Kinh doanh bị ngân hàng tính phí cắt cổ, 2 anh chàng tạo ra kỳ tích nước Úc: Nền tảng thanh toán quốc tế chi phí thấp, trở thành kỳ lân chỉ trong 3 năm

30/07/2019 13:30 PM | Kinh doanh

Airwallex là nền tảng thanh toán quốc tế đạt trạng thái kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) chỉ trong 3 năm ngắn ngủi.

Khi Jack Zhang và Max Li tìm việc làm thêm để tăng thu nhập ngoài công việc chính của mình, họ quyết định mở quán cà phê nhỏ ở Melbourne. Đó dường như là một lựa chọn dễ dàng của hai người bởi Melbourne vốn được mệnh danh là một trong những kinh đô cà phê của thế giới, nơi người ta hầu như sẽ không thể tìm thấy một ly cà phê dở tệ nào.

Dù vậy, tuy mọi việc không diễn ra quá suôn sẻ nhưng nó đã giúp tạo ra ý tưởng dẫn đến một startup tỷ đô tăng trưởng nhanh trong lịch sử nước Úc. Zhang và Li – những công dân gốc Trung Quốc là đồng sáng lập của Airwallex, nền tảng thanh toán quốc tế đạt trạng thái kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) chỉ trong 3 năm ngắn ngủi.

Zhang và Li nảy ra tưởng về một công ty fintech xuyên biên giới, chi phí thấp sau khi nhận thấy các ngân hàng truyền thống tính phí ở mức cắt cổ đối với việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến cà phê từ nước ngoài của họ. Chính vì thế, họ đã cùng với 3 người bạn đại học khác là học Lucy Liu, Xijing Dai và Ki-Lok Wong để tìm kiếm giải pháp khắc phục điều này.

Kinh doanh bị ngân hàng tính phí cắt cổ, 2 anh chàng tạo ra kỳ tích nước Úc: Nền tảng thanh toán quốc tế chi phí thấp, trở thành kỳ lân chỉ trong 3 năm - Ảnh 1.

Chân dung các nhà sáng lập Airwallex.

Liu chia sẻ với CNBC Make it: "Zhang và Li đã nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc và họ thấy toàn bộ quá trình này rất ‘đau ví’. Đồng thời, họ cũng nhận ra rằng mình không cô đơn khi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác đều phải chịu cảnh tương tự. Do vậy, chúng tôi nghĩ mình có thể làm một điều gì đó để cải thiện tình hình".

Thời điểm năm 2015, Liu đang là nhân viên của một ngân hàng đầu tư ở Melbourne. Vài tháng sau, những người bạn của Zhang và Li quyết định bỏ việc đang làm để cùng nhau sử dụng chuyên môn về kỹ thuật phần mềm, tài chính và kiến trúc để xây dựng "một hệ thống cho các công ty của tương lai".

Kinh doanh bị ngân hàng tính phí cắt cổ, 2 anh chàng tạo ra kỳ tích nước Úc: Nền tảng thanh toán quốc tế chi phí thấp, trở thành kỳ lân chỉ trong 3 năm - Ảnh 2.

Đồng sáng lập Airwallex, Lucy Liu.

Liu chia sẻ: "Chúng tôi chỉ đơn thuần là có niềm tin vào ý tưởng của mình và không có nhiều thời gian để nghĩ đến việc sẽ ra sao nếu như… Lúc đó, thị trường thanh toán cũng đã phát triển ở mức nhất định và chúng tôi biết sẽ gặp phải không ít đối thủ cạnh tranh".

Hệ thống do nhóm sáng lập tạo ra chính thức ra mắt năm 2016, cho phép người dùng thiết lập tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để trả tiền cho đối tác tại các quốc gia khác trên thế giới. Khi muốn chuyển số tiền ở nước ngoài về nơi đang sinh sống, họ có thể chuyển qua hệ thống Airwallex với tỷ giá trung bình trên thị trường. Theo Airwallex, điều này có thể giảm chi phí đáng kể cho người dùng.

Ban đầu, những nhà sáng lập đã đầu tư tổng cộng 1 triệu USD tiền tiết kiệm và vay mượn của người thân, bạn bè để thành lập Airwallex. Sau đó, khi đã phát triển hơn startup này đã nhanh chóng thu hút được một loạt các khoản tiền lớn từ những ông lớn như công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital Horizons Ventures và tập đoàn Tencent của Trung Quốc.

Kinh doanh bị ngân hàng tính phí cắt cổ, 2 anh chàng tạo ra kỳ tích nước Úc: Nền tảng thanh toán quốc tế chi phí thấp, trở thành kỳ lân chỉ trong 3 năm - Ảnh 3.

Trụ sở của Airwallex tại Melbourne.

Tháng 3 vừa qua, DST Global – nhà đầu tư sớm vào Spotify và Airbnb đã rót 100 triệu USD cho Airwallex trong vòng gọi vốn mới nhất, giúp startup mới 3 năm tuổi được định giá trên 1 tỷ USD – một kỳ tích chưa công ty khởi nghiệp nào đạt được trước đây tại Úc. Tài sản của 5 nhà đồng sáng lập cũng nhờ đó mà tăng lên hơn 100 triệu USD mỗi người.

Liu cho biết nguồn vốn mới sẽ giúp công ty mở rộng thêm, ngoài 9 văn phòng hiện tại ở Bắc Kinh, Hong Kong, London, Melbourne, San Francisco, Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến và Tokyo. Thị trường mục tiêu mà Airwallex hướng tới trong tương lai là Mỹ và Anh, nơi công ty hy vọng có thể tận dụng chuyên môn của mình để cạnh tranh với các nền tảng thanh toán tương tự khác.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM