Kinh doanh mảng mới với một cái đầu cũ, dùng người Thế giới Di động quản lý việc bán thịt, bán rau: Lối thoát nào cho Bách Hóa Xanh?
Rất khó khi kinh doanh mảng mới với một cái đầu cũ!
Chuyện người mới tại Thế giới Di động: Tuyển một team mới về chạy Điện Máy Xanh, mọi thứ về con người đều không ổn
Ngày 23/12/2010, đúng dịp lễ Giáng Sinh, Điện Máy Xanh khai trương cửa hàng đầu tiên. Theo đúng quy trình phát triển, sau khi chuẩn hóa, Điện Máy Xanh sẽ tăng độ phủ.
Mặc dù có lợi thế về chuỗi cửa hàng Thegioididong.com, điện máy lại là mặt hàng khá gần với điện thoại, nhưng phải 3 – 4 năm sau, Điện Máy Xanh mới có thể tăng ga và "về đích".
Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích Quý 1 mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – cho biết: Việc chậm trễ tăng độ phủ của Điện Máy Xanh xuất phát từ một vấn đề nội tại của Thế giới Di động - Vấn đề con người.
"Một team chúng tôi vác từ bên ngoài vào để chạy Điện Máy Xanh, mà cuối cùng chứng minh là hình như mọi thứ không ổn. Tôi mất 1 - 2 năm để xử lý vấn đề liên quan đến con người đó", ông Tài nói.
Việc nhân tài bên ngoài không thể chen ngang vào được Thế giới Di động là điểm yếu không lời giải trong vấn đề quản trị nhân sự của doanh nghiệp, ông Tài từng thừa nhận như vậy trong một hội thảo về nhân sự.
Ví như cấp AM (Area Manager – Quản lý vùng), Thế giới Di động chia làm 10 vùng, doanh thu năm 2017 là hơn 67.000 tỷ đồng, tức mỗi vùng quản lý 6.700 tỷ doanh thu. 10 AM ấy đều là người nội bộ thăng tiến lên, có từ 5 – 7 năm gắn bó với công ty.
99,9% các lãnh đạo ở Thế giới Di động là thăng tiến từ nội bộ. Văn hóa quá mạnh, khó chấp nhận nhân tài bên ngoài vào.
Ở cấp SM (Store Manager – Quản lý cửa hàng), có bạn nhân viên vào làm việc 6 tháng đến 1 năm được thăng chức lên.
"Những người băng ngang từ ngoài vô, trong quá khứ tôi từng có, nhưng mức độ chấp nhận hòa nhập hay văn hóa này sao đó, có cảm giác không thành công", ông Tài nói.
"Đó là điểm yếu nhất của Thế giới Di động. Chúng tôi khó chấp nhận những Talent (nhân tài) bên ngoài băng ngang về đội ngũ này. Chúng tôi cũng chưa biết giải bài toán này như thế nào, chắc anh Lượm (ông Đặng Minh Lượm – Giám đốc Nhân sự của Thế giới Di động từ năm 2007, hiện cũng là Thành viên HĐQT của công ty – PV) cũng phải suy nghĩ. Bởi đến một lúc nào đó chúng ta cũng cần có những nhân tố mới trong tổ chức này".
Còn như bộ máy quản lý hiện tại, 99,9% là thăng tiến từ nội bộ lên.
Bán rau, thịt khác hoàn toàn nghiệp vụ bán điện thoại, có thể dùng người của Thế giới Di động để kinh doanh Bách Hóa Xanh?
Việc "vác một team mới" vào để chạy business, ông Tài cho biết: "Bách Hóa Xanh không có chuyện này".
Việc không có Talent băng ngang vào Bách Hóa Xanh có thể giúp toàn Thế giới Di động ổn định về mặt nhân sự. Tuy nhiên, nghiệp vụ bán rau, bán thịt khác hoàn toàn nghiệp vụ bán điện thoại, việc ông Tài tránh để Bách Hóa Xanh có team mới và gặp "vấn đề con người" như Điện Máy Xanh liệu có đúng đắn?
Bách Hóa Xanh bắt đầu mở bán lần đầu vào tháng 10/2015. Sau gần 3 năm vận hành, ông Tài mới đây thừa nhận chiến lược lựa chọn mặt bằng thọc sâu vào các khu dân cư là hơi vội vàng, khi thương hiệu chưa đủ mạnh mà lại phủ quá sớm.
Kết thúc Quý 1/2018, Bách Hóa Xanh lỗ Ebitda 60 tỷ đồng, phải đóng cửa 3 cửa hàng. Chiến lược mở rộng cũng đã giảm từ 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 cửa hàng.
Giá cổ phiếu MWG đạt đỉnh vào cuối năm 2017, ở mức 135.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này không ngừng lao dốc vì nỗi lo dồn cả vào Bách Hóa Xanh. "95% câu hỏi của mọi người xoay quanh Bách Hóa Xanh", ông Tài thừa nhận.
Chiến lược lựa chọn mặt bằng sẽ học theo Thế giới Di động, dịch chuyển ra trục đường lớn hơn và nhắm vào các lối đi vào khu dân cư.
Cửa hàng mới đây được khai trương là Bách Hóa Xanh ở đường Tăng Nhơn Phú, Phường Phước Long B, quận 9, có tới 2 mặt tiền, thậm chí có cửa hàng có tới 3 mặt tiền.
Liệu lựa chọn này có đúng đắn khi mặt bằng vị trí đẹp hơn chắc chắn dẫn đến chi phí thuê bị đẩy lên cao hơn nhiều, trong khi giá trị các mặt hàng rau củ vốn không lớn như điện thoại, điều hòa?
Việc dùng những nhân sự cũ của Thế giới Di động phụ trách kinh doanh một mảng mới và khác biệt hoàn toàn có hợp lý, khi sản phẩm rau củ, thịt cá phức tạp hơn sản phẩm điện thoại, điện máy rất nhiều? Có thể nào kinh doanh một mảng hoàn toàn mới với một cái đầu đã cũ?
Trong một hội thảo về khởi nghiệp, một doanh nhân chia sẻ thẳng thắn rằng: Startup luôn có thể thử và sai, vì thiệt hại cho một cái sai không lớn. Fail càng sớm, thiệt hại càng được giảm thiểu. Nhưng với một doanh nghiệp lớn, một cái sảy chân cũng "đi" luôn cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng.
Với Bách Hóa Xanh, Thế giới Di động vẫn đang "thử và sai" như bình luận của Chứng khoán Rồng Việt. Nếu chiến lược mới vẫn không hiệu quả, Thế giới Di động sẽ xoay chuyển cách nào?