Giành 'đất' bán gạo

23/04/2014 13:57 PM |

Các doanh nghiệp phân phối gạo “sạch” đang cạnh tranh nhau khốc liệt ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và đặc biệt là trên mạng internet để giành “đất” kinh doanh.

Thử vào trang www.nosavina.vn, gọi số điện thoại đường dây nóng, từ đầu dây bên kia một cô gái có chất giọng miền Tây dịu dàng cất lên: “xin lỗi quý khách cần mua loại gạo gì ạ”. Tiếp sau là một loạt thông tin về gạo, cách nấu cơm làm sao cho ngon nhất được cô gái này giới thiệu. “Tui ở địa chỉ…Trần Hưng Đạo, cần mua 4kg gạo lài đông xuân, giao ngay hen”. “Dạ vâng, anh vui lòng đợi 10 phút sẽ có người giao tới ạ”.

Chừng hơn 10 phút sau, chúng tôi nhận được một bao gạo Nosavina với dòng chữ cam kết trên bao bì “đảm bảo 100% gạo mới”, “hạt gạo được chọn lọc từ những hạt lúa tươi mới nhất của vụ Đông xuân, trải qua quy trình sản xuất khép kín hiện đại”.

Trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy cuộc cạnh tranh phân phối gạo đóng túi của những nhà sản xuất có thương hiệu đang hết sức khốc liệt. 
Thử dùng công cụ tìm kiếm Google vài từ khóa liên quan đến cung cấp gạo, bạn có ngay hàng ngàn địa chỉ để lựa chọn. 
Tại một địa chỉ trên đường số 7, khu dân cư Trung Sơn, quận Bình Chánh, nơi doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chọn làm kho chứa gạo thương hiệu Nosavina, các nhân viên giao hàng đang hối hả làm việc. 
Đỗ Thị Mỹ Hạnh, giám đốc phát triển khách hành của Cỏ May còn khá trẻ, nhưng tỏ ra khá am tường về thị trường gạo. 
Cô lanh lẹ với phần giới thiệu chiến lược của Cỏ May tới đây sẽ tập trung vào phân khúc khách hành có mức thu nhập khá trở lên bởi theo cô đối tượng này đang có xu hướng muốn được sử dụng gạo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Và sản phẩm gạo Nosavina của Cỏ May hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng.

Ngoài việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kể cả các sạp gạo xá “nếu họ chịu nhận”, Hạnh còn tiết lộ Cỏ May sẽ “đánh” mạnh vào kênh bán hàng đặt qua mạng, qua điện thoại. “Chiến lược của công ty là sẽ lập cửa hàng ở các quận trung tâm, nơi đông dân cư để tiện việc giao hàng”, Hạnh hồ hởi. 

Dù mới góp mặt trên thị trường với hiệu gạo Nosavina gồm ba loại là lài đông xuân, sen hè thu và cúc thu đông tương ứng với ba mùa vụ chính tại Việt Nam, nhưng Cỏ May tạo “sốc” bằng cách in trên mỗi bao bì gạo có mã QR giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc bằng cách dùng điện thoại di động quét mã hoặc vào trang web www.nosavina.vn để tìm hiểu bao gạo đó được lấy từ lúa trồng ở đâu.

Có quy trình sản xuất khép kín, gạo được chứng minh nguồn góc, kiểm soát chất lượng, nhưng doanh nghiệp thừa nhận thay để thay đổi thói quen mua gạo xá của người tiêu dùng không phải dễ. Vì vậy, việc mở rộng kênh phân phối, bán hàng bằng nhiều hình thức giúp người dùng có thể mua được sản phẩm nhanh nhất, dễ dàng nhất là cách đang được nhiều doanh nghiệp tiếp cận.

Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, tổng giám đốc công ty phần đầu tư - nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm Ita Rice, trung bình mỗi hộ gia đình bốn nhân khẩu ở TP.HCM ăn hết 20 kg gạo mỗi tháng. Nếu chuyển sang gạo đóng túi họ chỉ phải bỏ thêm khoảng hơn 100.000 đồng. 

Số tiền tuy nhỏ, được ăn gạo chất lượng nhưng để thay đổi thói quen ăn gạo xá lâu nay của họ là điều không hề dễ dàng. Vậy nên, kế hoạch của Ita Rice là đang nhanh chóng triển khai hệ thống bán hàng phủ kín các siêu thị Co-op Mart, Maximart, Lotte, Big C… cũng như các kênh truyền thống khác. 

Đặc biệt, công ty đang xây dựng hệ thống phân phối của chính mình trên các quận huyện trọng điểm như quận 1,3,5,7, và khu dân cư Phú Mỹ Hưng cũng như xây dựng hệ thống kinh doanh qua mạng internet để từng bước thâm nhập vào thị trường gạo sạch.

“Song song với việc xây dựng hệ thống maketting online, các trung tâm nhận và giao hàng trực tuyến để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tại các điểm phân phối, bán hàng, một số doanh nghiệp còn biết cách truyền thông qua hình ảnh, băng đĩa… để người tiêu dùng rõ thêm về tiêu chuẩn GLOBAL GAP, các hình ảnh, chăm sóc, bước thực hiện sản xuất gạo sạch”, ông Minh tiết lộ.

Ngoài “cuộc chiến” quầy kệ, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, chủ tịch hội đồng thanh viên công ty cổ phần lương thực Phương Nam, các doanh nghiệp gạo cũng đang dành nhau “đất” sống trên các trang mạng xã hội

Để có được “thành quả” trang webwww.gaophuongnam.vn của mình luôn luôn đứng đầu trên Google khi khách hàng tìm kiếm thông tin về gạo sạch, Hoàng tiết lộ nhóm của mình gồm 5 thành viên toàn là dân Bách Khoa thứ thiệt phải mất cả tháng trời mày mò mới có được. Hoàng cho biết thành quả này là nhờ vào sự đam mê hạt gạo chứ tuyệt đối không mua bằng tiền. 

“Công ty mình chỉ là một đại lý cung cấp gạo, nhưng mình tìm kiếm nguồn gạo có xuất xứ rõ ràng, có quy trình sản xuất, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm về để bán cho mọi người. Và công việc kinh doanh của mình đang khá tốt, một phần nhờ bán hàng qua mạng”, Hoàng tâm sự.

>> Người Sài Gòn mua gạo: Ăn gạo đóng túi hạn chế may rủi!

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM