả tất yếu là mỳ gói rẻ tiền lại sốt trở lại trong tầng lớp lao động cũng như người nghèo.

Cuối cùng, chiến tranh thương mại và những bất ổn kinh tế, dịch tả lợn… khiến cuộc sống của tầng lớp bình dân Trung Quốc ngày một khó khăn hơn. Thời kỳ hoàng kim khi thu nhập tăng và mọi nhà sống thoải mái đã qua đi. Tăng trưởng giảm tốc và giá hàng hóa đi lên do xung đột thương mại khiến mỳ gói rẻ tiền ngày càng đắt hàng.

Nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng cũng như tâm lý tiết kiệm khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế chi tiêu. Dấu hiệu rõ ràng nhất là doanh số bán lẻ lẫn ô tô tại Trung Quốc đã giảm mạnh còn những thứ rẻ tiền như mỳ gói thì lại bán chạy.

Có lẽ trong tương lai không xa, các chuyên gia phải lập chỉ số theo dõi mỳ gói, mặt hàng thiết yếu đánh giá tình hình kinh tế và phản ánh chất lượng sống của người dân ở Trung Quốc.

AB

Cùng chuyên mục
XEM