Kinh doanh online vẫn còn nhiều lỗ hổng

10/07/2020 21:18 PM | Kinh doanh

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và bắt giữ hàng loạt các trường hợp kinh doanh trên mạng xã hội như Zalo, Facebook có dấu hiệu vi phạm.

Mới đây nhất, gần 100 cảnh sát cơ động và lực lượng Tổng Cục quản lý thị trường đã ập vào kho hàng tại Lào Cai chứa hàng trăm nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các cơ quan quản lý trong việc nhập lậu và trốn thuế cũng như khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua hàng online.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Chia sẻ về việc kiểm tra và phát hiện kho hàng khủng giả mạo nhãn hiệu lớn nhất tại Lào Cai, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Thời điểm bắt đầu giám sát nhóm đối tượng này là từ cuối năm 2019, Phòng Nghiệp vụ 1 của Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục đã cho kiểm soát viên thường xuyên theo dõi, bám sát hoạt động của nhóm đối tượng trên mạng xã hội Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá... Đây là các tài khoản chính mà nhóm đối tượng dùng để giới thiệu, livestream và bán sản phẩm cho người tiêu dùng trên cả nước.

Tuy nhiên, có 3 khó khăn chính mà lực lượng chức năng gặp phải là giao dịch thường được diễn ra trên mạng xã hội dưới hình thức phát hình trực tiếp (livestream) nên thường khó xác định các giao kết hợp đồng, người mua và người bán không gặp nhau. Hàng hóa được vận chuyển qua bên thứ 3 và thanh toán chủ yếu bằng COD, tức là thanh toán tiền sau khi nhận hàng. Việc định danh đối tượng mất nhiều thời gian và công sức.

Cùng với đó, vị trí của kho hàng và địa điểm kinh doanh chính được đặt ở vùng giáp ranh biên giới tại tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai). Địa điểm kho hàng được ẩn nấp sau một khu biệt thự, có hàng rào cao kín kẽ, cửa khóa then cài, có chòi gác, bảo vệ, hệ thống camera giám sát hiện đại, sử dụng chó dữ trong cảnh giới. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động trinh sát và nắm bắt thông tin của lực lượng chức năng.

Không những thế, chủ của cơ sở kinh doanh không đứng tên trực tiếp, mọi giao dịch với người tiêu dùng được tiến hành thông qua những người đại diện được thuê mướn.

Cũng theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, đây là một kho hàng có diện tích lớn trên 10.000 m2. Dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng ước tính số lượng hàng hóa bày bán và chứa trữ trong kho phải lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. quần áo, giày dép, thời trang có dấu hiệu là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như LV, Gucci, Adidas, Nike…

Bình quân hàng tháng, nhóm đối tượng này bán ra thị trường khoảng trên 90.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đơn hàng. Doanh số bình quân các tháng rơi vào khoảng 10 tỷ đồng.

Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên này, ngày nào tối thiểu thì cũng chốt được xấp xỉ 1.000 đơn. Sau khi livestream bán hàng thì các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm cực kỳ chuyên nghiệp, quản lý tập trung.

Khi chốt các đơn hàng của khách hàng trên Facebook, đơn hàng mỗi ngày được đóng gói cẩn thận để gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát lớn như Viettel Post, J&T Express.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng  triệu sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, đây là hoạt động có đường dây, ổ nhóm được bố trí chuyên nghiệp, tổ chức thành các nhóm chuyên môn hoá từng khâu, phân công giữa các thành viên phối hợp nhịp nhàng.

Hoạt động kinh doanh này chỉ có thể triển khai được nhờ lợi dụng triệt để việc  bán hàng trên các nền tảng Internet bao gồm cả bán buôn, bán lẻ. Hình thức bán hàng thịnh hành gần đây qua công cụ livestream rất phát triển nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng.

Vì thế, qua đây gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn đặc biệt với các mô hình thương mại điện tử. Thương mại điện tử không chỉ còn tập trung tại các thành phố lớn mà đã lan ra các tỉnh, như vụ việc ở Lào Cai là một điển hình.

Siết chặt kỷ cương

Nhận định từ giới phân tích cho thấy: Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn, giá cả rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí…

Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động thương mại điện tử cũng như việc thực thi, ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc đăng ký bán hàng trên nền tảng Internet và website dịch vụ thương mại điện tử ngày càng thuận lợi, bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để bán hàng trên website, mạng xã hội hoặc tạo ra ứng dụng di động để bán hàng.

Các cơ sở kinh doanh offline truyền thống thông thường phải trải qua một số điều kiện nhất định như đăng ký kinh doanh, đăng ký địa điểm bán hàng, đăng ký thuế, điều kiện về kho chứa hàng hóa... Trong khi đó cơ sở kinh doanh trực tuyến thường lại không bị kiểm soát chặt chẽ ở các khâu này.

Do vậy, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, nhất là tại các quốc gia đang phát triển nơi người dân có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết, chế tài pháp lý và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế. Tình trạng này gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp chủ thể về quyền, môi trường kinh doanh cũng như nguồn thu thuế của Chính phủ.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định thêm rằng: Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.

Hơn nữa, hàng hóa luân chuyển đến các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình chung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian..., gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường.

Đặc biệt, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn. Cùng với đó, xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...

Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thương mại uy tín, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Ông Đặng Hoàng Hải-Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho rằng: Bên cạnh những lợi ích, thời gian qua đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán trực tuyến để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bình quân mỗi năm, Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại này chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ.

Do vậy, để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng nên chọn các website uy tín, hợp pháp. Đây là các website được thông báo trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, địa chỉ www.online.gov.vn.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý, thông tin người bán, thông tin sản phẩm phải chi tiết, đầy đủ, rõ ràng; đọc kỹ các điều khoản, chính sách bán hàng, lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch… Khi có tranh chấp, người dân liên hệ tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (idea.gov.vn, online.gov.vn), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (vca.gov.vn).

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Bộ Công Thương đã triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại trong thương mại điện tử; phối hợp với các sàn thương mại điện tử xây dựng chuyên trang về hàng hóa chính hãng.

Đáng lưu ý, các sàn thương mại điện tử đã phối hợp thông báo công khai để người bán, người mua được biết về các biện pháp xử lý và chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

Uyên Hương

Từ khóa:  online , kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM