Làng 'đập vàng'

24/07/2015 16:33 PM |

Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là làng nghề duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ.

Trải qua bao thăng trầm, hiện làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

Ông tổ của nghề dát vàng, bạc quỳ ở Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị. Ông đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Ông đi sứ sang Trung Quốc và đã học được nghề làm vàng, bạc quỳ để sơn thếp lên câu đối, hoành phi. Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ.

Ngày nay, làng Kiêu Kỵ có hàng trăm hộ gia đình chuyên kinh doanh và SX vàng quỳ. Chúng tôi đến thăm xưởng SX của gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn, một trong những hộ SX vàng quỳ lớn nhất thôn. Xưởng làm quỳ, dát vàng của gia đình đã tạo việc làm cho hơn chục thanh niên trong làng với mức thu nhập đều đặn 5-6 triệu đồng/tháng.

Là người đã gắn bó với nghề làm vàng, bạc quỳ hơn hai mươi năm, nói về những kinh nghiệm và thăng trầm trong nghề, chị Nhàn tâm sự: “Những năm 80 của thế kỷ trước tưởng chừng nghề truyền thống của cha ông bị biến mất, nguồn nguyên liệu lúc đó khan hiếm.

Một năm, làng nghề chỉ được cấp một vài cân nguyên liệu vàng, bạc. Vì thế mà hầu như mọi người đều bỏ nghề. May mắn, cuối những năm 80 bước vào thời kỳ mở cửa, vàng bạc được cung cấp nhiều hơn, làng nghề được hoạt động trở lại.

Trong những năm gần đây, nghề làm vàng, bạc quỳ ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: làm vàng, bạc quỳ cựu và làm bạc quỳ tân. Trong đó, vàng và bạc quỳ cựu được làm từ vàng, bạc thật, còn bạc quỳ tân được làm từ thiếc”.

Không chỉ tốn công, nghề làm vàng, bạc quỳ còn đòi hỏi ở người thợ sự kiên trì, tinh xảo.

"Hiện ở Kiêu Kỵ vẫn còn hơn 100 hộ làm nghề dát vàng, trung bình thu nhập khoảng 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Nghề dát vàng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở Kiêu Kỵ và là nghề phụ “hái ra tiền” trong những lúc nông nhàn của nhiều người dân", ông Lê Bá Chung cho biết.

Là làng nghề dát vàng quỳ, bạc quỳ duy nhất ở Việt Nam nên việc giữ nghề và phát triển nghề truyền thống luôn được quan tâm.

Ông Lê Bá Chung, Chủ nhiệm HTX quỳ vàng Kiêu Kỵ, cho biết: “Một chỉ vàng, nghệ nhân Kiêu Kỵ có thể đập mỏng thành 980 lá vàng có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp dát vàng của Nhật. Chính vì vậy, cho đến nay, Kiêu Kỵ là làng duy nhất trong cả nước làm nghề này và người dân sống được với nghề.

Hơn nữa, những điều trong hương ước của làng nghề cũng được người dân tuân thủ một cách nghiêm túc, để không lộ nghề ra ngoài. Cụ thể, nghệ nhân không được truyền nghề cho con gái mà chỉ được truyền cho con trai và con dâu. Những người thợ làm quỳ tuyển chọn cũng phải là những thanh niên thuộc hộ khẩu trong thôn... Nếu ai vi phạm những quy định trên sẽ bị xử lý theo hương ước”.

Cũng theo ông Chung thời gian gần đây, có một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra ở Kiêu Kỵ đó là sự xâm lấn của một vài cá nhân thuê nhân công từ nơi khác đến. Đặc biệt, một số cơ sở SX còn nhập lậu sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc về trà trộn vào hàng của làng nghề gây ảnh không nhỏ đến một bộ phận lành nghề trong làng.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, nghề làm vàng quỳ, bạc quỳ Kiêu Kỵ vẫn có chỗ đứng vững chắc và phát triển. TP Hà Nội xây dựng kế hoạch Làng nghề văn hóa tâm linh kết hợp với du lịch giúp hình ảnh Kiêu Kỵ được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Nguyễn Anh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM