Kinh doanh dịch vụ tại sân bay: "Miếng bánh" chưa ngon
Tính đến tháng 10, 25 triệu khách đã đến sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi con số này được Cục Hàng không dự báo phải đến năm 2020 mới đạt được. Dự kiến khoảng 2 năm tới, lượng khách qua sân bay này có thể tăng thêm 5 triệu lượt/năm, cho thấy kinh doanh dịch vụ tại sân bay đang rất hấp dẫn. Tuy nhiên, "người trong cuộc" vẫn than khó.
Thời gian gần đây, nhiều dịch vụ tại sân bay như cửa hàng miễn thuế, ăn uống, sách báo, đồ lưu niệm, đổi tiền, ngân hàng, điện thoại, Wi-Fi, bưu điện... đã có nhiều thay đổi, hàng hóa phong phú hơn, phục vụ chu đáo hơn.
Tuy giá thức ăn còn cao nhưng ngang với giá tại các trung tâm thương mại hiện đại nên vẫn được nhiều khách hàng chấp nhận.
Chia sẻ việc kinh doanh dịch vụ tại sân bay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP, đơn vị có cổ phần trong Sasco, cho biết: "Trước đây, chúng tôi chỉ là đối tác của Sasco, bây giờ là thành viên nên được tham gia đầu tư, thay đổi dịch vụ cũng như đổi mới cung cách làm dịch vụ, vì thế tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đơn cử, lúc trước tôi chỉ đưa ba, bốn thương hiệu thời trang vào sân bay, bây giờ đưa nhiều hàng hiệu vào các cửa hàng miễn thuế cũng như mở thêm cửa hàng thức ăn nhanh nên khách hàng có nhiều lựa chọn, cửa hàng cũng đẹp hơn do đa dạng mặt hàng trưng bày. Hiện, các cửa hàng miễn thuế của chúng tôi đã có khoảng 12.000 sản phẩm đến từ các thương hiệu cao cấp".
Chiếm tới 50% thị phần tại sân bay Tân Sơn Nhất, kinh doanh hàng hiệu tại cửa hàng miễn thuế được xem là mảng kinh doanh đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp (DN). Theo báo cáo tài chính, mỗi năm, mảng kinh doanh này chiếm từ 70 - 80% tổng doanh thu của Sasco.
Tuy nhiên, ông Hạnh Nguyễn cũng cho biết, kinh doanh dịch vụ sân bay không "dễ ăn", nhất là không dễ thu hồi vốn như kinh doanh ở ngoài.
Đơn cử, ngay khi đóng góp cổ phần vào Sasco, IPP tiếp tục đầu tư nâng chất lượng dịch vụ các cửa hàng ăn uống, chỉnh đốn hàng hóa và những khiếm khuyết chứ chưa thể tính đến lãi, thậm chí giảm doanh thu để xử lý hàng tồn đọng.
Một DN kinh doanh nhà hàng tại sân bay cho biết, giá thuê mặt bằng ở đây đắt gần gấp rưỡi, tiền điện cao gấp nhiều lần do phải sử dụng điện 3 pha. Chẳng hạn, một khu vực rộng vài trăm m2 tại ga quốc tế phải trả 60 - 70 triệu đồng tiền điện được khoán cố định mỗi tháng.
Thêm vào đó, mỗi lần cửa hàng phải điều chỉnh, sửa chữa từ nhỏ đến lớn đều phải do các đơn vị trực thuộc nhà ga thi công với mức phí cao hơn bên ngoài. Bên cạnh đó, do yếu tố an toàn và an ninh nên việc kinh doanh tại sân bay phải theo quy định khe khắt hơn, kéo theo việc đầu tư và chi phí cũng cao hơn nhiều lần.
Ông Hạnh Nguyễn dẫn chứng: "Tiền đầu tư một cửa hàng thức ăn nhanh ở ngoài khoảng 300 ngàn USD, nhưng trong sân bay phải đầu tư đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như dây điện phải dùng loại nào, công suất bao nhiêu, rồi công suất đèn... Mỗi thứ tăng một ít khiến chi phí đầu tư tăng lên đến 500 ngàn USD".
Trước việc dư luận phản ứng về giá thức ăn tại sân bay quá cao, buộc các DN kinh doanh tại Tân Sơn Nhất phải giảm giá, nhiều DN cho biết họ đang... bị khó do chi phí đầu vào vẫn cao.
Giá thuê mặt bằng tại Tân Sơn Nhất dao động từ 30 - 60USDm2/tháng, tùy vị trí nằm trong ga quốc nội hoặc quốc tế, hay khu cách ly. Theo ước tính của một số đơn vị kinh doanh ngành bán lẻ, mặt bằng chiếm 25 - 30% tổng chi phí đầu tư.
"Do suất đầu tư quá lớn, mọi chi phí đều cao hơn bên ngoài nên chúng tôi mở nhà hàng Confetti tại sân bay chủ yếu để làm thương hiệu và quảng bá hình ảnh, việc bù lỗ được dựa vào các dịch vụ khác như bán hàng lưu niệm, thu đổi ngoại tệ...", đại diện Công ty Sóng Việt chia sẻ.
Theo phân tích của ông Hạnh Nguyễn, một chai nước suối bán ra tại sân bay khoảng hơn 20 ngàn đồng, được cho là quá đắt. Nhưng do phải cõng quá nhiều chi phí nên nếu bán được 100 chai thì DN cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng, vì thế, không thể bán như giá bên ngoài.
Dù lượng khách đến sân bay tăng cao nhưng do đặc thù kinh doanh tại sân bay khác bên ngoài, đó là mỗi chuyến bay chỉ có số lượng nhất định, hơn nữa, có lúc sân bay ùn khách đến hàng ngàn người nhưng thực chất chỉ phục vụ được vài trăm người trong khoảng vài tiếng đồng hồ, trong khi nhân viên phải làm cả ngày, vắng khách cũng phải mở cửa, vẫn phải trả lương, tiền điện...
Thêm vào đó, nhân viên làm tại sân bay lương phải trả cao hơn làm bên ngoài, do họ phải làm việc từ 3, 4, 5 giờ sáng. Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ phải trả lương gấp đôi, cộng với giá mặt bằng cao gấp 3 lần bên ngoài nên lợi nhuận không cao.
Đã vậy, kinh doanh dịch vụ tại sân bay còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan, như khi có dịch bệnh, lượng khách giảm rõ rệt.