Công việc làm bánh thuẩn để phục vụ Tết thường bắt đầu từ 20 - 28 tháng chạp. Nhưng trước đó mọi người đã mua các nguyên liệu trứng gà, bột, đường cát trắng. Trong ảnh: Người dân xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đang trộn đều các nguyên liệu. |
Cũng như một số loại bánh truyền thống khác, công đoạn làm bánh thuẩn khá đơn giản. Sau khi bỏ lòng trứng gà, bột và đường vào thau thì dùng đũa tre lớn để khuấy, đánh đến khi nào đường tan, trứng và bột trộn đều với nhau. Trong ảnh: Cho nguyên liệu vào khuôn đúc. |
Khuôn đổ bánh được đúc bằng đồng, có đường kính 25 - 35cm, phía trong chia thành nhiều ô nhỏ. Người ta bắt khuôn trên bếp than, dùng dầu ăn xoa một lớp mỏng, sau đó nguyên liệu được đổ đầy vào các ô, đậy nắp lại và bỏ lửa than lên bên trên nắp. Trong ảnh: Sau khoảng 15 phút, bánh được lấy ra. |
Dù rất nhiều nơi làm loại bánh này, thế nhưng hiếm ở đâu làm được loại bánh thuẩn thơm, ngon như người dân Quảng Ngãi. Nguyên liệu làm bánh như nhau, tuy nhiên điều quan trọng là cách pha trộn, khuấy nguyên liệu như thế nào cho đều. Và đặc biệt là cách điều chỉnh và canh lượng lửa than để bánh thuẩn không bị cháy, hoặc chưa chín đều. Trong ảnh: Để bánh giòn ngon, người ta hong thêm một thời gian trên lửa than sau khi bánh ra lò. Cụ bà Hên cho biết gia đình cụ có thâm niên hàng chục năm đúc bánh. |
Bánh thuẩn được xem đạt chuẩn là phía dưới có màu vàng ươm, phía trên màu vàng nhạt và nở 3 - 5 cạnh đều như cánh hoa. Bánh có mùi thơm nhẹ của lòng đỏ trứng gà quyện với mùi bột và vị ngọt thanh. Trong ảnh: Bánh đẹp phải có nhiều cánh đều nhau. |
Bánh vừa ra lò có mùi thơm quyến rũ. |
Tại Quảng Ngãi có nhiều cơ sở đúc bánh thuẩn quanh năm, nhưng bận rộn nhất là vào những ngày cận Tết. |
Cho bánh vào bao để mang đi bỏ tại các chợ. Theo Bích Trâm |